Sổ hồng, sổ đỏ ở dự án “Mường Thanh”: Cơ quan quản lý nhà nước đang ở đâu?
Không phải chỉ những ngày qua, cư dân mua nhà đất, chung cư kêu ca, phàn nàn, thậm chí bức xúc vì nhiều năm nay chưa được cấp sổ hồng, sổ đỏ ở dự án nhà ở của “Mường Thanh” mà trước đó, người dân đã gõ cửa nhiều lần các cơ quan chức năng. Song họ chỉ nhận được câu trả lời là đã làm việc với cơ quan chức năng và đang chờ ý kiến...
Vừa qua, sự việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (sổ hồng), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được thổi bùng lên khi ông Lê Thanh Thản - chủ Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Mường Thanh) bị khởi tố điều tra vi phạm phát luật trong xây dựng. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, trong đó có câu hỏi: Tại sao người dân bỏ tiền ra mua căn hộ nhưng không được cấp sổ hồng hoặc cấp rồi lại có quyết định thu hồi, mặc dù họ đã hoàn thành mọi nghĩa vụ?
Theo phản ánh của người dân, họ đã gặp gỡ chủ đầu tư, cơ quan chức năng nhiều lần và nhận được câu trả lời rất vô cảm của cơ quan chức năng là nguyên nhân do chủ đầu tư có sai phạm, sai phạm ở đây có thể hiểu là sai phép, không phép, sai qui hoạch…nên chưa thể cấp sổ hồng, sổ đỏ được. Trường hợp này, các cơ quan chức năng thừa biết rằng họ là người có quyền xử lý các sai phạm đó, “tuýt còi” trước khi các sai phạm xảy ra.
Người dân đã bỏ ra số tiền nhiều tỷ đồng, tích cóp cả đời để mua một cái nhà hay căn hộ nhưng hiện nay đang phải chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhiều gia đình đang rất hoang mang, đứng ngồi không yên, thậm chí cầu cứu nhiều nơi khi nghe tin dự án nhà ở của “Mường Thanh” vi phạm pháp luật lại rơi vào chính những căn hộ mình đã bỏ tiền ra mua.
Câu hỏi đặt ra là ai đứng sau những sai phạm của "Mường Thanh"? Vì sao những sai phạm tày đình đó lại ngang nhiên tồn tại giữa Thủ đô? Câu hỏi có bao che, bảo kê tại các dự án? Cơ quan quản lý nhà nước đang ở đâu?
Theo Thanh tra TP. Hà Nội: Các vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền sở tại nơi có dự án đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, không có biện pháp xử lý”.
Cụ thể, 9 dự án của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Mường Thanh) gồm: CT5 Tân Triều; VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; CT6 Kiến Hưng, VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm dù chỉ được quy hoạch 4.533 căn nhà nhưng đã xây lên 15.440 căn. Đặc biệt, từ 2013 đến nay đã có nhiều cuộc thanh tra đối với các dự án của "Mường Thanh", ông Lê Thanh Thản cũng từng nói, ông có lúc phải tiếp đến 40 đoàn thanh tra. Trong quá trình thanh tra đã từng có kiến nghị chuyển cơ quan điều tra với dự án Đại Thanh, nhưng chưa được chuyển...
Theo Thanh tra TP. Hà Nội, năm 2007, năm 2010, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chuyển giao hạ tầng kỹ thuật 7 lô đất cho các công ty gồm Công ty BEMES, Công ty Thành Nam, Công ty COMA 18, Công ty Hợp Phú để thực hiện các dự án theo quy hoạch. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên đã chuyển nhượng lô đất cho "Mường Thanh" và Công ty BEMES chưa đúng pháp luật; xây dựng vượt chiều cao, tăng hệ số sử dụng đất sai với quy hoạch nhưng HUD thiếu giám sát, không báo cáo các cơ quan chức năng về các vi phạm của dự án, chưa làm đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 theo hợp đồng chuyển giao hạ tầng kỹ thuật.
Sở Qui hoạch- Kiến trúc TP có trách nhiệm trong việc đã có rất nhiều văn bản đề xuất, chấp thuận quy hoạch bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với ô đất CC6 cũng như đối với từng lô đất HH1 đến HH4. Ngày 9/3/2015, Sở này đã cấp giấy phép quy hoạch số 894 đối với ô đất CC6, trong khi tại thời điểm đó, khu đất đã xây dựng các công trình cao 18 tầng (lô HH3) và 30 tầng (lô HH4). Giấy phép quy hoạch cấp sau khi dự án được xây dựng là không đúng quy định tại Quyết định số 27/2011 của UBND TP. Hà Nội.
