Sức mạnh mềm!
Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, văn hóa chính là căn cước để các quốc gia, dân tộc hội nhập nhưng không hòa tan.
Hơn 30 năm đổi mới, kinh tế nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với thời kỳ trước đổi mới. Thành công có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới khởi nguồn từ những tư duy mới, những chính sách mới, đơn cử như việc xác định văn hóa là động lực của phát triển; phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Đề cao văn hóa, tức là coi văn hóa như sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của một dân tộc, đóng vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả dân tộc nói chung và của nền kinh tế nói riêng.
Văn hóa là một khái niệm rộng, có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa: Văn hóa nên được đề cập như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.
Ở nước ta, văn hóa cũng được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, từ quan điểm thông dụng chỉ học thức, lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến quan niệm văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử, nghĩa là con người sáng tạo, tích lũy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và như vậy, văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, là biểu hiện của văn minh, vừa mang dấu ấn chung của nhân loại, vừa in đậm dấu ấn của mỗi dân tộc, mỗi đất nước. Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, văn hóa chính là căn cước để các quốc gia, dân tộc hội nhập nhưng không hòa tan.
Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt nguyên tắc và mục tiêu “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Để có nền văn hóa tiên tiến, chúng ta phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của các quốc gia khác trên thế giới, những thành tựu mới trong lĩnh vực văn hóa của quốc tế; bên cạnh đó, chúng ta phải gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc được bồi đắp qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới để đóng góp vào văn hóa chung của cả loài người.
Kinh tế phát triển dẫn đến sự thay đổi về nhiều mặt, trong đó có vấn đề văn hóa. Bên cạnh những yếu tố tích cực thì xuất hiện những hiện tượng phản văn hóa. Đó là thái độ phủ nhận những chuẩn mực, giá trị của nền văn hóa chung. Nó xung đột, đối lập với các chuẩn mực, giá trị chung của toàn xã hội. Coi thường chuẩn mực chung trong giáo dục gây ra những tiêu cực, những chuyện đau lòng; chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá nên dẫn đến những dự án gây ô nhiễm môi trường, lừa đảo trong kinh doanh, sản xuất và buôn bán hàng giả... đến vấn nạn tín dụng đen; coi thường chuẩn mực trong giao thông gây ra những vụ tai nạn, khiến thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng...
Hay một hiện tượng dễ thấy nhất là khủng hoảng hệ giá trị, dẫn đến những biểu hiện bất thường từ những chuyện như: Dâng cúng bánh chưng lớn nhất, chai rượu lớn nhất đến những biệt phủ thật hoành tráng, những đám cưới thật to… trong lúc thu nhập chính đáng còn thấp, đời sống của nhân dân nhiều nơi rất khó khăn. Sự khủng hoảng giá trị đó còn dẫn đến hiện tượng học giả, bằng thật rồi bằng giả, bổ nhiệm thật, đặc biệt là tệ tham nhũng, lãng phí gây ra những hệ lụy rất tệ hại.
Chính vì vậy mà vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân cũng đang được đặt ra một cách bức thiết. Dù nghị quyết rất hay, chủ trương rất đúng nhưng chính cán bộ, đảng viên không gương mẫu thực hiện, thậm chí làm ngược lại thì không thể thuyết phục được quần chúng nhân dân, chưa kể nó làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Do đó, nhìn một cách phổ quát, văn hóa đúng là ngọn đuốc soi đường, sức mạnh mềm!
Theo Đăng Dương
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam