Bạn đọc viết

Quyền gian dối?

Điều nguy hại là từ chỗ ghét bỏ gian dối thì bây giờ một số ngườilại đang dung nạp nó, mặc nhiên công nhận nó. Nếu ai cũng có thể tự cho mình quyền được gian dối, tới mức không cần biết đến hậu quả của hành vi này gây ra cho xã hội, cho cả bản thân mình thì thạt đáng lo..


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Cái tít của bài viết này có lẽ sẽ gây thắc mắc cho bạn đọc: Làm gì có quyền gian dối?

Vâng, quả đúng thế! Bởi gian dối là thói xấu của con người, chẳng ai muốn, chẳng ai thích, chẳng ai lại giành lấy cho riêng mình.

Thế nhưng, thực tại lại đang xảy ra một nghịch lí: Quyền gian dối. Tôi xin nhắc lại: Quyền gian dối!

Bởi gian dối bây giờ không còn là hiện tượng cá biệt đáng phê phán nữa. Nó đã phổ biến đến mức nhìn vào đâu, vào bất cứ lĩnh vực nào của đời sống cũng thấy hình bóng của gian dối lảng vảng.

Và điều nguy hại là từ chỗ ghét bỏ gian dối thì bây giờ một số ngườilại đang dung nạp nó, mặc nhiên công nhận nó. Nếu ai cũng có thể tự cho mình quyền được gian dối, tới mức không cần biết đến hậu quả của hành vi này gây ra cho xã hội, cho cả bản thân mình thì thạt đáng lo.

Xin lướt qua một loạt những minh chứng mà ai cũng đã biết.

Người trồng rau dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích để tạo sự đột biến về lượng.

Người chăn nuôi dùng chất cấm để tăng trọng.

Người chế biến dùng hóa chất để biến thịt thối thành thịt tươi, thịt heo thành thịt bò.

Nhà sản xuất làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Các công trình xây dựng bị rút ruột, mua sắm vật tư, máy móc bị đội giá gấp mấy lần.

Nước mắm truyền thống của ông cha ngàn đời nay bị vu oan vì chứa chất thạch tín cực độc!

Tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chung qui lại vẫn là lòng tham. Lòng tham đã khiến con người sẵn sàng bán rẻ lương tâm, lừa dối đồng loại.

Đấy là gian dối trong lĩnh vực kinh tế. Còn trong văn hóa, giáo dục thì sao?

Bệnh thành tích, danh hão, chạy theo bằng cấp, đang là những sự gian dối lớn nhất ở các lĩnh vực này.

Ai có thể thống kê được, trong hàng vạn tấm bằng danh giá về học vị, có bao nhiêu cái được cấp không phải vì trí tuệ cao siêu?

Ai dám đảm bảo chắc chắn rằng trong hàng ngàn người được phong tặng các danh hiệu, các giải thưởng cao quí lại không có những kẻ nhận nhầm?

Có sự gian dối nào trơ trẽn hơn khi một tháp hoa tươi kỉ lục có cả hoa giả, tệ hơn, đến bánh chưng dâng cúng tiên tổ cũng làm bằng xốp. Sự gian dối đã đến giới hạn cuối cùng.

Còn một lĩnh vực khác mà sự gian dối ở đó có lẽ sẽ gây tác hại khôn lường cho xã hội: Gian dối nơi cơ quan công quyền.

Chạy chức, chạy quyền bằng tiền, bằng vật chất, bằng việc sửa hồ sơ, mua bằng giả, khai man lí lịch, thành tích.

Sai phạm, khuyết điểm được che đậy, lấp liếm bằng những mĩ từ "đúng qui trình", "tập thể đồng thuận" và "rút kinh nghiệm sâu sắc".

Chỉ xin nêu một vài dẫn chứng: Cuối năm 2016, bà Trần Thị Vĩnh Nghi (34 tuổi) – Bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ, Thành uỷ viên, đại biểu Quốc hội khoá XIV gian dối trong việc cử cấp dưới đi học thay mình lớp chuyên viên tại Trường Chính trị TP Cần Thơ. Vậy mà hành vi gian dối đó của bà Nghi chỉ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách về mặt Đảng.

Dư luận chưa hết sốt vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm thần tốc ở Sở Xây dựng Thanh Hóa thì lại càng bị sốc hơn khi bà Nguyễn Thị Mai Phương, nữ nhân viên văn thư, lưu trữ chỉ trong vòng hơn 1 năm đã "thăng" qua các chức vụ nào là bí thư chi bộ, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, rồi phốc một cái chễm chệ trên ghế Phó Giám đốc Cung Triển lãm Quy hoạch Quốc gia thuộc Bộ Xây dựng. Liệu có phải đây là một sự gian dối được gắn mác "đúng qui trình", tập thể đồng thuận"?

Gần đây, báo chí và dư luận phát hiện một loạt các công trình nhà ở, dinh thự của một số vị quan chức cấp tỉnh đương quyền xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hàng năm trời mà chính quyền địa phương không hề hay biết. Ai dung túng cho những việc làm gian dối, bất chấp luật pháp đó?

Đã đến lúc cả xã hội, cả hệ thống chính trị phải tỏ thái độ kiên quyết nói không với bệnh gian dối và bao che gian dối. Không thể chấp nhận cái gọi là "quyền gian dối" đang ngày càng phổ biến, làm băng hoại đạo đức xã hội và kéo lùi sự phát triển của đất nước.

Nguyễn Duy Xuân