Số phận “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại sẽ ra sao sau khi bị loại?
Theo quy định, chỉ những bộ sách được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá "đạt", thì mới có thể đưa vào giảng dạy trong các trường học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo quy định, chỉ những bộ sách được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá "đạt", thì mới có thể đưa vào giảng dạy trong các trường học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nửa thế kỷ thăng trầm
Bộ sách giáo khoa “Công nghệ giáo dục lớp 1” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm ba cuốn: Sách tiếng Việt, Toán và Đạo đức. Sau vòng 1 thẩm định sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ có duy nhất cuốn sách Đạo đức là qua vòng thẩm định. Hai cuốn Tiếng Việt và Toán đều bị loại.
Bộ sách này đã tồn tại nửa thế kỷ qua và có lịch sử thăng trầm.
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục” là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư Hồ Ngọc Đại và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội.
Năm 1986, nhận thấy có năm tới trên 600.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Giáo dục khi đó quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách "Công nghệ Giáo dục" của Giáo sư Đại bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Nhưng đến năm 2006, căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại Trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ tiếp tục đồng ý cho địa phương có nhu cầu và đảm bảo điều kiện được áp dụng dạy sách này (nhất là ở những vùng khó khăn) từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện.
Cuối năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu và đề xuất giải pháp.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu “Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục” ở các địa phương đạt hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả sách này.
Trong năm 2017-2018, Bộ Giáo dục đã tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục”. Sau hai vòng, hội đồng thẩm định đánh giá về cơ bản, tài liệu đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Sau đó, Bộ hướng dẫn các sở giáo dục triển khai tài liệu phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện. Và trong những năm qua, con số học sinh lớp 1 học sách “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục” đã lên đến trên 930.000.
“Vẫn còn cơ hội”
Đây là khẳng định của ông Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) với bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị đánh giá là không đạt.
Ông cho biết, theo điểm c, khoản 6, Điều 20 Thông tư 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tác giả và nhà xuất bản có sách bị đánh giá không đạt có quyền chỉnh sửa lại sách giáo khoa, đề nghị hội đồng thẩm định lại và được xem như thẩm định lần đầu.
“Như vậy, đối với những bản thảo sách không đạt chưa phải là hết cơ hội, mà đang tận dụng trí tuệ của tập thể để giúp tác giả chỉnh sửa lại cuốn sách”- ông Tài nhấn mạnh.
Còn nếu không chỉnh sửa để thẩm định lại, “Công nghệ giáo dục” sẽ phải đưa ra khỏi trường phổ thông để nhường chỗ cho những bộ sách giáo khoa mới đã được hội đồng thẩm định thông qua.
Theo Đặng Trung
Báo Lao động