Bạn đọc viết
Sự vô cảm đáng sợ
Em Sôn chết vì không có một bộ quần áo mới với giá chỉ 130.000 đồng. Đấy là số tiền mà bố mẹ em vừa vay mượn để may quần áo mới cho em kịp tới trường. Vậy mà, đau xót thay, em đã vội ra đi khi đời đang chớm nụ.
>> Học sinh lớp 6 tự vẫn thương tâm vì không có quần áo mới tới trường
Cậu bé Ksor Sôn (11 tuổi, ngụ làng Breng 3) huyện Ia Grai, Gia Lai tự vẫn vì không có quần áo mới đi học.. Nó bị khuất lấp giữa bao tin khác nóng hổi hơn, giật gân hơn; giữa một cuộc thi sắc đẹp ồn ào đang khiến dư luận xì xào vừa diễn ra vừa qua.
Hay là cái chết của em chưa đủ độ "hot" để đánh thức lương tâm của mọi người.
Chúng ta đã nói quá nhiều về đạo đức.
Chúng ta cũng có quá nhiều những câu khẩu hiệu, kiểu như "Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai", "Hãy dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em"…
Bài học đạo đức thì khô khốc còn khẩu hiệu thì… sáo rỗng!
Hãy nghe ông Ngô Khôn Tuấn - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương bình và Xã hội huyện Ia Grai nói: "Trước đây trường hợp trẻ em chết đuối nước nằm trong diện hỗ trợ chết trong thiên tai, tai nạn nhưng em Sôn không nằm trong diện hỗ trợ này". Và ông khẳng định: "Nếu có muốn hỗ trợ thì cũng phải theo quy định của nhà nước. Nếu như không nằm trong diện quy định thì cũng không thể làm được. Ví dụ như đối tượng hỗ trợ đột xuất theo Nghị định 136, chết đột xuất, rủi ro thiên tai mới có trong chủ trương của nhà nước. Trên địa bàn có mấy ngàn hộ nghèo, hộ nào cũng có người chết thì làm sao mà hỗ trợ hết".
Cái gọi là "qui trình" ấy lâu nay trở thành bửu bối để các vị bao biện cho sự vô trách nhiệm hay những việc làm sai trái của mình. Và chính nó cũng là sợi dây vô hình "trói" tư tưởng và hành động của các vị để rồi vô cảm trước những khốn khó của người dân.
Sự vô cảm lên đến tột đỉnh khi ở cơ quan công quyền có một số công chức vô cũng quan liêu, xa dân, suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh chờ báo cáo đến rồi gửi báo cáo đi, còn làm gì, xử lí ra sao không biết: "Xã không báo cáo, đến khi chuyện xảy ra rồi họ mới báo cáo... nên cũng chỉ biết nhận thông báo vậy rồi báo lên lãnh đạo huyện để chờ phương án xử lý chứ không biết làm sao", ông Tuấn nói.
Làm sao có thể chấp nhận cách hành xử như thế của một vị lãnh đạo phòng Lao động - Thương bình và Xã hội trước vụ việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách? Hóa ra bấy lâu nay các vị chỉ biết "nằm ngửa chờ sung" để rồi lương bổng và mọi đặc quyền đặc lợi từ tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân, cứ vô tư "tận hưởng" - chữ dùng của tân hoa hậu vừa mới đăng quang?
Em Sôn chết vì không có một bộ quần áo mới với giá chỉ 130.000 đồng. Đấy là số tiền mà bố mẹ em vừa vay mượn để may quần áo mới cho em kịp tới trường. Vậy mà, đau xót thay, em đã vội ra đi khi đời đang chớm nụ.
Sao không là tai nạn giao thông hay đuối nước để gia đình em được nhận tiền hỗ trợ theo đúng "qui định"? nghe mà héo ruột, thắt tim.
130.000 đồng bộ quần áo của em có sánh nổi 3.200 tỉ thất thoát do ông Trịnh Xuân Thanh gây ra? Liệu có bé như cái nhà máy giấy 3000 tỉ đắp chiếu bấy lâu nay giờ xin bán sắt vụn ở Long An cùng hàng trăm, hàng ngàn công trình tiền tỉ khác chưa làm xong đã hoang phế?
Càng nghĩ càng thương xót cho những thân phận nghèo như bé Sôn, sinh ra đời chưa bao giờ có cho riêng mình bộ quần áo mới vì toàn phải mặc lại từ hai người anh bởi gia cảnh quá nghèo. Và biết bao những em bé khác mùa tựu trường sắp đến cũng đang phải đối mặt với cảnh thiếu thốn quần áo, dày dép, sách vở…? Biết bao trẻ vùng cao chân trần tới lớp, chập chờn giấc mơ cơm có thịt theo tháng năm?
Lỗi là ở đâu? Có phải từ sự vô cảm của xã hội, từ sự vô trách nhiệm của một số ít quan chức nêu trên, cái tâm thì nhỏ, lại được giao trọng trách chăm lo đời sống nhân dân?
Thật may, dân mình biết đùm bọc sẻ chia. Để giúp vợ chồng anh Phơ lo đám tang cho con trai, dân làng đóng góp mỗi người 100.000 đồng. Ông Ksor H’Leo, trưởng làng Breng 3, xã Ia Der nói: "Đây là truyền thống có từ nhiều năm nay của dân làng. Cứ gia đình nào có người chết thì các hộ gia đình người góp tiền, người góp heo để cùng làm đám tang, xây mộ cho người đã qua đời. Mình phải yêu thương, đoàn kết lấy nhau chứ".
"Mình phải yêu thương, đoàn kết lấy nhau chứ". Đấy là đạo lí ở đời của nhân dân, giản dị như cơm ăn nước uống hằng ngày. Đâu cần hô to khẩu hiệu, chẳng phải thuyết lí dài dòng.
Đạo lí ấy thấm vào máu thịt mỗi người dân nước Việt tự ngàn đời nay - "bầu ơi thương lấy bí cùng". Vậy mà một số vị quan chức như trên sao dễ quên điều đó?
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
- http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/tin-tuc/be-tu-tu-vi-khong-co-quan-ao-moi-di-hoc-gia-dinh-khong-thuoc-dien-duoc-ho-tro-81703/