Quỹ bình ổn xăng dầu – Nếu không minh bạch được thì nên bãi bỏ!

Thêm một lần nữa, Quỹ bình ổn xăng dầu lại được kiến nghị bãi bỏ. Lần này, theo văn bản kiến nghị của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), việc trích lập cho quỹ mức 300 đồng/lít xăng đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Quỹ bình ổn xăng dầu – Nếu không minh bạch được thì nên bãi bỏ! - 1

(Ảnh: LĐO).

Trên thực tế, vai trò của Quỹ bình ổn xăng dầu là từ khoản đóng trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để sử dụng điều tiết giá cho những thời điểm giá xăng dầu tăng cao. Như vậy, có nghĩa thu trước một khoản của người tiêu dùng để trừ vào giá xăng người tiêu dùng sẽ mua vào thời điểm giá xăng tăng cao.

Về mặt lí thuyết của phép tính, đây chỉ đơn thuần là bài toán cộng trừ “cơm chưa ăn còn đó”. Song trên trên thực tế, Quỹ bình ổn xăng dầu lâu nay luôn bị đặt ra nhiều câu hỏi: Việc sử dụng nó như thế nào, có công bố thông tin kiểm toán quỹ thường xuyên hay không, quỹ có bị sử dụng cho những công việc hay mục đích khác, những khoản lãi từ quỹ này như thế nào?

Chung qui lại, dư luận người tiêu dùng lâu nay chưa hài lòng về sự minh bạch của quỹ bình ổn xăng dầu, đặc biệt là cơ chế bù trừ, điều tiết ra sao đa phần người tiêu dùng không biết. Thế nhưng họ vẫn phải đều đặn đóng trước 300 đồng/lít xăng họ mua để góp vào nguồn quỹ này.

Quỹ này chính là tiền của người tiêu dùng chứ không phải của nhà nước và cũng chẳng phải của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

Là tiền của người tiêu dùng nhưng chính họ lại mù tịt nhất về cách quản lí, chi tiêu nguồn quỹ đó. Đây chính là điều bất hợp lí nhất xưa nay.

VINPA hoàn toàn có lí khi cho rằng “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi”. Là bởi, đằng nào khi giá xăng xuống thấp hay tăng cao thì họ cũng phải đóng trước khoản 300 đồng/lít xăng tiêu thụ, khi quỹ không đủ nguồn để bù trừ, điều tiết thì giá xăng buộc phải tăng. Ngược lại, nếu không phải đóng trước khoản tiền vào quỹ bình ổn, họ sẽ phải tiêu thụ mức giá xăng theo sát giá thị trường, cũng là điều bình thường trong nền kinh tế hiện nay.

Nhưng người tiêu dùng bị “thiệt” chính là ở sự chưa minh bạch trong việc quản lí, sử dụng nguồn quỹ. Trước hết là thiệt về thông tin, và sau đó còn có thể có khả năng thiệt về các tính toán bù trừ, điều tiết từ quỹ tác động đến giá xăng tăng giảm ra sao trên thị trường khi đến tay người tiêu dùng.

Và điều đó cũng có nghĩa, trong nhiều thời điểm, giá xăng tại Việt Nam không phải là giá thực như trên thực trường thế giới hay nhiều quốc gia khác vì nó đã có bù trừ, điều tiết từ nguồn quỹ thu trước.

Không phải đến bây giờ mà đã hàng chục năm qua, dư luận người tiêu dùng đã từng nhiều lần đặt vấn đề về vai trò của Quỹ bình ổn xăng dầu, trong đó sự thiếu phân minh rõ ràng trong quản lí gây ra nhiều nghi ngờ nhất, thậm chí là sự bức xúc.

Nếu không minh bạch được Quỹ bình ổn xăng dầu thì tốt nhất nên bãi bỏ. Còn nếu vẫn duy trì trong một tương lai gần, nhất thiết phải có cơ chế quản lí, vận hành quỹ hiệu quả và đặc biệt là phải có kiểm toán thường xuyên, công bố thông tin định kì một cách rõ ràng, chi tiết.

Theo Thế Lâm

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm