Phạt vì nhậu trên vỉa hè không đeo khẩu trang: có cần cân nhắc khi xử lý?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng dù đã được nhắc đeo khẩu trang mà họ vẫn phản ứng thì phải phạt cho chừa, nhưng cũng nên cân nhắc khi xử lí, bởi cái khó là đang ăn uống mà đeo khẩu trang thì cũng không dễ gì.
Như Dân trí đã thông tin, chiều ngày 4/12, lực lượng Ủy ban nhân dân, Công an và Trật tự đô thị của phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) kiểm tra việc chấp hành đeo khẩu trang của người dân ở khu vực công cộng.
Trong quá trình tuần tra, tổ công tác thấy 4 người ngồi nhậu trước công viên 23/9 và không đeo khẩu trang nên tiến lại nhắc nhở.
Ít phút sau, lực lượng chức năng quay trở lại và 3 người trong nhóm này không chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt.
Lúc này, những người tham gia cuộc nhậu mới năn nỉ xin bỏ qua và hứa không tái phạm. Tuy nhiên, tổ công tác lập biên bản xử phạt hành chính 3 trường hợp này với số tiền 2 triệu đồng mỗi người.
Sau khi thông tin được đăng tải, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với phía cơ quan chức năng, cho rằng thiếu ý thức phòng dịch nơi công cộng phải xử phạt. Đây là lời nhắc nhở cần thiết trước thực tế bao người vẫn lơ là phòng dịch nơi công cộng.
"Khẩu trang ai cũng có. Sau các đợt dịch bệnh bùng phát, ai cũng hiểu phải đeo khẩu trang. Lẽ ra đó là việc phải làm thường xuyên để bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng. Vì vậy không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng là xem thường sức khỏe người khác, xem thường sự an toàn của cộng đồng, phạt là đúng", bạn đọc Khánh Huyền.
Bạn đọc Duy Hiệp: "Nhiều người biết quy định nhưng chưa ai bị phạt nên không sợ. Nhiều người vẫn lý sự khi được nhắc nhở phải đeo khẩu trang, đừng lý sự nữa. Hãy đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng chẳng phải vì sợ mất tiền phạt mà vì sức khỏe của chính mình, của người thân và cộng đồng. Không chấp hành phải phạt thôi!".
"Cứ phải phạt thật mạnh tay. Ra nơi công cộng mà không ý thức thì hậu quả gây ra cho xã hội như thế nào? Dịch đang vây cộng đồng, có thể xâm nhập bất kể lúc nào, vậy mà có người cắc cớ hỏi: "Đang ăn nhậu làm sao đeo khẩu trang được?" , bạn đọc Nguyễn Linh.
Bạn đọc Thy Anh: "Cơ quan chức năng chỉ đi bắt một số trường hợp để làm gương, chứ cả thành phố nhất là ở những quận xa thì chả có ai đeo. Mong mọi người vì cộng đồng mà làm cái việc nhỏ nhặt là đeo khẩu trang".
Bên cạnh đại đa số ý kiến đồng tình, lại có quan điểm cho rằng việc xử phạt khi cho rằng nhậu một chút mà bị phạt 2 triệu đồng là hơi quá, với các nhóm nhậu đã được nhắc đeo khẩu trang mà vẫn phản ứng, thì phải phạt "cho chừa". Nhưng cũng nên cân nhắc khi xử lý. Trong trường hợp này có cái khó là đang ăn uống mà đeo khẩu trang cũng không dễ gì.
Bạn đọc Bảo Phương: "Nhậu vỉa hè bị phạt tiền vì không đeo khẩu trang? Vậy nhậu trong quán ăn, bar, karaoke mà không đeo khẩu trang thì có bị phạt không? Thành phố vẫn chưa cấm triệt để, nếu không cho tụ tập ngoài đường thì tụ tập trong nhà hàng đông hàng trăm người và không đeo khẩu trang thì cơ quan chức năng tính sao?".
Bạn đọc Minh Quang đồng quan điểm: "Quy định không rõ. Nếu cấm, nên cấm quán ăn nhà hàng trước bởi khách ăn uống đeo khẩu trang sao ăn uống? Kiểu xử lý như vậy chẳng khác nào chặt cành còn gốc giữ lại".
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc cơ quan chức năng xử phạt không mang khẩu trang ở khu vực công cộng là cần thiết bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Đặc biệt, với đô thị đông dân như TP HCM lại càng cần kiểm soát chặt chẽ.
Tại điểm a, khoản 1, điều 12 của nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Cụ thể là đeo khẩu trang nơi công cộng.
Nơi công cộng được xem là những nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người, nơi đông người và vỉa hè cũng được xem là nơi công cộng. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện tại mọi người cần có biện pháp phòng chống dịch tại nơi công cộng, cụ thể là phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách...
"Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, người dân đã trải qua một năm thiệt hại, thậm chí nhiều gia đình kiệt quệ kinh tế vì COVID-19, cả nước đang nỗ lực để hồi phục vào cuối năm. Thế nên sự xuất hiện trở lại các ca bệnh trong cộng đồng, sự khởi động trở lại các biện pháp mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống, mưu sinh của nhiều người không khỏi gây cảm giác mệt mỏi, lo âu.
Vì thế, sự theo dõi, nhắc nhở, thậm chí cưỡng chế xử phạt khi cần của các cơ quan, đơn vị liên quan chính là sự hỗ trợ cần thiết. Có như vậy, thành quả phòng chống dịch mà cả nước dốc tiền của, sức lực mới có được không bị tan thành mây khói sau hành vi vi phạm lãng xẹt của một vài người", Luật sư Lực chia sẻ.
"Mức xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng bảo đảm tính răn đe. Tuy nhiên, quá trình xử phạt cũng cần xem xét các tình huống cụ thể vừa thấu tình, đạt lý, không nên cứng nhắc. Ví dụ, người lao động, người bán vỉa hè có hoàn cảnh khó khăn và họ không đủ điều kiện trang bị khẩu trang chính quyền cũng nên hỗ trợ" - Theo luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn luật sư TP HCM).