Sự hù dọa nực cười về kinh tế Việt Nam

Mới đây, một vài người được gắn mác “chuyên gia” đăng đàn ở một cơ quan truyền thông nước ngoài với cách đưa thông tin sai trái, phiến diện, thiếu thiện chí về Việt Nam, nhận định rằng: Nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái năm thứ 10 liên tiếp.

Rằng đang có một làn sóng tháo chạy khỏi nền kinh tế Việt Nam: Nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi, người dân thì chuyển hết tiền ra nước ngoài. Các “chuyên gia” trên cho rằng, lý do là vì nhà đầu tư nước ngoài và người dân đã mất hết niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam. Từ đó họ hù dọa: Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, siêu lạm phát và vỡ nợ... Nực cười thay, những nhận định nêu trên trái ngược hoàn toàn với thực tế đất nước và những dự báo lạc quan của các ngân hàng, các tổ chức tài chính, tổ chức nghiên cứu thị trường, các tờ báo uy tín trên thế giới đánh giá về kinh tế Việt Nam.

Chính sách hiệu quả giúp kinh tế Việt Nam vượt lên

Trang mạng Bluenotes.anz.com ngày 26-8 đăng bài phân tích của ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á thuộc Ngân hàng ANZ (Ngân hàng Australia và New Zealand) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 6,8% trong hai năm 2018 và 2019. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được duy trì nhờ lĩnh vực công nghiệp nhộn nhịp và các cơ sở sản xuất liên tục được mở rộng dựa trên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông Khoon Goh cho rằng, các nước trong khu vực bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, mà ví dụ rõ nhất là các đơn hàng xuất khẩu cũng như chỉ số quản lý thu mua của ngành sản xuất (PMI) đã bị cắt giảm. Tuy nhiên, Việt Nam dường như nằm ngoài xu hướng của khu vực. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam vẫn vững chắc và thậm chí còn giành được các đơn hàng xuất khẩu mới. Nhìn chung, thương mại toàn cầu đang gặp thách thức vì chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Tuy nhiên, so với các nước khác, Việt Nam có thể bị tác động ít hơn.

Trước đó, nhật báo The Peninsula Qatar của Qatar ngày 12-8 có bài viết “Việt Nam nổi lên thành “con hổ” kinh tế mới của châu Á”. Bài báo trích dẫn đánh giá của Ngân hàng trung ương Qatar (QNB) khẳng định rằng, con hổ mới nhất của châu Á hiện nay là Việt Nam, với những số liệu cập nhật cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trong năm 2018, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các chuyên gia của QNB phân tích một loạt chỉ số và kết luận nền kinh tế Việt Nam đang phát triển bùng nổ, với GDP trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu với mức sản lượng trong 6 tháng đầu năm tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà phân tích của QNB, sự bùng nổ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam khiến xuất khẩu tăng vọt. Xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2018 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức 17% của cả năm 2017.

Thành công của công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu đạt được là nhờ khả năng của Việt Nam trong thu hút các dòng vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang bùng nổ với giá trị ước tính đạt 13 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhận thấy Việt Nam là môi trường đầu tư đầy thuận lợi nên các công ty công nghệ trên thế giới cũng đang đổ vốn với tốc độ rất nhanh vào Việt Nam. Theo Báo The Economist, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 17 tỷ USD với những nhà máy sản xuất gần 1/3 lượng sản phẩm của tập đoàn này trên toàn cầu. Hiện nay, ước tính trong số 10 chiếc điện thoại thông minh trên thế giới thì sẽ có một chiếc có xuất xứ từ Việt Nam.


Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.

Nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia thuộc Viện Brookings tại Mỹ nhấn mạnh rằng khả năng xây dựng trên những nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam là thông qua các chính sách hiệu quả, thực sự làm cho Việt Nam vượt hơn hẳn các nước khác.

Những nhận định trên hoàn toàn đúng với nhận định của các tổ chức kinh tế, tài chính uy tín nhất trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện. WB dự báo mức tăng GDP năm 2018 của Việt Nam là 6,8%. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên. Thậm chí, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rất lạc quan, dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%. Trong khi đó, với các quốc gia Đông Nam Á, ADB lại cho rằng, tăng trưởng chung có thể chỉ đạt 5,2% cho cả năm 2018 và 2019.

