Bạn đọc viết:

Sốc vì gánh nặng oằn lưng "cõng" công chức dư thừa

(Dân trí) - Biên chế tràn lan khiến cho bộ máy hành chính công của VN rất cồng kềnh nhưng kém hiệu quả và lạc hậu vào loại nhất khu vực. Nhàn cư vi bất thiện, số công chức thừa thãi khá lớn trở thành những “con bệnh” đáng lo ngại với xã hội…

Trụ sở UBND phường Hồng Hải, TP Hạ Long (ảnh: Trần Ngọc Duy, nguồn: Lao Động)
Trụ sở UBND phường Hồng Hải, TP Hạ Long (ảnh: Trần Ngọc Duy, nguồn: Lao Động)

 

Có một nghịch lý về vuộc sống của giới công chức VN, nhất là với một bộ phận đang tha hóa. Đó là mức lương “không đủ sống” nhưng họ lại thuộc thành phần khá giả trong xã hội, là người làm việc phục vụ nhân dân nhưng lại hành xử như ông chủ có quyền ban ơn. Đã vậy, cứ vào được biên chế là họ có thể an tâm ngồi lỳ cho đến hết đời, ngang nhiên đòi hỏi mọi chế độ phúc lợi ngay cả khi... chẳng làm gì. Hưởng lương từ tiền thuế của dân nhưng họ tự cho mình quyền hành dân, trong khi năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm trước công việc phần lớn ở mức trung bình hoặc thấp. Ngược lại, họ cực kỳ có khả năng trong việc… kinh doanh “quyền lực Nhà nước” để tư lợi!!!

 

Nhưng điều nghịch lý nhất là một nền hành chính cồng kềnh, ì ạch, dôi dư cả triệu người như vậy lại vẫn cứ ngày một phình to? Trong khi dư luận đã bày tỏ rất bức xúc với con số còn được cho là vẫn còn… khiêm tốn so với thực tế, đó là 30% “công chức cắp ô” không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. Nói cách khác, 30 % công chức đó hoàn toàn không cần thiết, y như cái… bướu trên cổ (thật nặng nề và xấu xí!)

 

Với 2,8 triệu công chức, chỉ cần làm phép tính nhẩm cũng ra ngay con số thuộc diện có cũng như không kia khoảng 800.000. Nghĩa là mỗi 100 người dân VN, phải nuôi không một ông (bà) vô công rồi nghề mang danh công chức! Vậy tại sao một nền dịch vụ công chỉ cần 2 triệu người, mà phải trả lương cho tận những gần 3 triệu?

 

Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Trong khi chưa thể tìm ra câu trả lời, chúng tôi chỉ xin làm thử công việc đơn giản hơn là giúp mọi người hình dung một phần cái gánh nặng vật chất và tinh thần mà cả xã hội đang phải è lưng chịu đựng để “cõng” gần 1 triệu công chức dư thừa đó.

 

+ Trước hết: 800 ngàn người lớn đến mức nào? Đó là số dân (hơn kém chút ít) của Cyprus, Bahrain, Bhutan, Qatar, Đông Timor…Hoặc nó có quy mô gấp đôi dân số Luxemburg, Brunei, Malta, Iceland…

 

+ Thứ hai và đây là vấn đề chính: Cần bao nhiêu tiền để nuôi đám đông công chức thừa thãi ấy? Chắc chắn là không ai có thể tính chính xác vì có những công chức thuộc loại dư thừa, nhưng lại hưởng mức thu nhập nhiều người mơ ước.

 

Hẵng chỉ tính đơn giản thế này: Mỗi người trong số đó, vì họ là công chức, nên thuộc diện thu nhập trung bình khá (so với mức 1.000 USD trung bình) sẽ nhận của Nhà nước khoảng 60 triệu đồng (3000 USD) một năm. Nghĩa là cần số tiền lên tới 50.000 tỷ đồng (2,5 tỉ USD) cho việc chi lương để ngày ngày 800.000 người ăn mặc đẹp đẽ chỉ để “sáng vác ô đến cơ quan, tối vác ô về nhà” mà không (hoặc gần như không) làm bất cứ việc gì.

 

Tuy nhiên, số tiền phải bỏ ra phục vụ việc ngồi chơi xơi nước của “một quốc gia nhỏ” ấy trên thực tế còn lớn hơn nhiều. Theo thông lệ thì số tiền lương cho công chức chỉ bằng 2/3 số tiền phải chi ra để họ có thể làm việc, được tính vào khoản duy trì hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đó là tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, tiền khấu hao tài sản, tiền phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và cơ man nào những thứ tiền khác được gọi bằng cái tên chung là “văn phòng phí”. Khiêm tốn tính gộp thì con số 50.000 tỉ đó phải cộng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng nữa.

 

Giờ ta thử xem 70.000 tỷ đồng nhiều đến mức nào? Nó nhiều hơn toàn bộ số tiền thu được từ xuất khẩu gạo năm 2012. Nó bằng khoảng 5 lần số tiền phí bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT dự kiến thu được hàng năm từ ô tô, xe máy với cái giá phải trả là hứng chịu biết bao lời chì chiết của dư luận. Nó bằng già nửa số tiền 120.000 tỉ đồng cần để nâng cấp quốc lộ 1A lên thành đường 4 làn xe ô tô. Nó giúp cho khoảng 7 triệu dân miền núi đủ gạo ăn trong một năm để không phá rừng. Nếu có ngần ấy số tiền, toàn bộ các xã nghèo miền núi có trường học, có chợ, có đường trải bê tông. Nó có thể mua được số bò giúp cho Chương trình Lục lạc vàng duy trì liên tục 1.500 buổi, với khoảng 9.000 gia đình nông dân thuộc dạng nghèo nhất nước có cơ hội đủ cơm ăn. Nó là con số dài tới mức mà không một nông dân bình thường nào đọc chính xác được.

 

Nhưng đấy mới chỉ tính về khoản vật chất, cho dù không hề nhỏ nhưng chưa chắc đã là lớn nhất. Tai hoạ của nạn biên chế tràn lan là nó khiến cho bộ máy hành chính công của chúng ta cồng kềnh nhưng kém hiệu quả và lạc hậu vào loại nhất khu vực. Nhàn cư vi bất thiện, vì không làm gì nên những ông, bà công chức thừa thãi trên trở thành những “con bệnh” đáng lo ngại với xã hội.

 

Ta hãy xem họ làm gì mỗi ngày để tiêu hết 8 giờ vàng ngọc? Nếu là đàn ông thì phần lớn rất có thể là lướt web, chơi game oline, xem phim (không loại trừ “đen”), hoặc tìm nơi thư giãn đâu đó…Thời gian còn lại với một số người nào đó còn là ngồi nghĩ mưu kế tư lợi hoặc hại người khác (!?) 

 

Còn với nữ giới thì rất có thể là shopping, ăn uống, buôn dưa lê… tối ngày. Có những người thậm chí coi trụ sở cơ quan chẳng hơn gì… cái bếp nhà mình, họ tranh thủ tận dụng điện nước miễn phí để nấu nướng. Số còn lại, nếu không làm những việc như trên thì làm… chim bói cá, cứ thấy ở đâu có màu mỡ là đến (kể cả phương châm "đâu có...họp là ta cứ đi")!!!

 

Cũng vì thừa người dẫn đến lười biếng, ích kỷ, đấu đá chèn ép nhau thay vì “thực thi công vụ”. Có khá nhiều người cả một đời công chức chỉ chuyên kiện cáo, lao vào đấu đá vì những lợi ích cá nhân. Nhưng lương của họ thì vẫn cứ đến hẹn lại lên. Chức của họ thì cứ đủ độ tuổi là đến. Kèm với lương với chức là đủ thứ tiêu chuẩn ưu đãi khác.

 

Những “công bộc” này, về nguyên tắc là những người giúp việc cho “ông chủ” Nhân dân, nhưng trên thực tế lại rất quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham lam, làm khổ “ông chủ” vào loại… nhất thế giới. Làm bất cứ việc gì thuộc phạm vi chức phận cũng đòi lót tay, trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng lồng lợi ích của mình vào.

 

Nói chung họ có thể ở bất kể cương vị nào, chỉ cần có tí chức, tí quyền đều tỏ ra  rất thạo ăn tiền, vòi vĩnh, hạch sách…biến cửa công thành nơi nhếch nhác, bất tín, đáng sợ với người dân. Nền đạo đức xã hội xuống cấp có phần “đóng góp” không nhỏ của những thành phần được gọi là công chức cắp ô rất giỏi hành dân ấy.

 

Nhưng thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đó. Nạn chạy chức, chạy quyền thì ai cũng biết. Nhưng nạn chạy chọt để được thành công chức Nhà nước còn khốc liệt hơn và cũng… bi hài hơn rất nhiều. Vì số người tham gia luôn rất đông, diễn ra trên một diện rộng, với sự tham gia của mọi thành phần. Nó làm hư hỏng cả người có quyền nhận và người được nhận. Người có quyền nhận thì một khi đã lấy tiền, đã nhúng chàm, làm sao còn dám yêu cầu cấp dưới phải nêu cao đạo đức, kỷ cương, nhân cách - ngoại trừ đó là… chuyện hài? Người được nhận vào làm công chức thì cậy tiền nên không cần học, không cần trau dồi chuyên môn, coi thường kỉ cương, phép tắc. Đó là chưa kể họ phải tìm cách ăn chặn, ăn “bẩn”, vơ vét bằng mọi cách để bù lại số vốn đã bỏ ra.

 

Nhưng những căn bệnh trên, dù rất trầm trọng, nếu quyết tâm ngăn ngừa, vẫn còn nhiều hy vọng chữa chạy, dù rất tốn kém. Song có một thứ bệnh do nạn chạy công chức gây ra rất khó chữa, thuộc loại nan y. Đó là bệnh ỷ lại, lười biếng và mất khả năng tự trọng. Căn bệnh thuộc loại lây nhiễm này có thể huỷ hoại nhân cách cả một thế hệ, góp phần làm nghèo đất nước. Người ta cần một cái bằng đại học với bất cứ giá nào đôi khi không phải để sau đó làm việc, cống hiến, mà để có cơ hội gia nhập cái đội quân công chức vốn đã quá thừa thãi kia. Với những người này, cái điều đáng lẽ thành nỗi xấu hổ khi chả làm gì ngoài việc “sáng vác ô đi, tối vác ô về” thì lại là mục tiêu phấn đấu, là sự nghiệp của đời họ.
 
Như vậy liệu có khác gì một thứ quốc nạn?

 

Cuong