Bạn đọc viết:

Quê Ngoại trăm nhớ ngàn thương

(Dân trí) - Ngoảnh đi ngoảnh lại, ông Ngoại đã rời xa thế gian bao lâu mà bóng hình vẫn đâu đây gần gũi… Những kí ức về Ngoại vẫn vẹn nguyên trong tâm thức tôi. Nhớ thương Ngoại, tôi càng khát khao và thổn thức mong chờ được gặp lại Ngoại dù chỉ một lần trong đời…

 
Ngôi nhà xưa với bao kỷ niệm
Ngôi nhà xưa với bao kỷ niệm...
 

Nghe mẹ kể rằng ông Ngoại có 6 người con gồm 2 trai, 4 gái. Bà Ngoại mất khi cô con gái út vẫn còn nhỏ. Ngoại ở vậy nuôi cô gái út trưởng thành cho đến khi đi lấy chồng.

 

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, hai người con trai của Ngoại vì điều kiện mà phải từ biệt cha vào Nam lập nghiệp. Rồi tới lúc chỉ còn lại mình Ngoại lặng lẽ sống trong căn nhà bỗng trở nên rộng thênh thang. Dù thi thoảng các con cháu vẫn trở về quây quần, nhưng chỉ như những làn gió nhẹ thoảng qua cuộc đời cô đơn của Ngoại...

 

Bước qua tuổi sáu mươi, tóc Ngoại đã bạc lấn át đen nhiều lắm. Tôi còn nhớ hồi còn học Tiểu học, Ngoại thường hay sang trại nhà tôi. Hai ông cháu cùng đi chăn bò, tôi được dỗ dành nhổ tóc bạc cho Ngoại để đổi lấy quà. Cứ như vậy, mỗi lần Ngoại qua nhà tôi lại cầm theo một gói bánh quẩy, coi như là trả công thằng cháu chịu khó nhổ tóc trắng cho Ngoại hôm trước… Giờ nghĩ lại vẫn như thấy còn đọng lại trên đầu lưỡi mùi thơm, vị giòn ngọt mật đậm đà của những thanh quẩy hình số 8 thời ấy sao mà ngon thế.

 

Sau giờ học, trường gần nhà Ngoại, thỉnh thoảng tôi lại qua cùng ăn bữa trưa với Ngoại. Rồi nghỉ ngơi một chút để chiều lại đến trường.

 

Tôi nhớ nhất là những ngày hè nắng chói chang, không gian càng thêm oi bức bởi tiếng ve sầu râm ran. Chiếc quạt chuồn chuồn như cũng đã gồng mình chạy hết cỡ,  mà vẫn không thể làm dịu đi cái oi ả của nắng hè. Ngoại đã thức bao buổi trưa, một tay cầm chiếc quạt mo cau phe phẩy, một tay nhẹ thoa thoa lưng cho thằng cháu nhỏ là tôi khi ấy cởi trần nằm sấp trên chiếc ghế gỗ dài. Và tôi đã có được những giấc ngủ ngon lành trong tình yêu thương, sự trìu mến của Ngoại 
 
Bóng hình Ngoại như vẫn vương vấn đâu đây...
Bóng hình Ngoại như vẫn vương vấn đâu đây...

 

Hạnh phúc tuổi thơ trôi qua cũng thật nhanh. Ngoại càng thêm tuổi, sức lực càng giảm đi bởi Ngoại bị  bệnh đường hô hấp đeo bám, chữa trị bao lần vẫn không thuyên giảm.

 

Lo cho Ngoại, bố mẹ cho tôi vào ở cùng để Ngoại bớt buồn và cô đơn. Được ở bên Ngoại, tôi như được hòa mình vào cuộc sống của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa cùng với Ngoại. Ngoại kể cho tôi nghe chuyện những trận đánh, những cuộc hành quân... và cả không khí đất nước tưng bừng trong niềm vui chiến thắng ra sao...

 

Lúc đó tôi mới học lớp 7, thực sự là chưa cảm nhận được hết ý nghĩa từ những câu chuyện Ngoại kể. Chỉ thấy cũng hay hay, hấp dẫn nên rất chăm chú lắng nghe.

 

Sau này lớn rồi, ngẫm lại mới biết Ngoại muốn căn dặn lớp cháu con chúng tôi: Nên trân trọng, yêu quý và tự hào về đất nước mình. Ngoại cũng  nhẹ nhàng khuyên nhủ cháu con chăm chỉ học hành, để sau này thay đổi cảnh nghèo khó “truyền kiếp” của người nông dân qua những đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp….

 

Năm tôi học lớp 9, bệnh của Ngoại có phần nặng hơn. Đi lại, ăn uống và sinh hoạt đều khó khăn. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là tôi chạy ra quán cháo gần nhà, mua hôm thì bát cháo, hôm thì bát bún giục Ngoại ăn rồi uống thuốc…. Nhưng quy luật tuổi già khó tránh khỏi. Những cơn ho của Ngoại ngày một dài hơn, Ngoại thở khó hơn và liên tục nhắc đến các con các cháu ở xa.

 

Nghe tin Ngoại mệt, các bác lần lượt kéo nhau về. Căn nhà Ngoại bỗng chốc đông chật kín người, ai lấy đều lo lắng vì Ngoại đã yếu lắm. Thế rồi ngày tồi tệ nhất cũng đến…

 

Dẫu đã xác định bệnh Ngoại không thể qua, nhưng cú sốc tinh thần ấy vẫn làm tôi chao đảo. Một trăm ngày từ khi Ngoại đi xa, dù biết có điểm báo là tôi đã thi đậu cấp 3 với kết quả khá cao, nhưng lòng vẫn không thể vui lên được. Trong nước mắt, tôi đành cố tự an ủi mình rằng Ngoại vẫn còn trên thế giới này, chỉ là ở một nơi nào đó rất xa mà thôi.

 

Và tôi vẫn luôn cảm thấy như Ngoại còn đó, rất gần ngay bên cạnh, giúp đỡ tôi, chăm sóc tôi như ngày nào… Nhớ về Ngoại, bao xúc cảm trong tôi lại trào  dâng…Ngay cả trong mơ, hình ảnh Ngoại vẫn luôn hiện hữu thật sống động qua từng cảnh sắc quê Ngoại trăm nhớ ngàn thương...

 

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Linh
(Sinh viên lớp 1D13,  Đại học Hà Nội)