"Soi" Xe là thấy... lỗi vi phạm

(Dân trí) - Như bác sĩ nhìn đâu cũng thấy... vi trùng, chiếc xe của người dân VN hễ bị "soi" là ra... lỗi vi phạm. Vậy nên Vũ Văn Sơn vuvanson.dienluc@gmail.com mới ước ao: “Nên bỏ đăng ký xe máy. Coi xe máy như xe đạp (nhưng như thế thì họ thất thu, không được đâu nhỉ?)”...

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

 

Vẫn chỉ là chiếc Xe gắn máy mà ở đa số các nước khác hầu như là thứ chẳng ai buồn để ý, vậy mà ở quốc gia còn nghèo như VN nó được coi như một nguồn tài sản. Và có vẻ như Xe còn được “tôn vinh” lên gấp nhiều lần giá trị thực tế, khi để được người sử dụng đưa ra lưu thông trên đường thì nào phải đội Thuế, đội Phí và Phạt mới lại càng… vô biên.

 

Lâu nay dư luận như sóng biển chưa khi nào lắng trào dâng xung quanh số phận chiếc Xe, mà cao trào nhất có lẽ là về chuyện xe chính hay không chính chủ. Hoang mang rồi hồi hộp mãi mới tới lúc “ông” Giao thông tỏ ra…có phần nghe thấy tiếng nói người dân. Còn ông Bộ khác hình như vẫn bất chấp mọi lý lẽ để… cương quyết tới cùng. Điều bất thường đó càng gia tăng nghi vấn trong suy nghĩ của đại đa số công dân đang sử dụng chiếc Xe làm phương tiện kiếm sống:

 

“Còn rất nhiều việc quan trọng để các Bộ trưởng phải làm kia mà, đâu chỉ vì mỗi một tội xe không chính chủ mà cứ phải Bộ này nói phạt, Bộ kia lại không rồi cũng chẳng giải quyết được gì cho hệ thống ATGT cả nước cả. Cuối cùng chỉ vì Nghị định 71 mà làm cho bao nhiêu người dân phải khổ, nhất là những người dân nghèo!!!” - Lê Quốc Bảo:  quocbaoqn2008@gmail.com

 

“Tại sao lại cứ phải lấy dân ra như kiểu làm thí nghiệm vậy? Chưa đồng nhất thì chưa làm, sao cứ như trống đánh xuôi kèn thổi ngược? Nực cười, nói lấy dân làm cốt lõi mà cứ lôi dân ra nay phạt, mai phạt. Có hướng đi phù hợp hơn hẳn thì lại cương quyết không làm: Chỉ tính xe không chính chủ bắt đầu từ năm 2013 (dựa vào đăng ký của xe), giảm phí chuyển nhượng xuống. Có nhiều cách hữu  hiệu để giải quyết vấn đề một cách đơn giản, nhưng lại cứ phải gò theo một hướng tiêu cực, như thế phải chăng chỉ để phức tạp hóa vấn đề lên???” - Nguyễn Tiến: nguyentien@gmail.com

 

“Muốn phạt người dân như thế nào cũng phải nắm bắt thực tế chứ. Hậu quả ‘lịch sử’ là do chính các ông để lại, giờ phải có thời gian và giảm phí cho phù hợp thì người dân mới sang tên đổi chủ xe được chứ. Làm gì thì làm cũng phải có tình người. Dân ta đã rất khổ rồi, nay chính các ông để lại hậu quả mà lại ‘đè’ người dân ra phạt xe không chính chủ là  quá vô lí, rõ ràng chỉ vì một lợi ích của ngành thôi (lại chuyện cái CHỈ TIÊU đây). Kính mong Đảng và Nhà nước xem lại cách làm này của Bộ Công an” – nick Dan ngheo:  danngheo@gmail.com

 

“1. Hành vi không sang tên xe máy (phương tiện giao thông) không liên quan đến tai nạn giao thông  (không ảnh hưởng đến trật tự giao thông), vậy càng không nên để CSGT xử phạt lỗi vi phạm. Hiện nay trên mặt đường giao thông diễn ra quá nhiều vụ việc, tình trạng giao thông đã rất phức tạp, ngành Công an đã nhiều lần nói quá tải, thiếu người .v.v. Nếu giao thêm việc này thì lợi bất cập hại: số vụ việc tăng thêm là rất lớn, thời gian giải quyết phức tạp làm giao thông thêm ùn tắc, lại nảy sinh thêm những rắc rối không đáng có. Như vậy không đạt được yêu cầu đường thông, hè thoáng; không giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Tóm lại là không khả thi. Đây thực sự không phải là biện pháp để giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông mà chỉ là tăng thu cho Nhà nước, nên không thiếu gì biện pháp khác và cơ quan khác nên thực thi.