Áp lực lạm phát chưa đáng kể

Một vài người được gọi là "chuyên gia" đã cố thổi phồng các nguy cơ lạm phát tại Việt Nam, rồi so sánh với các nước siêu lạm phát hàng triệu % trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 8-2018 tăng 2,59% so với tháng 12-2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chỉ số giá tiêu dùng năm 2018 sẽ không tăng quá 4%, theo đúng chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Như thế, mức tăng CPI của Việt Nam vẫn ở trong giới hạn an toàn.

Ông Maxfield Brown, chuyên gia cao cấp của Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình lạm phát của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay thì lạm phát cao vẫn chưa xảy ra”. Bà Marie Diron, Giám đốc điều hành của Công ty tài chính Moody Investors Service tại Singpore cũng khẳng định: “Hiện tại, áp lực lạm phát của kinh tế Việt Nam là chưa đáng kể.”

Mức độ tín nhiệm quốc gia ngày càng cải thiện

Hiện nay, các định chế tài chính và các ngân hàng trên thế giới đều có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Với mức tăng trưởng kinh tế tới 7,08% trong 6 tháng đầu năm 2018, nền kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn và các định chế tài chính, ngân hàng quốc tế sẵn sàng cho Chính phủ cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam vay vốn.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công/GDP đã giảm xuống. Theo ông Tekehiko Nakao, Việt Nam đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn quốc tế và ADB vui mừng được cung cấp các khoản vay cho Việt Nam.

Trong cuộc gặp hồi tháng 6-2018 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch WB, bà Victoria Kwakwa đánh giá rất cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa cho biết WB đang nghiên cứu để giúp các tập đoàn lớn của Việt Nam có thể vay vốn của WB mà không phải đáp ứng các điều kiện như khi quốc gia vay. Bà Kwakwa mong muốn sẽ tạo điều kiện để Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố khác của Việt Nam cũng tiếp cận được vốn của WB.

Trên thế giới có 3 công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực đánh giá xếp hạng tín nhiệm tín dụng (gọi là Big Three, chiếm 95% thị phần xếp hạng tín dụng trên thế giới) là: Moody’s, Fitch Ratings và Standard&Poor. Khi các "ông lớn" này đánh sụt hạng mức tín nhiệm của quốc gia hay doanh nghiệp nào thì các tổ chức tín dụng lớn trên thế giới sẽ hạn chế cho đối tượng đó vay hoặc thậm chí không cho vay nếu có thứ hạng thấp. Khi quốc gia bị đánh sụt hạng mức tín nhiệm thì việc mượn nợ quốc tế bằng phát hành trái phiếu chính phủ cũng khó thực hiện do nhà đầu tư quay lưng. Vì đơn giản, khi bị đánh sụt hạng mức tín nhiệm thì quốc gia đó bị xếp vào loại khó trả nợ.

Trong thời gian qua, không phải một mà rất nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới đều đánh giá tích cực về xếp hạng tín nhiệm nợ của Việt Nam. Cụ thể, mới nhất, ngày 10-8, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ "ổn định" sang "tích cực". Theo thông báo của Moody’s, việc nâng hạng lên Ba3 dựa trên nhận định về tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được thúc đẩy nhờ sử dụng ngày càng hiệu quả lao động và vốn trong nền kinh tế. Kỳ hạn trái phiếu chính phủ dài và sự giảm phụ thuộc vào nợ nước ngoài cho thấy sự ổn định của kinh tế Việt Nam và gánh nặng nợ giảm dần. Cấu trúc nợ chính phủ của Việt Nam cũng giúp hạn chế ảnh hưởng từ các cú sốc tài chính.

Moody’s cũng bày tỏ lạc quan về quá trình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng Việt Nam, nhất là việc trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Moody’s nhận xét một số ngân hàng Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong xử lý nợ xấu và cho rằng đây là một điểm tích cực đối với tín nhiệm của ngành ngân hàng bởi quá trình này giúp cải thiện chất lượng tài sản và tháo gỡ rào cản đối với lợi nhuận của ngân hàng.

Trước đó, cuối tháng 5-2018, Fitch Ratings (Mỹ) cũng thông báo nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ mức “BB-” lên “BB” với triển vọng “ổn định”. Hãng xếp hạng này cũng nhận xét khả năng hấp thụ sốc từ bên ngoài của Việt Nam đã được cải thiện, thể hiện ở việc dự trữ ngoại hối tăng từ 37 tỷ USD cuối năm 2016 lên 49 tỷ USD năm 2017, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, nhờ dòng vốn vào mạnh và thặng dư tài khoản vãng lai. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng hơn 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên khoảng 63,5 tỷ USD.

Fitch cũng nhận xét, mức cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam có được nhờ cơ chế ngoại hối linh hoạt. Fitch dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 66 tỷ USD vào cuối năm 2018, tương đương 3,1 tháng nhập nhẩu.

Bên cạnh đó, Fitch nhận xét dòng vốn vào mạnh và khả năng tích lũy đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng tăng. Điều này được thể hiện ở việc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm khoảng 150 điểm cơ bản kể từ cuối năm 2017 xuống 2,6% hiện nay. Fitch cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thực hiện cam kết duy trì mức nợ công và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Fitch ước tính tổng nợ chính phủ giảm về 52,4% GDP năm 2017 từ mức 53,4% năm 2016, trong khi nợ chính phủ bảo lãnh giảm về 9% GDP vào cuối năm 2017 từ mức 10,3% cuối năm 2016. Nhờ đó, nợ công của Việt Nam giảm còn 61,4% GDP cuối năm 2017 từ mức 63,6% cuối năm 2016, và dưới mức trần 65% GDP. Việc tỷ lệ nợ công hạ là nhờ nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa.

Theo ước tính của Fitch, nợ chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm và về dưới mức 50% GDP vào năm 2019, nhờ nguồn thu từ chương trình cổ phần hóa. Tổ chức này cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ giảm về mức 4,6% trong năm 2018 từ mức 4,7% năm 2017. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phấn đấu giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước năm 2018 là dưới 3,7% GDP, năm 2019 là khoảng 3,6%.

Mức sống người dân tăng nhanh

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, rất ấn tượng với sức mua của người dân Việt Nam. “Tại Hà Nội, chúng ta thấy các trung tâm mua sắm như Aeon Mall, Royal City và Lotte có rất đông các gia đình vào dịp cuối tuần. Các gia đình trung lưu hiện nay có thời gian và tiền bạc cho các hoạt động giải trí”, ông Ousmane Dione đánh giá.

Nghiên cứu của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) chỉ ra rằng, tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đó, tầng lớp trung và thượng lưu với mức thu nhập từ 714USD/tháng trở lên ở Việt Nam tăng lên mức 33 triệu người trong thời gian 2014-2020. Trong khi đó, Công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020 và 95 triệu người vào năm 2030.

Thêm minh chứng cho mức sống tăng lên khá nhanh của người dân Việt Nam, Solidiance-công ty tư vấn chiến lược hàng đầu tại châu Á, giai đoạn 2012-2016, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng trưởng nhanh nhất khối ASEAN. Nếu tính riêng quãng 2015-2016, Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ ô tô đạt tăng trưởng 36%, trong khi Indonesia chỉ tăng nhẹ 5%, Thái Lan giảm 4% và Malaysia giảm 13%.

Với tất cả những thực tế đó của kinh tế Việt Nam, có thể thấy những cảnh báo về nguy cơ đổ vỡ kinh tế, về siêu lạm phát, về vỡ nợ, về một cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư, về việc người dân khủng hoảng niềm tin... là những nhận xét hết sức phi lý, không khách quan của những người thiếu thiện chí, những kẻ cơ hội chính trị khi đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam. Những cố gắng bôi nhọ tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam theo kiểu đó chỉ làm cho những người tham gia tự biến mình trở thành những người hàm hồ, không đáng tin.

Theo Hồ Quang Phương

Báo Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm