Sẻ chia xúc cảm ngày khai trường

(Dân trí) - “Ngày khai trường và bữa cơm có thịt”, "Chú lính chì" Thiện Nhân vào lớp 1”, “Chuồng học” ở Huổi Chát là 3 trong số những thông tin thu hút sự quan tâm thể hiện qua số lượng phản hồi nhiều nhất của bạn đọc dịp toàn dân đưa trẻ đến trường.

Sẻ chia xúc cảm ngày khai trường
bé Thiện Nhân chính thức trở thành học sinh lớp Một, trường tiểu học Tràng An, Hà Nội (ảnh: H.Hồng - Ngọc Thành, báo: Tổ Quốc)

 

Những nụ cười cùng thiên thần bé nhỏ

 

Chắc rằng phần lớn mọi người chúng ta ai cũng từng trải qua cảnh “ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường…” của chính mình, để rồi vài mươi năm sau lại trở thành người chứng kiến những xúc cảm tương tự của các thế hệ cháu con…

 

Cứ thế dòng đời trôi nhanh, nhưng tình cảm trong ta như vẫn vẹn nguyên với mái trường, các thầy cô giáo và nhất là với những gương mặt học trò tươi xinh, hớn hở, xúng xính trong rực rỡ cờ hoa và những bộ quần áo đẹp, tạo nên những điểm nhấn thật ấn tượng ngày khai giảng năm học mới.

 

Niềm vui xen lẫn nước mắt xúc động được thể hiện trong gần như tất cả ý kiến bạn đọc với tin vui: Hôm nay 5/9, Thiện Nhân (cậu bé bị mẹ đẻ vứt bỏ ngay từ khi mới lọt lòng ở vùng núi Quảng Nam ngày nào) đã chính thức trở thành học sinh lớp Một, trường tiểu học Tràng An, Hà Nội.

 

“Một chân có là gì nào, phải không bé? Khuyết tâm hồn mới lo ngại chứ! Chúc con vượt qua tất cả” - Lê Minh Thanh: leminhthanh20@yahoo.com.vn

 

“Bác đang công tác ở nước ngoài, nhìn thấy những hình ảnh của con bác cảm động vô cùng. Mặc dù cơ thể con không được hoàn chỉnh, nhưng trong lòng bác con là một thiên thần. Trong con vẫn hội tụ đầy đủ những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời, để từ con mọi người thấy cuộc sống thật đẹp. Con trai bác kém con 3 tuổi. Sau này lớn lên bác mong con sẽ là 1 tấm gương sáng để con bác phấn đấu theo. Hãy cố gắng lên con nhé, thiên thần bé nhỏ của bác. Cho bác địa chỉ của con hiện nay nhé, để cuối năm về nước bác có thể gặp và giúp đỡ thêm con phần nào”- Viet Quang: tienthanh2t@yahoo.com.vn

 

“Nhìn thấy Thiện Nhân tự tin mà tôi mừng rơi nước mắt. Và cũng rất cảm phục chị Mai Anh, cuộc đời này mấy ai được như chị. Chúc chị mạnh khỏe và hạnh phúc. Tôi tin vào tương lai tươi sáng của cháu Thiện Nhân. Từ trong sau thẳm tâm hồn, tôi cũng muốn làm được một việc như chị Mai Anh, nhưng tôi lại không đủ sự dũng cảm như chị. Nghĩ đến chị mà thấy buồn cho bản thân mình: - Thu Băng: buddhistnun2004@yahoo.com

 

“Nhìn những hình ảnh này mà rơi nước mắt! Cảm động vô cùng và cũng rất khâm phục Thiện Nhân - chú lính chì dũng cảm. Chú tin rằng với bản lĩnh của cháu, sau này nhất định Thiện Nhân sẽ là một người giúp ích được nhiều cho xã hội và cho cả mẹ Mai Anh của cháu nữa. Chúc cháu bước vào năm học mới gặp nhiều thuận lợi và gặt hái được kết quả tốt nhé!” - Hoàng Phan Anh: congtubot123@yahoo.com...