Việc Sở Tài nguyên – Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân tại dự án, trong đó có cả phần diện tích vi phạm quy hoạch, chưa đúng quy định theo văn bản số 2470/2012 của Bộ Tài nguyên – Môi trường và văn bản số 327/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Sở Xây dựng được kết luận đã buông lỏng quản lý, chưa có biện pháp kiên quyết tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý hoặc báo cáo UBND TP xử lý, dẫn đến tồn tại nhiều dự án do Mường Thanh và Công ty BEMES thực hiện khi chưa được giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án, xây dựng công trình sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài. Sở này còn để tình trạng cấp phép không đúng quy định, cấp giấy phép xây dựng theo hiện trạng công trình, không theo quy hoạch được duyệt.
UBND quận Hoàng Mai, quận Hà Đông và huyện Thanh Trì đã buông lỏng quản lý, khi các dự án có vi phạm đã không kiểm tra, xử lý. Có 3 dự án gồm VP3, VP5, VP6 Linh Đàm không có hồ sơ xử lý về đất đai, trật tự xây dựng, không báo cáo đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên những biện pháp giải quyết đối với sai phạm của các dự án, dẫn đến các công trình này vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. UBND huyện Thanh Trì có trách nhiệm trong vi phạm tại dự án CT5 Tân Triều, để xây dựng sai giấy phép, sai quy hoạch.
Với tất cả sai phạm như nêu trên, Thanh tra TP Hà Nội cũng đề xuất UBND TP nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì kiến nghị chuyển cơ quan điều tra; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc các Sở: Quy hoạch- Kiến trúc, Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch quận Hoàng Mai, Hà Đông và Thanh Trì; Chủ tịch phường Hoàng Liệt và Kiến Hưng do buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến để tồn tại một dự án phát triển nhà ở có nhiều vi phạm nghiêm trọng trên địa bàn TP. Tuy nhiên, cho đến nay, sự việc này vẫn chưa được xử lý.
Những sai phạm trên cũng được Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định tại kết luận hồi tháng 6/2015. Cơ quan này đã xác định trách nhiệm trong các sai phạm nghiêm trọng của "Mường Thanh" thuộc về chủ đầu tư; UBND xã Tân Triều; UBND các phường Hoàng Liệt, Đại Kim, Kiến Hưng, Phúc La; UBND các quận Hoàng Mai, Hà Đông; UBND huyện Thanh Trì và Sở Xây dựng Hà Nội; yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm các cơ quan chức năng có liên quan.
Điều đáng ngạc nhiên là sau khi kết luận thanh tra thì các dự án vẫn tiếp tục mọc cao lên. Đến tháng 2/2016, tức nửa năm sau kết luận thanh tra, Sở Xây dựng Hà Nội gửi báo cáo đến Bộ Xây dựng cho biết các vi phạm về xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai số tầng, tăng mật độ xây dựng... của 9 dự án nói trên chưa được xử lý, vẫn nguyên như thời điểm ban hành kết luận thanh tra.
Với những sai phạm trên của các cơ quan chức năng, người dân có thể bị thiệt hại khi tham gia vào các giao dịch này là không tránh khỏi. Người dân đặt câu hỏi là họ có bị lừa dối không? Người dân có được bồi thường theo cơ chế bối thường ngoài hợp đồng hoặc Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước trong lĩnh vực hành chính?
Đây là bài học cho người dân hãy thật tỉnh táo vì khi đặt niềm tin và ký hợp đồng với một chủ đầu tư vi phạm pháp luật.
Lẽ ra, những sai phạm cần phải được xử lý ngay trong quá trình thực hiện dự án, nhưng ở đây có sự làm ngơ để vi phạm xảy ra, thậm chí là xảy ra trong thời gian dài, sau đó mới đặt vấn đề giải quyết các sai phạm đó, gây khó khăn cho người dân. Đây là bài học cảnh tỉnh trong công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai trên cả nước.
Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta không còn phải chứng kiến những sự việc như trên./.
Theo Nguyễn Minh
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam