Quan chức, công chức chạy theo học hàm để làm gì?
Kim. Bể học là mênh mông (học, học nữa, học mãi), bể nghiên cứu là vô tận, bao nhiêu thời gian cũng không là đủ, vậy thì quan chức, công chức chạy theo học hàm thì lấy đâu thời gian để giảng dạy và nghiên cứu; hoặc nếu tập trung cho giảng dạy và nghiên cứu thì lấy đâu thời gian làm công tác chuyên môn?
Vấn đề này, đối với nhiều nước phát triển, đã được phân định rạch ròi từ lâu. Khi họ đang là quan chức, công chức, chẳng thể lấy đâu ra thời gian để giảng dạy và nghiên cứu nên hầu như rất hiếm có trường hợp trở thành Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) khi đang đương chức chính quyền/nhà nước, trừ trường hợp các quan chức, công chức trong ngành giáo dục đào tạo, hay cơ quan nghiên cứu khoa học.
Ngược lại, trong trường hợp họ đang là GS, PGS nhưng được bổ nhiệm vào các cơ quan chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp đại chúng, sau một thời gian không tập trung cho công tác giảng dạy và nghiên cứu thì sẽ thôi chức danh GS, PGS.
Đó là lẽ thường tình và cũng là công bằng, sòng phẳng. Đó là sự rạch ròi, rõ ràng, cho thấy chức danh GS, PGS bản chất là dành cho khu vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chứ chức danh ấy không là “chiếc áo” trang trí để cho oai, để đề huề cả hai mặt quyền hành và danh vọng cho bản thân.
Ở nước ta, hiện có đến hơn 50% GS, PGS, Tiến sĩ tập trung ở khu vực quản lí nhà nước. Với chức danh Tiến sĩ, đạt được từ sự học, được giữ suốt đời, song với chức danh GS và PGS, là học hàm được xét duyệt và phong tặng. Trường hợp sau khi đạt học hàm được bổ nhiệm làm công tác quản lí, hay làm chính trị…, cần có qui định rõ ràng rằng nếu trong khoảng thời gian nhất định mà không tham gia giảng dạy và nghiên cứu đủ số giờ, số công trình.v.v…, thì cần rút lại chức danh. Đó không phải là do yếu kém hay lí do về năng lực, mà đơn giản vì không còn làm việc trong môi trường giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học nữa.
Và suy cho cùng, khi không còn giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà vẫn giữ chức danh GS, PGS, thì chẳng khác nào là lãng phí chức danh đó, hoặc không còn thực chất nữa.
Quan chức, công chức, dành toàn thời gian cho chuyên môn nghiệp vụ còn chưa chắc làm tốt được thì còn lấy đâu thời gian mà “vừa xay lúa vừa ẵm em”? Tuy nhiên do ở ta, những qui định về ranh giới này chưa rõ, vì thế mới “ra lò” nhiều quan chức, công chức GS, PGS mà nếu chúng ta thử làm một cuộc kiểm tra trong 5 năm gần nhất họ giảng dạy và nghiên cứu được gì, thì sẽ rõ ngay chức danh học hàm của họ còn thực chất hay không.
Theo Thế Lâm
Báo Lao động