Phương pháp “chống tắc” và “giảm ùn” của nhóm kỹ sư G4

(Dân trí) - Khi đề án của nhóm G4 được đăng trên Dân trí đã có nhiều ý kiến đóng góp từ độc giả. Trên cơ sở đó, G4 xin được trình bày rõ hơn để giải đáp những băn khoăn của độc giả, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khi được áp dụng thử hệ thống barie.

Bài toán chống “ùn” và “tắc”

Phân tích vấn nạn “ùn” và “tắc”, ông Trần Đức Hậu nói: “Hiện trạng ùn tắc giao thông do cả ý thức người tham gia giao thông và cơ sở hạ tầng kém. Việc giải quyết vấn đề ùn vô cùng khó khăn, phải có sự vào cuộc của nhiều ban ngành, triển khai xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông, di rời bớt dân cư trong nội đô… Còn tình trạng “tắc” là do ý thức người tham gia giao thông (bài dăng trước đây đã phân tích kỹ). Với đề án dung hệ thống  barie của G4, chúng tôi khẳng định sẽ chống được “tắc” và hạn chế được “ùn” một cách tối đa.

Di rời các trường ĐH, cao đẳng, những cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, ai cũng biết việc đó phải làm nhưng liệu có tiến hành được những công việc đó cấp tập trong 1 -2 tháng. Điều này bất khả thi, trong khi với barie có thể giải quyết được tình trạng “tắc” và giảm hẳn “ùn” trong khoảng thời gian này.
Phương pháp “chống tắc” và “giảm ùn” của nhóm kỹ sư G4 - 1

Sơ đồ dùng Barie tự động ở một ngã tư

Ông Đỗ Thái Hoà, một thành viên của nhóm G4, nêu ví dụ cụ thể: “Tại nút giao Nguyễn Khánh Toàn – Đường Bưởi, khi không có việc phân luồng của CSGT thì chỉ 15 phút vào giờ cao điểm đã tạo ra một ma trận giao thông, do tâm lý người tham gia giao thông, chỉ cần thấy phía trước có khoảng trống, lập tức người ta cố tiến lên phía trước. Vì vậy, xảy ra tình trạng các xe ô tô và xe máy đan vào nhau hình mắt lưới khiến không xe nào có thể thoát được. Tương tự các ngã ba, ngã tư khác cũng rơi vào tình trạng này. Cảnh người nối người, xe nối xe hàng giờ đồng hồ, không nhúc nhích, vẫn thường xuyên xảy ra và phải chờ CSGT đến làm nhiệm vụ, vấn đề mới dần được giải quyết.

Việc đưa ý thức người tham gia giao thông vào khuôn khổ bằng biện pháp dùng barie, kết hợp xử phạt nghiêm (nếu có trường hợp vi phạm), chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng “tắc” và giảm “ùn” hiệu quả”.

Barie hoạt động an toàn, đơn giản, hiệu quả

Theo nhóm G4, barie đóng mở thuận tiện, khoa học, thời gian đóng mở như hệ thống đèn giao thông. Việc thực hiện barie chỉ cần triển khai trong giờ cao điểm (6h30 – 8h30 và 16h30 – 18h30). Phân chia làn đường rẽ trái, rẽ phải hợp lý với từng tuyến đường cụ thể. Đầu tiên, làm thí điểm trên 2 – 3 ngã ba và ngã tư, những điểm thường xuyên bị ùn tắc “nặng” như nút giao thông Bưởi – Khánh Toàn, nút giao dốc Đốc Ngữ - Đội Cấn…

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Phân tích trên ví dụ cụ thể, ông Vũ Hoàng Hải cho rằng: “Tại các ngã ba, ngã tư, nơi có CSGT phân luồng hay những SV làm tình nguyện, vấn đề tắc hoàn toàn được giải quyết, chỉ còn lại hiện tượng ùn do dung lượng người tham gia giao thông quá lớn, đi hoặc về cùng vào một thời điểm. Việc sử dụng barie của chúng tôi, cũng phát triển dựa trên cơ sở thực tiễn đó. Vậy nên kết quả thu được hầu như chắc chắn.

Để lập lại trật tự giao thông, không phải lúc nào cũng phải có người xuống đường làm nhiệm vụ phân luồng nên đề án của chúng tôi với giải pháp barie khẳng định tính hiệu quả mà không tốn sức người, sức của”.
 
Trên cơ sở vừa làm vừa phân tích các tình huống để bảo dảm tính khả thi của đề án, nhóm G4 đã quan tâm đến độ an toàn cho người tham gia giao thông và mỹ quan thành phố. Chỉ cần người tham gia giao thông không cố vượt đèn vàng, chắc chắn không xảy ra tai nạn. Trên một tuyến đường dài 1 km, nhóm tiến hành đặt tối đa 3 barie. Khoảng cách đặt barie sẽ được tính toán dựa trên tình hình thực tế đoạn đường, không lắp đặt tràn lan gây tốn kém và mất mỹ quan đường phố.

Đối với các loại xe ưu tiên như xe cứu hỏa, cứu  thương, xe công vụ… sẽ có 2 phương án dành cho loại xe đặc biệt này. Tại hộp điều khiển barie và trên mỗi xe ưu tiên lắp hệ thống phát sóng cùng tần số, khi xe ưu tiên đi qua ngã ba, ngã tư, 2 tần số phát tín hiệu trùng nhau và tự động đóng mạch mở barie. Hoằc trang bị cho mỗi xe một điều khiển từ xa. Tại hộp điều khiển lắp hệ thống nhận tín hiệu khi xe ưu tiên đi qua có thể điều khiển như cách điều khiển ti vi.

Nếu có vấn đề hy hữu xảy ra khi mất điện, không chỉ barie ngừng hoạt động mà ngay cả hệ thống đèn báo giao thông cũng phải “nằm ngủ”. Vậy người duy nhất có thể điều khiển giao thông không ai khác ngoài lực lượng CSGT.

Khi barie chính thức đi vào hoạt động, đơn vị quản lý có thể bán dịch vụ quảng cáo trên barie nhằm thu phí để bảo trì thường xuyên cho các trụ barie vận hành hiệu quả và an toàn.
Hương Trang     
LTS Dân trí - Mong muốn thiết tha của nhóm kỹ sư G4 là được đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào việc khắc phục hiện trạng ùn tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội và TPHCM.

Phương án dùng Barie ở các ngã ba, ngã tư đã được nhóm nghiên cứu khá công phu, nhằm bảo đảm hệ thống này hoạt động an toàn ngay cả trong trường hợp có xe ưu tiên chạy qua (bằng cách lắp thiết bị phát tín hiệu vô tuyến điện trên phương tiện).

Dù sao đây mới là phương án nghiên  cứu chưa qua giai đoạn thử nghiệm, do đó chưa thể đánh giá chính xác mức độ an toàn cũng như hiệu quả thực tế. Mong rằng các cơ quan quản lý giao thông ở Hà Nội tạo điều kiện cho nhóm kỹ sư G4 được thực hiện mong muốn thiết tha của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm