Góc nhìn Giáo viên:

Phía sau “ánh hào quang” của tấm bằng đại học

(Dân trí) - "Nghèo cũng phải cố cho con học lấy cái chữ". Chỉ có học mới thoát được nghèo, cái suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức người nông dân quê tôi bao năm nay. Nhưng giờ trong suy nghĩ của họ đã bắt đầu thấy hoài nghi về chân lý đó.

Còn nhớ chỉ hơn chục năm trước ai có được tấm bằng trung cấp, cao đẳng trong tay là vinh dự lắm, cả làng, cả thôn mới có mấy trò được đi học thôi. Người dân trong làng kháo nhau “Thằng A con nhà ông B học giỏi lắm, nó học cái gì mà cao với lại đẳng ở tận trên thành phố cơ, học xong có tấm bằng ấy thì xin vào đâu mà chả được”...

Vậy mà bây giờ điều đó đã đi vào dĩ vãng, người ta bắt đầu... coi thường những tấm bằng cao đẳng đó vì có quá nhiều tấm bằng đại học đẹp hơn, cao quý hơn và giá trị hơn còn đang vật vờ ngoài XH. Giờ về quê thấy hầu như nhà nào cũng có con học đại học (ĐH). Cha mẹ nào mà không vui khi con cái mình được học ĐH để thoát nghèo, để làm rạng danh gia đình, dòng họ. Nhưng trong ánh mắt của những người nông dân một nắng hai sương quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, nay đã không khỏi nhuốm màu lo lắng.

“Chú ở trên thành phố, chú xem hộ cháu nhà chị học cái đó có dễ xin việc không?”- Đó là câu hỏi mà tôi được nghe mỗi lần về quê thăm gia đình. Tôi cũng chẳng biết nói sao nữa, chỉ ậm ừ và động viên họ và các cháu rằng: - Cứ cố gắng học cho tốt để sau ra trường dễ xin việc hơn. Nhưng đêm về nhà, tôi nằm mà không sao ngủ được... Cứ nghĩ đến bà con dân làng mình vẫn cực khổ quá, cũng y chang bố mẹ mình ngày xưa dốc hết tiền bạc và tâm huyết cho con cái ăn học hằng mong con cái có cuộc sống tốt hơn, không phải suốt đời bám theo đuôi con trâu, cái cày....

Nhưng may mắn cho tôi là cái thời của tôi cái bằng ĐH còn giá trị lắm, ra trường gần như ai cũng xin được việc. Còn giờ, về quê nghe những câu chuyện mẹ tôi hay kể trong những bữa cơm mà thấy thật là chua xót. Nào là chuyện “con nhà bà Thoan chạy việc hết hơn 100 triệu”, chuyện “cái Linh nhà ông Bảo chạy việc mất mấy chục triệu mà chưa đâu vào đâu”, chuyện “cái Na bên hàng xóm học đại học xong giờ làm công ty may gần nhà”...

Người dân nghèo quê tôi lấy đâu ra số tiền dành dụm nhịn ăn, nhịn mặc cả đời cũng chưa chắc đã đủ cho con ăn học 4-5 năm trên thành phố? Giờ ra trường họ lại oằn mình lo xin việc cho con.

Những tấm bằng ĐH đỏ chót của các em được đánh đổi bằng tiền mồ hôi, nước mắt của bố mẹ các em, bằng một phần quãng đời của các em với bao đêm thức trắng, bao ngày vất vả học hành. Vậy mà khi ra trường lại chẳng có một ai chịu trách nhiệm cho sự thất nghiệp của các em? Chỉ bản thân các em, bố mẹ, gia đình các em phải ngậm ngùi để các em về quê làm ruộng, hoặc làm công nhân, hoặc làm những việc không liên quan gì đến những kiến thức có được sau nhiều năm ăn học.

Đã có ông quan chức lên TV phát biểu rằng học đại học để nâng cao dân trí. Xin thưa người dân nghèo chúng tôi còn có nhiều thứ phải lo hơn là nâng cao dân trí, chúng tôi cần có cơm ăn, áo mặc và hơn hết chúng tôi cần một việc làm phù hợp.

Học ĐH không phải là con đường ngắn nhất và càng không phải là duy nhất để các bạn trẻ tiến thân. Nghề nào mà không vất vả? Nghề nào là không vinh quang? Chỉ cần kiếm được tiền chính đáng và thấy nó phù hợp với bản thân thì hoàn toàn có thể đặt cược cuộc đời mình vào cái nghề đó.

Đừng để ánh hào quang của tấm bằng ĐH làm cho lóa mắt để rồi một ngày phải ôm tấm bằng đó về quê với những cây ngô, cây lúa.

Mai Văn Chiến: maivanchien01@gmail.com