Phân làn giao thông: Được và chưa được

(Dân trí) - Những ngày đầu Hà Nội thực hiện việc phân làn trên một số tuyến phố, tuy giao thông vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lộn xộn nhưng bên cạnh những lời kêu ca, xu hướng chung của người dân là ủng hộ và mong muốn chủ trương đúng cần được thực thi đến cùng.

Phân làn giao thông: Được và chưa được - 1
Vẫn còn không ít người nghi ngờ vào tính khả thi của kế hoạch phân làn lần này của Hà Nội (ảnh minh họa: Quang Phong)

 

“Cách mạng” trên đường

 

Những người “bỏ 1 phiếu” cho chủ trương này vừa bày tỏ đồng tình, đồng thời cũng đề xuất thêm nhiều phương án rút ra từ thực tế lưu thông trên đường. 

 

“Trật tự giao thông cũng cần làm cách mạng, biện pháp phải quyết liệt, đủ mạnh để mọi người sợ và phải chấp hành. 10 người đã có tới hàng trăm ý khác nhau, cơ quan quản lý xoay làm sao được. Vậy nên, khi đã nghiên cứu kỹ và tiến hành, để mọi người chấp hành tôi đề nghị cứ phạt nghiêm và mạnh, chỉ mất tiền người ta mới chấp hành thôi. Bản thân tôi cũng đi xe máy và chấp nhận bị phạt nếu vi phạm, tuy nhiên gần 5 năm qua tôi chưa từng bị phạt bởi không vi phạm luật giao thông. Tôi ủng hộ phạt để lập trật tự” -  Vũ Thanh Tùng:  tungtvda@gmail.com nhấn mạnh.

 

“Việc phân làn đường là hết sức cần thiết. Vấn đề hỗn loạn khi bắt đầu phân làn  ở Hà Nội hiện nay là điều bình thường. Cần phải kiên nhẫn và tăng cường giáo dục ý thức giao thông, khép chặt kỷ cương giao thông một cách từ từ. Ở nước ngoài người ta làm rất tốt vấn đề này. Tôi ủng hộ việc phân làn đường” - Nghia:  nghiadôta@yaoo.com khẳng định.

 

“Xin góp ý: thực ra phân làn không phải là biện pháp mới, theo tôi biết thì đến 90% các nước trên thế giới đều đã và đang triển khai. Thế thì tại sao người Việt Nam lại không làm được? Tôi nghĩ cái chính là các cơ quan chức năng chưa cương quyết thôi. Mong các bộ trưởng đều cương quyết và mạnh tay như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ”-  Lo Van Duc:  duchssv@gmail.com góp ý.

 

 “Tôi ủng hộ việc phân làn xe, nhưng nên chọn tuyến có ít lối rẽ, sẽ ít đoạn trộn dòng. Còn việc phạt người vi phạm? Dân ta đã được tuyên truyền mãi rồi, nên tôi nghĩ có lẽ biện pháp tăng cường tuyên truyền chắc chẳng ăn thua gì đâu, mà cần áp dụng biện pháp mạnh hơn là phạt thật nặng. Đồng thời có lẽ cũng cần có biện pháp nào đó mạnh tay hơn nữa, để không còn cảnh “dân chủ quá trớn” khiến không ít người tham gia giao thông “nhờn luật” - Trần Phổ Lư:  tranpholu@yahoo.com.vn cũng đồng tình.

 

“Phải từ từ, giống như bắt nón bảo hiểm, đèn  xi nhan. Sau thí điểm đến xử phạt là sợ khiếp ngay thôi” - Trần Quang:  tranquang.hpxd@gmail.com nêu kinh nghiệm những lần thực thi các quyết định trước đây cũng trong lĩnh vực giao thông, lúc đầu cũng vấp phải không ít phản ứng nhưng cuối cùng cái đúng vẫn chiến thắng.

  

“Đi đúng luật. Theo luật giao thông đường bộ hiện nay : Vạch kẻ cách quãng các phương tiện đều được phép đè vạch, chuyển làn. Vì vậy sau khi đi đến vị trí có biển thì đi vào làn, sau đó lại chuyển làn ngay mà không hề phạm luật. Do đó các nhà quản lí cần thực hiện việc phân làn hợp lý hơn...” - Kien  tenluabi@yahoo.com.vn giải thích thêm. Trong khi Hoang:  hoangkph@gmail.com phê phán: “Nhiều người dân Hà Nội tôi thấy hình như rất tự phát... Cứ bị khép vào kỷ luật là phản ứng...”. Đồng thời, nick Head head_tigerpuma@yahoo.com cũng cho rằng: “Cứ lấn làn là phạt, xem có đâu vào đấy không? Đừng đổ tại nhiều lối rẽ, hãy tham khảo kinh nghiệm của TP HCM đi!”