 

2. Tôi không hiểu vì sao Bộ Công an lại kiên quyết bảo vệ (chuyện phạt), trong khi việc này không có liên quan gì đến trật tự và an toàn giao thông, không phải là vấn đề cấp bách nhất. Có lẽ là vì cơ chế để lại tỷ lệ % số tiền phạt cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt quá cao. Đã lương cao, xử phạt được để lại quá nhiều để sử dụng thì cơ quan, cá nhân nào mà chẳng nhận, vừa có thành tích, vừa có thu nhập, chỉ Nhà nước và nhân dân không hiểu có được lợi ích gì không. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên xem xét lại cơ chế bất hợp lý này” - Trần Duy: duy5859@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Không chỉ tiêu thì phần trăm

 

Dư luận lâu nay đã nói nhiều về chuyện nào là chỉ tiêu, định mức, nào là thậm chí có cả đấu thấu, khoán gọn…trong cái serie “chuyện dài kỳ” về Phí và Phạt này. Nhưng than ôi, lời nói gió bay, nói không có sách, mách không có chứng (kể cả có chứng cũng… không hợp lệ) thì cũng chỉ là nói mình nghe với nhau... cho vui, cho đỡ phần nào bức xúc mà thôi.

 

Các bác ấy một mực khẳng định là KHÔNG, nhưng dân ta thì nói CÓ với vô vàn chuyện người thực – việc thực:

 

“Theo tôi được biết, chuyện giao chỉ tiêu bằng tiền tồn tại từ rất lâu trong lực lượng CAND, nhất là CAP và CSGT thì việc này đã quá quen thuộc. Trên văn bản chỉ là giải quyết bao nhiêu % như ông phó quận Đống Đa nói, nhưng làm sao mà nhìn thấy trước được tháng đó có bao nhiêu vi phạm, lỗi vi phạm nặng nhẹ ra sao mà định ra xử lý bao nhiêu %. Thôi thì giao bằng miệng với nhau… bằng tiền cho nó nhanh: 50 triệu với phường, còn với mỗi tổ CSGT ra đứng đường thì có thể được khoán theo ngày. Nếu không đạt chỉ tiêu thì tổ đó bị… không cho ra đường nữa. Thế cho nên Cảnh sát TT và CSGT giờ đây chỉ nhăm nhăm phạt là chính, mà có lẽ đã quên hẳn nhiệm vụ hướng dẫn và điều tiết giao thông rồi?” - Quốc Toàn: quoc_toan99@yahoo.com

 

“Vấn đề giao chỉ tiêu là có thật, dân thì hầu như ai cũng biết rồi nên tôi nghĩ Công an quận Đống Đa không nên tránh né việc này. Thành phố giao chỉ tiêu xuống quận, quận giao xuống phường cũng là bình thường mà. Xử lý như thế này có cảm tưởng là cuối cùng cấp bé nhất phải chịu trách nhiệm, phải chịu cái sai của cấp trên. Tôi nghĩ ông Trưởng Công an phường Thịnh Quang không hiểu sai và nói sai đâu” – Tuyết Lê:  yeu_nui_doi@yahoo.com.vn

 

“Chuyện ‘khoán’ thì có lẽ ai cũng biết, chỉ có những người đặt khoán lại… không biết, thế mới hay! Nếu sếp ngành mà không trung thực thì mọi giải pháp đều trở nên vô nghĩa, xin hãy ít nhất trung thực lấy một lần để lấy lại lòng tin của dân…” - Vinh:  vinh@yahoo.com

 

“Việc các đ/c CSGT được giao chỉ tiêu nộp phí bằng… văn miệng, bây giờ ông Nguyễn Duy Hưng nói ra các bác mới biết đấy thôi. Chứ việc này rõ như ban ngày từ hàng chục năm nay rồi. Chẳng thế mà luật GT ban hành quy định tốc độ các cung đường, nhưng tôi đi xe ca đường dài nhiều lần thấy các tài xế có chấp hành đâu, vì các ông chủ đã ‘làm luật’ cả rồi, nhiều lúc tôi thấy ớn cả lưng vì các tài xế vượt ẩu xe khác…. Thế mới có chuyện các CSGT kháo nhau sau mỗi ngày đứng đường được bao nhiêu… mũ tiền, chứ không có thời gian đếm. Thế mới có cảnh CSGT bụng phệ, đi xe hơi đắt tiền.....Ôi cũng là công chức hưởng lương như nhau, sao có người "lên tiên" khiến bao nhiêu người phải ‘thấy mà thèm’ như vậy? Hình ảnh CSGT, Thanh tra GT, Dân phòng đường phố ở ta nói chung đang không đẹp chút nào. Có lẽ bao giờ đường phố vắng bóng các bác làm việc kiểu này thì dân mới… thanh thản đi trên đường được???” - Bùi Thành:  Buivanthanh90@yahoo.com

 

Bao nhiêu cái sự vẫn vô lý không có lẽ như vậy, bảo sao bóng ma nghi ngờ vẫn lù lù trước mắt bao người:

 

“Các bác… nhà ta không có việc gì làm hay cần tiền quá mà chỉ thấy Phạt, Phạt và Phạt +  thu Phí, Phí và Phí???” - Long Nhật Thành: longthanh71@gmail.com
 
Ước gì vào một ngày đẹp trời, chiếc Xe máy của mọi người dân VN không còn được "tôn vinh" mà trở lại với giá trị thật của nó cũng "xêm xêm" như chiếc xe đạp nhỉ. Chẳng phải đăng ký, chẳng phải biển số, chẳng còn bị săm soi...Chứ cứ soi  hoài, soi mãi rồi chưa biết chừng cũng phải tới lúc... cứ đi Xe là vi phạm cho coi!!! 

 

Kiều Anh