Phấp phỏng chờ thưởng Tết 2021
Khi giá trị "tiền thưởng" thấp đi thì vấn đề quan trọng nhất là "cách thưởng", để 2 bên đều thấy "chúng ta cần có nhau", như thế dù ít hay nhiều, tiền mặt hay hiện vật mọi người đều ấm lòng.
Năm ngoái đã có doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng mấy chai nước mắm, lốc giấy vệ sinh. Năm nay có Covid-19, thưởng Tết sẽ còn khó khăn, lại còn quy định mới nhưng không ai mong kiểu "thưởng Tết" lấy lệ như thế.
Tết Tân Sửu là năm đầu tiên Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực. Một năm mà Việt Nam và thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19 thì không ít người lao động đầy băn khoăn lo lắng khi nghĩ về thưởng Tết. Đơn giản vì từ 1/1/2021, Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, quy định nhiều điểm mới về lương thưởng với người lao động.
Đầu tiên đó chính là việc pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về lương tháng 13 (hay 14,15) và không phải doanh nghiệp nào cũng có lương tháng 13. Những khái niệm tháng lương thứ 13, thưởng Tết Dương lịch hay Tết Nguyên Đán giờ đây phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Như thế việc người lao động có được lương tháng 13 vào dịp cuối năm hay không sẽ phụ thuộc vào nội quy, quy chế riêng của từng doanh nghiệp cũng như điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng lao động đã ký kết giữa người lao động với người sử dụng lao động. Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được công khai tại nơi làm việc.
Đầu tiên là phải chia sẻ những khó khăn của người sử dụng lao động khi cả nhân loại đang sống trong những ngày khó khăn đối diện với đại dịch Covid-19. Ông Vũ Văn Bình- Giám đốc Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội than thở: "Ngày thường, khách đi tàu vắng, hàng ngày chỉ chạy 1 đôi tàu Thống Nhất, người lao động phải thay nhau nghỉ việc, lương đã không đủ ăn, Tết đến nơi biết xoay xở như thế nào đây?".
Theo thống kê có đến 31,8 triệu lao động trên cả nước bị ảnh hưởng việc làm; nhiều người bị giảm thu nhập, nghỉ không lương, mất việc, bị sa thải, trong khi số ít khác cảm thấy may mắn khi còn được "giữ" lại.
Cho nên, dẫu có buồn nhưng đa số người lao động đều bằng lòng san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp ở quyết định có thưởng tết hay không. Không chỉ ngành du lịch, vận tải gặp khó, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều lâm vào tình trạng làm ăn bết bát hơn năm trước. Nhưng với những ông chủ "có tâm" thì vẫn cố gắng xoay xở chút đỉnh để người lao động có tý tiền giắt lưng về quê ăn Tết. Đôi khi chỉ vài kg gạo tẻ và một kg gạo nếp, cùng lời nhắn gửi chia sẻ khó khăn từ lãnh đạo cũng ấm lòng.
Người lao động sợ nhất là ngày cận, tháng kề phòng sếp "tường lạnh, phòng không tắt ánh đèn", không một lời phải trái từ những người có trách nhiệm. Lịch sự hơn là sếp hứa ra năm, ngày rộng tháng dài, công ty tính toán lại, sẽ có thông báo sau. Kế đến là 101 kiểu thưởng Tết "quái chiêu" mà chỉ có sếp mới nghĩ ra, độc và lạ vào loại bậc nhất thế giới.
Năm ngoái, anh Cường làm việc cho một công ty vận tải tại Ba Đình (Hà Nội) vừa nhận quà thưởng Tết là 10 lít nước mắm. Vợ sếp kinh doanh mặt hàng này, gần Tết bán không hết thế là ông chồng tận dụng cây nhà lá vườn làm quà cho nhân viên. Nhân viên một công ty tại Đà Nẵng còn nhận thưởng Tết trị giá 10 triệu bằng bằng tivi, hay một doanh nghiệp khác tại Vinh còn được sếp thưởng mấy lốc giấy vệ sinh. Báo hại, ôm "đống của nợ" này người lao động phải ba chân, bốn cảnh chạy đôn đáo bán sớm để còn có tiền mua cho con cái cái tấm áo mới, có chút quà biếu bố mẹ ngày xuân.
Năm nay, người lao động lo ngại thêm một lần nữa điều này sẽ tái diễn, khách quan là khó khăn chung vì Covid-19 như đã nói ở trên. Thêm phần nữa là luật quy định "thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác…", nên nếu xẩy ra thì người lao động cũng chỉ còn biết "bắc thang lên hỏi ông trời" mà thôi.
Nói đến chuyện này, nhà thơ Phạm Mầu (Linh Đàm, Hà Nội) cho rằng: "Trong cuộc đời, có những cái không bị điều chỉnh bằng luật, thưởng Tết chính là nét văn hóa của doanh nghệp. Các ông sếp càng quan tâm đến đời sống người lao động thì anh em càng thêm gắn bó với công ty".
Ông còn nói thêm: "Luật năm nay còn quy định, nếu người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Âm lịch sắp tới sẽ được hưởng tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường. Không ít sếp biết vậy nhưng vẫn cứ cố tình lờ tịt đi, khiến người lao động thua thiệt đủ đường".
Ngày Tết cổ truyền đang đến gần. Đã hàng chục năm nay, thưởng Tết được coi như một sự tri ân và công nhận vì những đóng góp của người lao động vào sự phát triển chung của doanh nghiệp đó trong suốt một năm qua. Khi cả thế giới khó khăn, hơn ai hết cả người sử dụng lao động và người lao động đều ít nhiều lao đao. Lúc này, khi giá trị "tiền thưởng" thấp đi thì vấn đề quan trọng nhất là "cách thưởng", để 2 bên đều thấy "chúng ta cần có nhau", như thế dù ít hay nhiều, tiền mặt hay hiện vật mọi người đều ấm lòng.