 
Chuồng học ở Huổi Chát  (ảnh: Đào Tuấn, nguồn: Lao Động)
 
"Chuồng" học ở Huổi Chát  (ảnh: Đào Tuấn, nguồn: Lao Động)
 

Những giọt nước mắt với cô và trò ở Huổi Chát 

 

Trái lại, nỗi buồn và sự day dứt là tâm trạng chung của rất nhiều người trước cảnh sống, cảnh học còn chồng chất khó khăn của các em nhỏ vùng cao, vùng sâu, vùng xa như ở Huổi Chát (một bản Mông chỉ có vài chục nóc nhà ở huyện nghèo Mường Tè), cùng số phận của những giáo viên yêu nghề, yêu trò vẫn tận tụy “cắm bản”. Chúng tôi xin trích giới thiệu một số ý kiến bạn đọc là những người gần gũi hơn với vùng cao này:

 

“Tôi là 1 trong những người biết nhiều nhất về cuộc sống của người vùng cao vì chính tôi là người vùng cao mà. Tôi thấy đây chỉ là một phần nhỏ thôi… Nay tôi đã là một sinh viên và nghĩ rằng nếu Nhà nước chú trọng hơn tới giáo dục cho vùng sâu, vùng xa thì tốt biết bao. Như trên quê hương nơi tôi đang sinh sống còn rất nhiều người không hề biết chữ nào. Trường lớp thì có, nhưng giáo viên dạy thì đúng là không thể chấp nhận được về chất lượng.

 

Càng nghĩ càng buồn vì giáo viên chỉ có thể dạy như vậy, nên rất mong ngành giáo dục chú ý nhiều hơn cho vùng sâu, vùng xa chúng tôi. Tôi tin sức học thì các em không thua kém ai đâu, nhưng mà nhìn lại quang cảnh của ngành giáo dục ở nơi đây thì đúng là... bực mình lắm. Em là người dân tộc thiểu số trên vùng cao, rất mong  các ngành, các cấp bớt đi một chút lãng phí để quan tâm đầu tư tốt hơn cho các vùng dân tộc thiểu số… Kính mong Chính phủ và các bộ ngành quan tâm nhiều hơn tới đồng bào dân tộc vùng cao” - Sung A Thang:  thang.k7a@gmail.com

 

“Đọc bài này mà tôi quặn hết cả lòng. Tôi là 1 người con của huyện Sìn Hồ - Lai Châu. Tôi thấy những cảnh này sao mà giống chỗ tôi thế. Tôi thấy hầu như các bản vùng sâu, vùng xa nào ở trên này đều có các lớp học và trường tạm bợ như thế này, ngoại trừ những trường ở trung tâm các xã là được đầu tư khang trang.

 

Tôi thường hay đi cơ sở và nhiều khi thấy thương các em học sinh và các thầy cô giáo ở đây, rất tiếc là mình không có tiếng nói và không thể làm gì để giúp các em và các thầy cô ngoài lời động viên. Các cô giáo ở xuôi lên từ tuổi đôi mươi, nhiều cô đến 30 tuổi mà chưa lấy được chồng vì toàn đi “cắm bản”, không có cơ hội để giao lưu và tìm kiếm bạn đời. Các cô ngoài lên lớp còn làm luôn bà nội trợ để nấu cơm cho học sinh, khi học sinh về nhà hết rồi các cô lại cuốc bộ hàng cây số để về nhà nấu ăn cho mình. Còn ăn uống, sinh hoạt thì quá khổ sở. Các em được tiền hỗ trợ của nhà nước nhưng mà bữa nào cũng chỉ thấy vài miếng đậu trắng và cá khô, rau rừng. Đặc biệt là tôi thấy toàn cho các em ăn loại cá, gà đông lạnh không rõ nguồn gốc…. Không tin các bạn và những người có trách nhiệm hãy lên Sìn Hồ và hãy vào thực địa mà xem. Tôi thấy đau lòng lắm!

 

Ở thành thị thì cha mẹ đua nhau xin cho con cái vào các trường điểm, nhưng ở đây thầy cô làm công tác dân vận phải khéo, không là chẳng có học sinh nào đến lớp. Các thầy cô có khi phải cuốc bộ 3-4 tiếng đồng hồ để đi vận động học sinh hàng tuần (không chỉ có mẫu giáo, tiểu học mà thậm chí cả cấp 2). Cha mẹ học sinh thì chỉ lo miếng ăn thôi mà nhiều khi còn chưa đủ, nói chi đến việc đầu tư cho con cái học hành. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực tế: đất nước ta tuy thành tựu kinh tế đã khá lên nhiều nhưng ở miền núi chúng tôi thì cuộc sống người dân gần như vẫn dậm chân tại chỗ và vẫn còn nghèo lắm. Vì vậy hãy quan tâm đến miền núi nhiều hơn. Chúng ta đừng vì chút sĩ diện của một bộ phận nhỏ mà dùng những mỹ từ để mô tả thành tựu này nọ, mà hãy nhìn vào thực tế xã hội để cùng chung tay có được những biện pháp thiết thực và hữu hiệu hơn!” - Sùng A Nhè:  sungnhe1985@gmail.com

 

“Tôi cũng đã ở Mường Tè hơn 1 năm, thấy còn nhiều trường khó khăn như thế trên đất Mường Tè. Tôi cũng đi và chụp lại rất nhiều ảnh về những ngôi trường như thế. Tác giả có lẽ mới đi thực tế tại Nậm Manh, Nậm Hàng là những xã phía ngoài. Còn những xã sâu hơn như Pa Vệ Sủ, Thu Lũm, Ka Lăng, Mù Cả...còn khó khăn hơn thế. Lớp học mà gọi là cái “chuồng” học cũng không sai. Thật xót xa. Những ngày mùa đông giá lạnh, sương giăng tứ bề, gió thổi hun hút… Nhưng các em vẫn phải mặc áo rách, đi chân đất đến trường. Đề nghị nhà nước quan tâm hơn nữa và trước mỗi năm học mới chúng ta nên cùng nhau quyên góp quần áo, sách vở cho các em. Tôi nghĩ, chỉ 1 khoảng bằng 1/1000 của vụ Vinashine thì nhiều thế hệ các em học sinh ở đây cũng có thể có được cuộc sống đầy đủ để đi học” - Ngoc:  ngthengoc@gmail.com

 

“Tôi cũng ở Lai Châu, những thông tin như trên là sự thật nhưng mới chỉ nêu ra một phần rất nhỏ những khó khăn của nền giáo dục ở Lai Châu. Tôi xin cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến "cái sự giáo dục" ở đây như sau:

 

1/. Đối với các trường, lớp ở các xã, bản không có chuyện phụ huynh gửi quà cho giáo viên mà ngược lại giáo viên phải có quà cho các học sinh thì mới lôi kéo được học sinh đến lớp. Đặc biệt là vào đầu năm học, ở các bản cô giáo phải mua kẹo, bánh, thậm chí phải mua lợn về mổ mời phụ huynh học sinh đến ăn để cho các cháu đi học. Trong giờ giải lao, cô giáo còn phải tắm, gội cho từng học sinh... 

 

 2/. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 60/2011/QĐ-TTg thì chưa biết đến bao giờ. Đối với các trường đã lên chuẩn, giáo viên còn phải ứng lương hàng tháng của mình ra để lo cái ăn cho học sinh nội trú mà chưa biết đến bao giờ mới được hoàn lại...

 

3/. Còn rất nhiều điều nữa, mong các bạn bổ sung” - Hoài Thanh:  Hoaithanh1969@gmail.com

 

“Một lần lên Tây Bắc! Cách đây 4 tháng, tôi có dịp lên Tây Bắc công tác. Trước khi đi, trong suy nghĩ là công việc, cùng với ‘con bán tải’ của mình sẽ có thêm chút thời gian dọc đường ngắm cảnh, du lịch. Nhưng dọc theo hành trình đi, càng xa Hà Nội, càng xa vùng đồng bằng thì tôi lại càng thấm đượm một nỗi buồn và sự cảm thương. Tôi thực sự chẳng còn tâm trí nào nữa khi nhìn những em bé, những gia đình nghèo đồng bào dân tộc. Họ rất nghèo, rất khổ trong ánh mắt ngơ ngác của trẻ thơ, trong sự hoang sơ đến tột cùng của cuộc sống. Tôi cảm thấy rất buồn vì hình như chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều cho đồng bào. Chủ trương chính sách có thể đúng, nhưng việc thực thi và kết quả đến đâu? Có lẽ phải nhìn vào thực tế đời sống của bà con đồng bào các dân tộc thì chúng ta mới hiểu…” - Quang:  quang.tanphong@gmail.com

 

“Các bạn miền xuôi không biết đấy thôi, chứ ở các tỉnh miền núi có lẽ có rất nhiều bản làng. Ở đó HS dân tộc không có ăn, mặc, phải lao động giúp gia đình từ lúc 5-7 tuổi, đi chân đất cả trong mùa đông. Các cô giáo cũng khổ lắm, phải đi vận động HS đi học (vì HS phải đi làm nương rẫy kiếm cái ăn). Các cô xa gia đình, ở nơi cheo leo, cô tịch, thiếu ăn, có tiền cũng chẳng có nơi để mua mỳ tôm (giá gói mỳ tôm gấp 3-5 lần vì vận chuyển xa...) Em trai tôi là công an, đi vào bản công tác 4 tháng trời, phải ăn muối, không mang được cái gì. Vì đường xá rất xa xôi, vừa  phải đi xe ô tô từ thị xã Lai Châu tới huyện Mường Tè, từ đó lại đi xe máy, đi ngựa đến xã. Rồi đi bộ 2h đồng hồ leo núi, vượt đèo lội suối mới đến bản. Sóng điện thoại không có, phải đi bộ lên đỉnh núi 1-2km mới có sóng gọi về nhà” - Người Lai Châu:  anhlc1980@yahoo.com

 

 “Đọc bài báo mà muốn rơi nước mắt vì thương các em, thương những cô giáo dám hy sinh cả cuộc sống riêng tư của mình vì những đôi mắt trong veo của các em nhỏ vùng cao. Thương  những đứa trẻ tội nghiệp sống trong thiếu thốn kia. Tôi biết các giáo viên đó chỉ là một số trong hàng nghìn các thầy cô cắm bản - cắm luôn tuổi thanh xuân -cắm hạnh phúc và tương lai của mình.Tôi còn nhớ một số năm chúng tôi vẫn ủng hộ ít nhất một ngày lương của mình để xây  trường học cho học sinh vùng cao mà ...Tội cho các em có lẽ cũng chẳng có máy tính để có thể đọc được những lời chia sẻ của chúng tôi. Chỉ mong cộng đồng và các nhà lãnh đạo hãy "có một tấm lòng để ...gió cuốn đi"” - Nguyễn Thị Huệ:  Thachthao93@gmail.com

 

“Tôi cũng là một giáo viên, nhìn thấy cảnh này tôi thấy thương đồng nghiệp mình và các em học sinh quá. Chẳng biết chính sách điều tiết của nhà nước thế nào, nhưng trong khi các em ở vùng cao phải học trong những "chuồng" học như thế này thì ở dưới xuôi vẫn có  những khu nhà, những trụ sở vừa mới xây xong còn chưa bạc màu vôi đã được đập đi để xây lại y chang như vậy chỉ để... tranh thủ dự án. Tôi thấy thật lãng phí. Giá như tiền ấy được dùng để xây trường cho các em học sinh vùng cao thì được bao nhiêu nhiêu lớp học, như vậy số học sinh phải học trong những "chuồng" học" như thế này sẽ không còn nữa. Nhà nước nên xem xét lại chính sách. Nước mình còn nghèo thì nên đầu tư thế nào để tránh lãng phí” - Nga:  huyennga75@gmail.com
 