 

Nick Datnp hieunp@yahoo.com.vn cương quyết: 

 

“Việc vi phạm giao thông trước tiên là do ý thức của người tham gia giao thông. Những người tham gia giao thông đi sai làn đường theo quy định thì phải bị xử phạt nghiêm. Việc này công an giao thông huy động lực lượng tập trung thực hiện trong một tháng thì người dân sẽ dần có ý thức thực hiện”.

 
Phân làn giao thông: Được và chưa được - 2
Phân làn nhưng nhiều người vẫn đi lấn làn (ảnh: Xuân Tùng, autovina.vn) 
 

Nên – Chưa nên?

 

Cũng còn không ít ý kiến hoặc phản đối, hoặc băn khoăn với lý giải hoàn cảnh VN khác các nước trên thế giới.

 

Một số bày tỏ một cách nhẹ nhàng, như Hoang Quyen ngocquyen521982@gmail.com:

 

“Tôi nhận thấy việc phân làn đường là một chủ trương rất đúng đắn. Nhưng trong giai đoạn này việc làm đó rất khó thực hiện được do cơ sở hạ tầng của chúng ta còn yếu kém. Hệ thống đường giao thông không đồng bộ, vì thế việc phân làn càng làm cho tình hình giao thông đã phức tạp nay lại càng phức tạp hơn. Mong các cơ quan chức năng trước khi ra quyết định cần phải nghiên cứu thật kỹ”.

 

Hoặc nick Biennt biennt.hut@gmail.com nói về bất hợp lý còn tồn tại:

 

“Theo tôi thì việc phân làn là chưa hợp lý. Bản thân tôi là người thường xuyên đi trên các tuyến này, tôi thấy rằng khi phân làn thì xe máy quá nhiều cùng với việc có nhiều  chỗ quay đầu xe dẫn tới chen chúc trên một con đường. Đấy là chưa kể xe buýt thường xuyên vào bến khiến những người đi xe máy như chúng tôi không thể tham gia giao thông thuận tiện được.  Kính mong cơ quan chức năng xem xét lại chủ trương trên”. 

 

Nhat Dinh nhatdinh60@vnn.vn nêu cụ thể:

 

“Tôi thường xuyên phải đi trên đường Đại Cồ Việt. Vừa từ hầm chui ra thì phải phân làn. Được 50m thì gặp một chỗ quay đầu. Phần lớn phương tiện rẽ vào Bách khoa cắt ngang. Đi tiếp 50m thì phải tìm cách lấn sang làn trái để rẽ sang Hoa Lư. Nếu cứ đi đúng làn thì chỉ có đi thẳng đến cuối đường, không thể rẽ cắt ngang đám ô tô được”.

 

Nick Lengkeng cafenong@gmail.com thắc mắc:

 

“Tôi thật sự chưa hiểu dụng ý của Sở GTVT khi phân làn các tuyến phố trên - các tuyến phố mà theo tôi biết hầu như không hề xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông. Bởi đó là các tuyến đường đôi rất rộng, năng lực giao thông rất tốt. Trong khi bản chất của việc tắc đường là do lượng người tham gia giao thông quá lớn, năng lực các tuyến phố không đáp ứng đủ. Làm vậy chẳng có tác dụng khi hiện tượng ùn tắc lại xảy ra ở Khâm Thiên - Chùa Bộc - Định Công....là các tuyến phố nối ra các tuyến phân làn trên.  Các bác ở Sở GTVT vui lòng chỉ giáo mục đích...”

 

Số khác vẫn giữ quan điểm cũ, như Linh linhhoang.vn@gmail.com cho rằng:

 

“Thực tế phân làn ở những tuyến phố Giải Phóng, Trần Khát Chân là sai lầm. Các cấp quản lý ở Hà Nội phân như thế tôi thấy là còn kém. Tuyến cần phân thì không phân, tuyến không cần thì phân... Ví dụ: các tuyến như Tôn Đức Thắng, Trường Chinh mới là các tuyến phố cần phân làn. Các bác nhìn tp HCM mà học tập. Ở Hà Nội thì các tuyến phố nhỏ mà ô tô vẫn đi cả 3 làn, chen lấn với xe máy. