Sao thầy thuốc được mở phòng mạch còn thầy giáo dạy thêm lại coi là vi phạm?

Cùng là thầy, sao thầy thuốc được mở phòng mạch còn thầy giáo dạy thêm lại bị coi là vi phạm? – câu hỏi trăn trở được nhiều giáo viên đưa ra trước tình trạng thu nhập giáo viên thấp, vẫn bị cấm dạy thêm.


Cùng là thầy. Sao thầy thuốc được mở phòng mạch còn thầy giáo dạy thêm lại coi như tội phạm? Ảnh: Hải Nguyễn

Cùng là thầy. Sao thầy thuốc được mở phòng mạch còn thầy giáo dạy thêm lại coi như tội phạm? Ảnh: Hải Nguyễn

Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi khảo sát về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn quận 3. Tại buổi khảo sát này, nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra. Trong đó, đáng lưu ý, Hiệu trưởng Trường tiểu học thực hành sư phạm Phan Đình Phùng Nguyễn Văn Lợi thẳng thắn nêu: Tại sao bác sĩ được phép mở phòng mạch, ca sĩ được chạy sô, còn giáo viên lại không được dạy thêm? Lệnh cấm dạy thêm trong nhà trường khiến những người làm giáo dục chúng tôi rất buồn.

Theo lí giải của thầy Nguyễn Văn Lợi: Học sinh tiểu học thường tan trường vào lúc 16h hoặc 16h30. Nhưng giờ đó, nhiều phụ huynh không thể đến đón con, họ gửi con tại trường đến 17h30 hoặc trễ hơn. Và nhà trường tổ chức cho các em học tập trong thời gian này, em nào thích hoạt động thì học võ thuật, cầu lông, aerobic..., em nào không thích hoạt động thì ngồi trong lớp, giáo viên sẽ hướng dẫn các em ôn bài đã học trong ngày. Hoạt động này vừa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh vừa rèn năng khiếu, rèn kỹ năng cho học sinh, vừa giúp tăng thêm thu nhập cho giáo viên.

Ý kiến này tiếp tục tạo nên nhiều tâm tư cho giáo viên, phụ huynh. Anh Nguyễn Đức Chính (Phú Thọ) chia sẻ: Giáo viên “bán” sức lao động chân chính khi xã hội cần, học sinh cần sao lại cấm. Cấm giáo viên dạy thêm thì học sinh sẽ vẫn ra các trung tâm để học. Như vậy, tình trạng học thêm chẳng giảm đi mà lợi nhuận thu về của các trung tâm thì rất "khủng" trong khi giáo viên lại “chết đói”. Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh không đủ thời gian cũng như trình độ để hướng dẫn con học ở nhà, vì thế, học thêm nếu được quản lý chặt chẽ thì là điều cần thiết. Những giáo viên giỏi cũng sẽ tự khẳng định được “thương hiệu” của mình vì không giỏi thì ai bỏ tiên cho con mình đi học thêm.

Còn giáo viên Nguyễn Thị Thuyên (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ: Thực lòng mà nói thì việc cấm dạy, học thêm là xuất phát từ tình trạng một số ít giáo viên tổ chức dạy thêm không lành mạnh, ép học sinh học thêm. Thay vì dạy bổ sung kiến thức hổng cho học sinh yếu và bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi thì giáo viên lại dạy trước chương trình. Cũng có trường hợp, trên lớp giáo viên không giảng hết bài để mang về lớp học thêm dạy tiếp. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp phù hợp chứ đừng coi nhà giáo như tội đồ bởi họ đang lao động bằng trí tuệ bằng chuyên môn đã được đào tạo.

“Nhà giáo cũng phải được công bằng như bác sĩ, có chứng chỉ hành nghề và dạy ở nhiều nơi. Tại sao, giáo viên dạy thêm bị coi là vi phạm?”, chị Thuyên nói.

Sao thầy thuốc được mở phòng mạch còn thầy giáo dạy thêm lại coi là vi phạm? - 2

PGS Văn Như Cương cho rằng cấm dạy thêm là vô lí. Ảnh: Huyên Nguyễn

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng: Tại sao lại cấm dạy thêm? Việc cấm dạy thêm là việc vô lý. Trong bối cảnh trẻ con tại nước ta chưa có thói quen đọc sách, đọc vở tham khảo thì việc dạy thêm để củng cố thêm kiến thức là điều tốt thôi. Chỉ có những biện pháp tiêu cực về dạy thêm thì nên cấm. Ví dụ, thầy trên lớp không dạy hết bài để dành về dạy thêm hoặc học thêm ở nhà thầy, thầy cho ôn bài giống bài kiểm tra hôm sau, em nào không đi học thêm sẽ không làm được bài... Bất cứ hoạt động nào cũng sẽ có tiêu cực và phải tìm biện pháp trị tận gốc.

Nêu cách khắc phục tiêu cực, PGS Văn Như Cương chỉ ra rằng: Trước hết, cần nhìn nhận khách quan, việc đưa ra các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ hiện nay còn nhiều thiếu sót. Thực tế, vẫn tồn tại nhiều tiêu cực và các đơn vị, cá nhân vẫn có thể “lách luật”.

Cũng theo ông, biện pháp quan trọng nhất là hãy dạy cho học sinh đủ kiến thức trên lớp để học sinh không phải tìm đến lớp học thêm. Tức là chương trình phải vừa sức, phù hợp với khả năng, năng lực của học sinh, phải giảm tải chứ không nặng nề như bây giờ để học sinh có thời gian trải nghiệm thực tế, tham gia các hoạt động thực tế cuộc sống... và học một cách không lí thuyết. Biện pháp hành chính như cấm, khám xét sẽ không hiệu quả lâu bền.

Theo Huyên Nguyễn

Báo Lao động