“Phỏng vấn một đề tài khoa học” qua ý kiến bạn đọc
(Dân trí) - “Phỏng vấn một đề tài khoa học” là một bài phỏng vấn giả tưởng, đề cập đến những bức xúc đang được bạn đọc hết sức quan tâm. Đó là chất lượng các đề tài khoa học, những chi phí cho đề tài và chính sách đối với những người làm khoa học.
Chúng tôi đã nhận được gần 100 comments của bạn đọc gửi về Tòa soạn bày tỏ bức xúc xung quanh vấn đề này.
Nhìn chung, các ý kiến gửi về được tập trung vào 2 luồng chính. Một là bức xúc trước những thực trạng của các dự án khoa học chất lượng thấp, thiếu tính ứng dụng, xa rời thực tế, cơ chế xin – cho, những tiêu cực gây lãng phí tiền của nhân dân. Hai là thái độ chia sẻ, cảm thông đối với các nhà khoa học trước những chính sách chưa phù hợp trong khi đời sống kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Đối với luồng ý kiến phê phán, bạn Thành Đạt ở Hà Nội cho rằng: “Vấn đề này là hệ quả của cơ chế "xin cho" và sự xa rời giữa khoa học với nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Trong sản xuất, một công ty muốn tăng cường sức cạnh tranh thì họ phải nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường và vượt trội các sản phẩm khác đã có. Để làm việc này, các công ty có thể hợp đồng với các nhà khoa học hoặc tự xây dựng một đơn vị nghiên cứu nhằm thu hút các nhà khoa học tài năng. Đề tài sẽ gắn với sản xuất các sản phẩm mới. Lúc đó sẽ không còn cảnh đề tài làm xong đút ngăn tủ hoặc "vứt đi" nữa”.
Một bạn đọc là “người trong cuộc” ở TP HCM than thở: “Trời ơi, viện tôi đang có 2 đề tài nhà nước, 2 ông chủ nhiệm thì không phải đúng chuyên ngành, người tham gia và đơn vị phối hợp thì chỉ danh nghĩa thôi không làm, người thực hiện là mấy cán bộ học tại chức. Nhưng một cái nghiệm thu cơ sở rồi, một cái đang thực hiện. Không có một tí hàm lượng khoa học nào, quan điểm của mấy ông là làm đề tài để lấy sản lượng cho Viện và để xin được đề tài là phải lấy mỡ nó rán nó”.
Bạn Trần Trung Thành từ Thái Bình lại tỏ ra bức xúc trong vấn đề trách nhiệm: “Tại sao không để các nhà khoa học được đua tài, được phục vụ và được chịu trách nhiệm (trước pháp luật) về việc sử dụng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu của mình và với sản phẩm nghiên cứu của mình?”
Ngược lại, cũng có không ít các ý kiến bày tỏ sự thông cảm, sẻ chia với những khó khăn hiện nay của giới khoa học nước nhà.
Một bạn sinh viên mới ra trường là Hoàng tâm sự: “Tôi mới ra trường, chấp nhận đi làm nghiên cứu ở một viện. Lương sau một năm của tôi là: 1,5 triệu /tháng. Mỗi lần đi chơi với bạn đại học, đi làm kinh tế có người khoe lương 10tr/tháng. Còn người yêu tôi, khi nghe mức lương cô ý nhẩm nhẩm: Thu nhập một năm của anh bằng em vừa làm vừa chơi trong vài tháng. Bạn ngồi phòng ốc tưởng tượng ra đủ thứ rằng chúng tôi sung sướng nhưng đó là những người đầu tàu chiếm khoảng 1 % là cùng, còn lại đa phần đều đang rất khó khăn để trụ lại trong lĩnh vực mình yêu thích”.
“Tôi nghĩ cũng không thể lên án các nhà khoa học được bời vì hiện tại các nhà khoa học của chúng ta còn đang lo cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền còn chật vật thì hỏi làm sao có thể tập trung nghiên cứu được. Tôi lấy ví dụ như một sinh viên đại học mới ra trường đi làm nghiên cứu với mức lương 2,34 (khoảng 1,7 triệu/tháng) thì làm sao có thể sống được với mức lương như vậy”. Bạn Hải Bình ngậm ngùi bày tỏ.
Còn bạn Quỳnh Trúc thì băn khoăn: Tôi là một cán bộ làm tại Bộ phận quản lý khoa học của một cơ quan nghiên cứu vào loại hàng đầu ở nước ta về lĩnh vực khoa học xã hội. Hàng năm các đề tài cứ đăng ký, cứ làm hợp đồng, rồi tiến hành "nghiên cứu" và cuối cùng là nghiệm thu. Sản phẩm được Ban quản lý khoa học lưu giữ nhưng có khi hàng chục năm cũng không ai động đến, cũng chẳng ứng dụng ứng dùng gì mà có khi còn phải cất trong tủ kính để đỡ phải lau bụi. Vậy tôi tự hỏi làm khoa học để làm gì? Có chăng là để làm BẢN DUYỆT CHI KINH PHÍ !
Nguyễn Đinh Phạm có một đánh giá khá “vĩ mô”: “Thực trạng thì đã rõ nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để tìm ra và thừa nhận nguyên nhân sâu xa của nó. Mục đích chúng ta dũng cảm nêu ra thực trạng là hy vọng để có thể cùng nhau tìm ra được cách giải quyết và hướng đi đúng đắn… Nếu như chúng ta không đổi mới cơ chế quản lý thì sẽ không thay đổi được thực trạng này, nền khoa học của chúng ta nếu không bị "tuyệt tự", thì cũng không thể phát triển lên được”.
Bạn đọc thân mến!
Trong gần một trăm ý kiến gửi về tòa soạn đã thể hiện sự quan tâm, lo lắng của chúng ta trước nguy cơ “tuyệt tự” của nền khoa học như lời cảnh báo của GS Nguyễn Văn Hiệu. Có lẽ trong chúng ta, không ai không mong muốn nền khoa học nước nhà phát triển, đội ngũ những người làm khoa học được đền đáp công lao xứng đáng, các công trình đi vào cuộc sống để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Thế nhưng thực trạng hiện nay thật dáng lo ngại. Không thể chần chừ hơn được nữa. Đã đến lúc Nhà nước cần phải có những quyết sách để các nhà khoa học Việt Nam phát huy hết nội lực của mình.