Chuồng học ở Huổi Chát  (ảnh: Đào Tuấn, nguồn: Lao Động)
Các cậu bé Mông trường phổ thông dân tộc bán trú Hố Quáng Phìn, Đồng Văn, Hà Giang "chén" sạch suất cơm có thịt (ảnh: Lê Anh Tuấn, nguồn: Lao Động)

 

Bao nỗi niềm với bữa cơm ấm lòng

 

Những sẻ chia của bạn đọc với “bữa cơm có thịt” của học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Hố Quáng Phìn, Đồng Văn, Hà Giang cũng để lại nhiều dư vị đáng để cho chúng ta suy ngẫm.

 

“Hoan hô chính sách của Chính phủ. Tôi nghĩ đây là việc làm thiết thực và cần được đầu tư lâu dài. Muốn giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo bền vững, thì cách tốt nhất là đầu tư cho thế hệ trẻ của đồng bào và phải từng bước thay đổi cách suy nghĩ của họ sao cho phù hợp với đà phát triển chung thì mới lâu bền” - Nhật Long: nhatlong1977@gmail.com

 

“Mình đã từng chứng kiến 1 lớp học mầm non cũng cách thị xã Lai Châu có tí thôi, học sinh đến lớp xách cơm nguội đi ăn trưa. Trong đó không có gì ngoài ớt khô rang muối, em nào may mắn hơn nhà gần đó thì đến bữa được mẹ mang cho ít rau xào, nhưng mang ra thì cũng cho các bạn ăn cùng nữa. Tôi thấy đây là 1 chính sách đúng đắn của Chính phủ, kịp thời giải quyết cho những học sinh còn khó khăn nơi vùng sâu vùng xa” - Nam:  nam_quachtrung@yahoo.com

 

“Mong sao các em sẽ luôn có những bữa ăn như thế này. Cũng mong những người có tâm quản lý tốt, đừng để xảy ra hiện tượng bớt xén của các em, để các em được có những bữa cơm ấm lòng để học tập vươn lên thoát cảnh nghèo” - Du:  bhv1155@gmail.com

 

“Dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng các em được no cái bụng là mình cảm thấy ấm lòng rồi. Hy vọng mọi người cùng nỗ lực, để cùng góp phần cho các cháu luôn được no bụng hàng ngày…” - Nong dan:  nongdan8x@yahoo.com

 

“Cảm động quá, thương các em nhiều thật nhiều ...Cũng ước gì những lãng phí hàng ngày hiện nay ở nhiều nơi sẽ không còn nữa, để những em nhỏ như thế này có cuộc sống tốt hơn” - Hoàng Vân Oanh:  vanoanh75@gmail.com

 

“Tôi thấy đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa còn vô vàn khó khăn. Nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa như: nên tập trung con em dân tộc vào trường nội trú, bao cấp 100% học phí, chỗ sinh hoạt để các em có điều kiện học tập tốt nhất, không bị thiệt thòi so với  học sinh miền xuôi. Kính mong Đảng, nhà nước vì tương lai con em chúng ta, quan tâm hơn nữa đến các em. Xin cảm ơn!” - Nguyen Dung:  jungkyo92@gmail.com

 

“Đọc thấy cảm động quá. Nghĩ đến cảm giác các em háo hức đến giờ cơm mà ứa nước mắt. Con mình học lớp Ba rồi mà dụ khị rồi phải đút mới  ăn hết chén cơm thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Chương trình trên rất đáng được duy trì và mở rộng” -  Mai Thuy Du:  maithuydu@gmail.com...
 
Mùa thu, ngày khai trường của các em... lại làm dấy lên trong lòng những người lớn chúng ta bao cung bậc của cảm xúc và ấn tượng...

 

Khánh Tùng