Phòng tránh tai nạn trong cộng đồng

(Dân trí) - Hàng ngày, người dân thường gặp phải những tai nạn, thương tích do giao thông, sông nước, ngộ độc, điện giật, cháy nổ, vui chơi giải trí... Vì vậy, cần có các biện pháp chủ động phòng tránh để bảo đảm an toàn trong sinh hoạt.

Phòng tránh tai nạn trong cộng đồng - 1


Tai nạn giao thông thường xảy ra do người tham gia giao thông không thực hiện đúng luật giao thông; có các hoạt động vui chơi, giải trí ở ngoài đường; trẻ em nhỏ đi ra đường không có người lớn cùng đi kèm; không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp... Để phòng tránh tai nạn, mọi người cần nâng cao sự hiểu biết và tự giác thực hiện đúng luật giao thông; khi đi băng qua đường phải chú ý các loại xe khác; trẻ em khi qua đường phải có người lớn đi kèm...

 Tai nạn sông nước thường xảy ra cho trẻ em chơi đùa nơi sông nước không có người lớn kèm theo; những người không biết bơi và không sử dụng các phương tiện bảo hộ khi đi thuyền trên sông nước... Để phòng tránh tai nạn, trẻ em khi có các hoạt động vui chơi, giải trí, đi lại hoặc sinh hoạt ở vùng sông nước luôn luôn phải có người lớn giám sát, chăm nom và phải có phương tiện bảo hộ; cần có kế hoạch giúp cho đối tượng thiếu nhi rèn luyện sức khỏe và tập bơi lội để biết bơi lội theo quy định.

Tai nạn ngộ độc thường xảy ra do uống nhầm phải thuốc từ sâu, các chất hóa học, nhiễm độc thức ăn, thức uống; ngoài ra cũng có thể uống nhầm thuốc điều trị... Để phòng tránh tai nạn, cần phải để các loại hóa chất, thuốc trừ sâu ở nơi kín đáo, xa chỗ chơi và tầm với đến của trẻ em; không để trẻ em sử dụng các loại hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu; phải bảo quản thức ăn bảo đảm an toàn vệ sinh, không để ôi thiu; không cho trẻ em ăn các thức ăn đã bị ôi thiu; để các loại thuốc uống điều trị ngoài tầm tay với đến của trẻ em và không để trẻ em tự uống thuốc điều trị...

Tai nạn bị điện giật, cháy nổ thường xảy ra do đun nấu bếp điện không an toàn, bị chập điện có thể gây cháy, bỏng; trẻ em cũng có thể bị điện giật vì chơi nghịch các ổ cắm điện hay do dây dẫn điện và các đồ chơi dùng bằng điện bị hở mạch điện; ngoài ra việc tháo gỡ, nghịch phá các loại chất nổ, đầu đạn, bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh cũng có thể gây nổ và gây sát thương. Để phòng tránh tai nạn, cần phải bảo đảm ổ cắm điện, phích cắm điện, dây dẫn điện an toàn, không bị hở mạch điện và đặt ngoài tầm tay với đến của trẻ em; hệ thống điện phải có cầu giao bảo đảm an toàn; các bình đựng nhiên liệu, dây dẫn xăng, dầu, khí ga phải tuyệt đối kín và để nơi xa những nguồn lửa; các loại dụng cụ đựng đồ nóng như phích nước sôi, nồi nước nóng, soong chảo nấu thức ăn nóng, bếp than, diêm quẹt, bật lửa... nên đặt ở những nơi xa tầm tay với đến của trẻ em; một điều cũng cần quan tâm là truyền thông giáo dục để mọi người kể cả trẻ em không nên tự tháo gỡ, nghịch phá các loại đạn dược, bom mìn do sau chiến tranh còn sót lại ở một số địa phương.

Tai nạn vui chơi, giải trí thường xảy ra do tổ chức các cuộc vui chơi, giải trí không đúng nơi quy định để bảo đảm an toàn, không thực hiện đúng các nội quy của cuộc chơi; tham gia chơi các trò chơi không phù hợp, vượt quá sức lực của cơ thể; ngoài ra cũng có thể do các dụng cụ, thiết bị vui chơi, giải trí không bảo đảm an toàn. Để phòng tránh tai nạn, cần tổ chức các cuộc vui chơi, giải trí đúng nơi quy định và thực hiện cách chơi, luật chơi theo sự hướng dẫn cụ thể của người phụ trách; phải chọn những trò chơi phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người và luôn luôn kiểm tra an toàn các dụng cụ, thiết bị vui chơi, giải trí.

Tai nạn là một sự kiện xảy ra bất ngờ, nó có thể có hoặc không có nguyên nhân rõ ràng và ảnh hưởng tác động đến mọi mặt về sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Mọi người dân cần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh hiệu quả những loại tai nạn thường hay gặp có thể xảy ra hàng ngày trong cuộc sống; nhất là bảo đảm an toàn, bảo vệ tốt cho đối tượng trẻ em để đi đến một cộng đồng an toàn trong tương lai.

                                                                                 
 TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh