Bạn đọc viết:

Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sau 3 năm suy ngẫm và chiêm nghiệm

(Dân trí) - Mới đấy mà 3 năm đã trôi qua. Nhớ lại những ngày này 3 năm về trước chúng ta không khỏi xúc động khi nhìn thấy đồng hồ đếm ngược ở đền Bà Kiệu trên hồ Hoàn Kiếm cứ nhích dần, nhích dần đến thời khắc lịch sử, ngày 10/10/2010 - Ngày kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Suy ngẫm và nhớ lại

Ngày ấy, không khí “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” không chỉ là khẩu hiệu mà còn là tình cảm, trách nhiệm, niềm tự hào và sự kiêu hãnh của hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Trong cái không khí rạo rực, linh thiêng ấy, dường như ai cũng muốn góp phần công sức, trí tuệ và tiền của để tạo ra các công trình khoa học - kỹ thuật, văn hóa - văn nghệ phục vụ nhân dân trong ngày lễ trọng đại này.

Càng gần đến ngày đại lễ, khí thế càng dâng cao, hào hùng và quyết tâm. Song như một lẽ thường tình, tuy đã có hàng ngàn, hàng vạn công trình đã kịp hoàn thành, nhưng vẫn còn đó nhiều công trình vì nhiều lý do khác nhau đã lỡ hẹn, không kịp đưa vào phục vụ nhân dân  đúng thời hạn. Và cũng có cả một số công trình…  đã hoàn thành xong rồi đó nhưng rốt cuộc chỉ được ra mắt trên… giấy báo,  nhắc đến đôi dòng trên các phương tiện truyền thông,  ồn ào ít ngày trong dư luận thế rồi … lặn mất tăm không còn nghe thấy tiếng. . Điều đáng buồn là các công trình này lại tưởng chừng như là những công trình mà chúng ta cần nhất trong thời khắc trọng đại của của dân tộc -  các công trình về văn hóa, điện ảnh.

Giờ đây, con tạo xoay vần, thời đại @ mở ra một tư duy mới có tính cách mạng, một cái nhìn mới rộng mở, bao dung và hòa nhập. Nhất thể hóa Châu Âu đã xóa nhòa ranh giới truyền thống, cố hữu trong cộng đồng các nước Châu Âu… và rồi đến năm 2015, cộng đồng Asean cũng phát triển theo hướng mở? Không bị giới hạn bởi không gian, thời gian, không bị câu nệ bởi các tập quán giao lưu xã hội xưa cũ, nặng nề và bảo thủ. Cái “tôi” cố hữu hạn hẹp được thay bằng cái “chúng tôi - chúng ta” hữu hảo và thân thiện. Cái tư duy “bao biện” và “suy diễn chủ quan” dần bị mờ theo năm tháng, dành cho tư duy mới có tính cộng đồng, khách quan và chia sẻ. Thậm chí Hiến pháp cũng được phát đến từng hộ gia đình để Nhà nước và Quốc hội lấy ý kiến của nhân dân... Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Bạn bè năm châu ngợi ca, nhiều nước đã, đang và sẽ cộng tác, hỗ trợ Việt Nam hội nhập và phát triển.

Vậy thế cho nên một số công trình, trong đó có công trình về văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh, nên chăng sau 3 năm suy ngẫm và chiêm nghiệm nên được các cơ quan chức năng xem xét, cho phép đưa ra công luận trước là cách để phản biện xã hội, sau là cho nhân dân thưởng ngoạn thành tựu của nền điện ảnh nước nhà trong mảng đề tài lịch sử còn non trẻ và đầy thách thức này.

Những thước phim về lịch sử

Theo công luận ngày ấy, đã có 3 bộ phim được khởi quay phục vụ Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Cái tâm của nhà làm phim thật trong sáng, cái tình của nhà làm phim thật sâu nặng, rất đáng trân trọng và chia sẻ. Ngặt một nỗi, người hôm nay nói chuyện từ ngàn năm xưa thật khó và càng khó hơn khi phải tái tạo không gian, sự kiện và con người được kể đến trong phim, rồi còn cơ chế quản lý, kinh phí để thực hiện. Thật khó cho các nhà làm phim, nếu không có tâm và tình cùng lòng dũng cảm, thông minh và sáng tạo, thì họ khó có thể thực hiện được những tác phẩm điện ảnh công phu dâng lên các bậc tiền bối ngàn đời. Về phim lịch sử có thể kể ra: Phim “Thái sư Trần Thủ Độ” là dự án UBND TP. Hà Nội đặt Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, với mức đầu tư hơn 57 tỷ đồng. Sau những thăng trầm phim cũng được tham dự Giải cánh diều vàng 2012 và đoạt giải Cánh diều vàng cho phim truyền hình xuất sắc nhất. Biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất và đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất. Phim “Huyền sử Thiên đô” mới phát sóng được 20 tập đầu tiên. Hơn 20 tập còn lại chưa được khởi quay vì gặp vật cản đầu tiên là tiền đâu để làm?  Riêng phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” là dự án hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Phim có 19 tập, thời lượng 45 phút/ tập cũng đã xong trọn gói. Bộ phim được thực hiện với kinh phí cao kỉ lục, đã từng được đón đợi như là một món ăn tinh thần đặc sắc với công chúng, nhưng cuối cùng lại chịu nhiều lận đận hơn cả.

“Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" từ phim trường đến thương trường

Từ khi viết kịch bản, chọn nhà sản xuất, tìm kinh phí đầu tư, tuyển chọn dàn diễn viên chính, diễn viên phụ, rồi tìm chuyên gia, đạo diễn cả trong và ngoài nước… đến lúc khởi quay và đóng máy… các nhà sản xuất tâm huyết luôn sống trong trạng thái thấp thỏm, lo âu và hồi hộp về đứa con tinh thần của mình. Đến nay, họ mới ngộ ra rằng có tâm, có tình và có tiền không chưa đủ, xem như mới đi được 50% hành trình, 50% còn lại là cơ chế, là phản biện xã hội và dư luận đúng, sai.

Vậy hành trình từ phim trường đến thương trường lên xuống thế nào? Trộm nghĩ, cũng nên nói đôi điều để rộng đường dư luận, sắp tới khi Đài truyền hình Việt Nam khởi chiếu phục vụ nhân dân sau 3 năm suy ngẫm và chiêm nghiệm.

Một số cảnh quay trong phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long

Một số cảnh quay trong phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long
Một số cảnh quay trong phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long"

Trong công văn số 3055/BVHTTDL-ĐA do thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Tiến Thọ ký ngày 14/9/2009 gửi Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định “Đây là một dự án có quy mô và ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tính khả thi cao…”. Bộ VHTT&DL cũng đánh giá “Kịch bản bộ phim được xây dựng trên cơ sở tư liệu lịch sử Việt Nam với sự cố vấn của các chuyên gia, nhà sử học, nhà văn hóa có uy tín của Việt Nam…”

Trong công văn số 3055 nói trên, đã khẳng định “về nội dung chính của bộ phim phản ánh thời kỳ lịch sử của dân tộc, xuyên suốt 3 triều đại: triều Đinh, triều Tiền Lê và triều Lý. Từ giữa thế kỷ thứ 10 sau công nguyên. Đinh Bộ Lĩnh liên tiếp bình định 12 sứ quân, kết thúc thời kỳ tranh giành của các thế lực cát cứ, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt. 40 năm sau, Nhị thế Hoàng đế Lê Long Đĩnh nhà Tiền Lê chuyên quyền bạo ngược, nhân dân lâm vào cảnh lầm than, dầu sôi lửa bỏng. Thái tổ Hoàng đế Lý Công Uẩn lên ngôi, dời đô về thành Thăng Long…”

Kết quả thẩm định của Hội đồng duyệt phim quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì tại công văn số 728/BVHTT DL-ĐA ký ngày 15/3/2013 về việc phổ biến bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long”. Công văn có đoạn: “Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng duyệt phim quốc gia tại lần thẩm định thứ 3. Công ty Cổ phần Truyền Truyền thông Trường Thành đã tiếp tục chỉnh sửa một số lời thoại cũng như cắt bớt một số cảnh theo yêu cầu của Hội đồng tại công văn số 302/CV-TT/2011 ngày 07/3/2011 và đã được thường trực Hội đồng kiểm tra. Thứ trưởng Lê Tiến Thọ đề nghị “Đài truyền hình Việt Nam xem xét, quyết định việc phát sóng bộ phim theo quy định của Luật Điện ảnh và Luật Báo chí. Một lần nữa để đánh giá khách quan những ý kiến khác nhau đối với bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập hội đồng để xem xét lại một lần nữa trong công văn số 1086/BTTTT Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã ký ngày 04/5/2012 gửi Ban Tuyên giáo Trung Ương, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: Hiện nay, số lượng phim về đề tài lịch sử Việt Nam không nhiều, nhất là những bộ phim truyền hình dài tập. Một trong những nguyên nhân là ít kịch bản hay chưa có nhiều các nhà làm phim về đề tài lịch sử, đặc biệt là thiếu tư liệu lịch sử và điều kiện sản xuất để đáp ứng yêu cầu của một bộ phim về đề tài lịch sử. Việc một doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư sản xuất bộ phim lịch sử nhiều tập là việc làm đáng ghi nhận cần khuyến khích. Bộ cũng thừa nhận một cách khách quan là “Trong điều kiện tư liệu lịch sử để chứng minh trang phục, bối cảnh, kiến trúc trong giai đoạn lịch sử này để khẳng định tính khác biệt của Việt Nam cũng rất khó khăn. Việc xây dựng một bộ phim lịch sử bảo đảm tính chuẩn mực về các yêu cầu nêu trên rất khó để đáp ứng”. Với tư duy cởi mở, công tâm và chia sẻ, Bộ thông tin và truyền thông khuyến nghị: “Việc cho phát sóng bộ phim này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác đầu tư sản xuất các bộ phim về đề tài lịch sử, ngày càng hoàn thiện hơn”.

Sau những trao đi đổi lại giữa các cơ quan chức năng, sự nỗ lực tu chỉnh theo hướng chỉ đạo của nhà sản xuất, dường như cơ hội phát sóng bộ phim đã nằm trong tầm tay. Trong công văn số 3460-CV-BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng ban Nguyễn Thế Kỷ ký ngày 09/11/2012 gửi Đài Truyền hình Việt Nam đã khuyến nghị cụ thể là: “Về việc sử dụng, phát sóng bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” Đài truyền hình Việt Nam căn cứ ý kiến của các cơ quan chức năng, chất lượng của Bộ phim để có quyết định cụ thể. Thẩm quyền cuối cùng là của Đài truyền hình Việt Nam”.

Có thể thấy nhà sản xuất đã nỗ lực hết mình trong suốt 3 năm qua để bộ phim đạt đủ các điều kiện tiêu chuẩn để được lên sóng truyền hình, ra mắt khán giả. Giờ đây, sau khi bộ phim đã nhận được các đánh giá tích cực từ phía các cơ quan quản lý và các nhà chuyên môn, khán giả đang chờ ngày bộ phim được lên sóng sau một thời gian dài lỡ hẹn.

Nhìn về phía trước

Vậy là sau 3 năm lỡ hẹn cả “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” đang dần hội đủ các điều kiện và chỉ còn chờ giờ  G để phát sóng. Còn bộ phim “Huyền sử Thiên đô” đang chờ nhà đầu tư tiềm năng để mắt đến mới có kinh phí sản xuất tiếp. Cơn khát phim cổ trang của điện ảnh nước nhà có lẽ cũng gần đến ngày được giải tỏa.

Hy vọng và mong các nhà sản xuất phim lịch sử Việt Nam luôn giữ lửa và niềm tin vào ngày mai tươi sáng để tiếp tục thai nghén nhiều kịch bản hay và cùng với nhà nước có chính sách đầu tư đủ để ra lò nhiều phim lịch sử mới.

Bài viết này như một lời tri ân, một kỳ vọng chia sẻ cùng các nhà sản xuất tâm huyết với nghề với đời.

                                                                                                 KS. Hà Trọng Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm