Rà soát lại ứng viên GS, PGS làm sáng tỏ nhiều vấn đề khác

Chưa vội nói đến có hay không “chuyến tàu vét” công nhận chức danh GS, PGS, mà chỉ riêng việc dư luận bàn tán sôi nổi vì sao năm 2017 lại có số lượng GS, PGS tăng vọt, tự nó đã làm rõ được nhiều nội dung, kể cả những vấn đề rộng lớn hơn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ nhất, trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải rà soát lại các ứng viên GS, PGS đã đạt các tiêu chí hay chưa. Điều đó cho thấy, sự lắng nghe và sớm có phản hồi một cách tích cực của Chính phủ. Dư luận tin và mong rằng, với những phản hồi chính đáng của dư luận, Chính phủ sẽ sớm có phản hồi tích cực để làm “ra ngô, ra khoai” với những vấn đề đang có những ý kiến trái chiều. Đó là một trong những động thái để thực hiện tốt phương châm hành động 2018 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nêu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương : Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo.

Thứ hai, rà soát lại việc phong hàm GS cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại có nhiều ý nghĩa hơn nhiều việc rà soát một trường hợp cụ thể, dù là bộ trưởng. Bởi, dù chỉ là đơn thư tố cáo nặc danh, nhưng vẫn được Hội đồng chức danh giáo sư mổ xẻ thấu đáo, cẩn thận. Mặt khác, việc rà soát này sớm được công khai. Nhờ vậy, dư luận hiểu hơn khi nhà khoa học làm cán bộ quản lý. Bà Tiến không chỉ đạt đầy đủ các tiêu chuẩn mà còn vượt ở một số tiêu chí. Điều đó tự nó đã xóa những “điều ong, tiếng ve” cho quan chức. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, lời bàn tán, đặt điều, thậm chí bịa đặt trắng trợn không chỉ là “rỉ tai” bên hè đường mà là công khai trên mạng xã hội với hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người hưởng ứng và bình luận như… đúng rồi. Vậy thì, một số quan chức khác đang bị dư luận đặt nghi vấn (quanh việc phong hàm GS) sao Hội đồng chức danh giáo sư không sớm làm rõ và công khai?

Thứ ba, có chức danh rồi, nhiệm vụ của GS, PGS là gì? Đa số dư luận vẫn chỉ cho rằng, đó là những người có trình độ chuyên môn cao ở một lĩnh vực nào đó và họ được hưởng lương cao hơn, có những chế độ ưu đãi hơn, được về hưu muộn hơn…Do đó, dư luận rất dễ hồ nghi khi số lượng GS, PGS được công nhận tăng đột biến. Còn tiêu chí chính để công nhận chức danh GS, PGS là gì thì ít người biết tỏ tường. Qua tranh luận trên công luận, nhiều ý kiến của một số chuyên gia được đưa ra, nhiều khi trái chiều, nhưng thống nhất ở một số điểm. Trong đó, các GS, PGS phải là những người tiên phong, định hướng, là người nghiên cứu khoa học và đào tạo trong chuyên ngành của mình. Vậy thì, tại sao với những người sắp nghỉ hưu vẫn làm hồ sơ để được công nhận GS để làm gì? Thậm chí, để phản biện lại điều đó, có GS đã lên tiếng, khi nghỉ hưu họ sẽ trả lại chức danh GS vì họ thấy, mình không còn làm được nhiệm vụ của một GS.

Thứ tư, dư luận thường được nghe đến những ý kiến cho rằng, việc phong chức danh GS, PGS cần theo tiêu chuẩn quốc tế, về lý thuyết thì quá đúng. Nhưng, như GS Phạm Gia Khải, trả lời trên báo Vietnamnet, ông đặt câu hỏi thật chí lý: “Chúng ta vẫn nói phải đi theo chuẩn quốc tế, nói lý thuyết thì rất đúng, nhưng phải hiểu "chuẩn quốc tế" là cái gì?” GS Khải đưa ra một ví dụ đơn giản, ở Pháp, trao bằng GS là tổng thống, chứ không phải là trường. Tiếp đó, GS Khải nói không thể thẳng hơn: “Chúng ta muốn giao cho trường, nhưng Nhà nước, xã hội không tin vào trường thì giao thế nào được.” Nghe thì xót xa, nhưng đó là sự thật nghiệt ngã mà chúng ta phải chấp nhận.

Điều này cho thấy, việc công nhận chức danh GS, PGS này không chỉ vẫn là vấn đề còn tranh luận dài dài, mà còn, rất cần phương án xây dựng nền móng vững chắc cho giáo dục, khoa học quan trọng hơn nhiều những tranh luận: Cơ quan, tổ chức là người xét duyệt, công nhận chức danh GS, PGS.

Vương Hà