Góc nhìn nhà giáo:

"Phổ cập" đại học: sự lãng phí đã quá rõ ràng!

(Dân trí) - Những quyết sách của Bộ GD&ĐT thời gian gần đây cho thấy quyết tâm tăng nhanh tỷ lệ số lượng cử nhân trên 10 nghìn dân để bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Bằng chứng là rất nhiều trường dân lập, tư thục được mở ra ồ ạt...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
... Các trường cao đẳng đua nhau nâng cấp lên đại học, các trường đại học lại mở rộng đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực. Tuy nhiên xem ra nền kinh tế - xã hội Việt Nam thì lại chưa bắt kịp với sự tăng chóng mặt nguồn cung nhân lực đó, dẫn đến một hệ lụy là sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều. Việc học CĐ, ĐH rồi thất nghiệp hoặc làm những việc không liên quan đến ngành nghề được đào tạo là một sự lãng phí vô cùng to lớn không chỉ cho cá nhân và gia đình người đó, mà còn cho cả XH nữa

Có nhiều ý kiến nói rằng cứ để thả lỏng đầu vào đại học, đầu ra thắt chặt. Nhưng quan trọng là có “thắt” được không, ai là người kiểm soát cái sự “thắt” đó và kiểm soát như thế nào ? Bởi vì quá trình “thắt” rất dài và do rất rất nhiều người cùng chung tay “thắt” cái sợi dây đó, mà chỉ cần một vài người “buồn ngủ” là sợi dây đã lỏng lẻo rồi.

Lại có ý kiến cho rằng hãy cứ để xã hội đào thải những người có năng lực yếu, những người có năng lực tốt sẽ tồn tại và phát triển. Nhưng  liệu có bao nhiêu người tin tưởng vào sự sàng lọc tự nhiên đó khi mà có quá nhiều tiêu cực trong xã hội? Rõ ràng là chỉ cần có đầy đủ bằng cấp thì chả có lý do gì mà những người năng lực yếu không chen chân được vào các cơ quan. Dù có thanh tra, thanh... gì đi chăng nữa thì vẫn là làm “đúng quy trình”, vẫn “không có gì sai sót”...!?

Các công việc trong xã hội được phân ra thành những nấc cụ thể, mỗi nấc lại có một yêu cầu về trình độ, kỹ năng của người làm việc. Không thể nói anh cử nhân giỏi hơn anh công nhân, anh giám đốc giỏi hơn anh chuyên gia được. Mỗi người đều có một khả năng và vai trò riêng, vì vậy giáo dục cũng nên phân cấp và phân luồng cho người học vào những cấp học đó.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cần phải theo nhu cầu xã hội, tránh việc cái XH thiếu thì không ai cung cấp, cái XH thừa thì cứ mang ra. Hiện nay các trường ĐH, CĐ xin chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên những gì mình có thể đáp ứng được như tỷ lệ diện tích/SV, tỷ lệ giáo viên/SV, điều kiện cơ sở vật chất…. Như vậy là yếu tố thị trường gần như vô giá trị !

Việt Nam chúng ta không thiếu cơ quan nghiên cứu về nhân lực lao động, liệu có khó không việc thống kê xem 5-10 năm tới XH cần bao nhiêu nhân lực ngành này, trình độ này, bao nhiêu nhân lực ngành kia trình độ kia (dù chỉ là tương đối) ?. Để từ đó bộ GD&ĐT xác định quy hoạch phát triển và chỉ tiêu tuyển sinh cho mình.

Dẫu vẫn biết ai cũng có quyền được học tập nâng cao trình độ, khi học xong thì người đó phải tự chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Nhưng các nhà quản lý, nhà hoạch định chiến lược đã làm hết trách nhiệm của mình chưa khi mà sự lãng phí đã quá rõ ràng?

Tôi nghĩ, có lẽ cũng như ở một nút giao thông mà nếu không có các đồng chí CSGT phân luồng điều hành (bên nào được đi, bên nào phải đứng lại) thì tất cả cứ lao lên và rồi cùng...cứ đứng im tại chỗ nhìn nhau mà chẳng ai có thể nhúc nhích được!!!

Mai Van Chien: maivanchien01@gmail.com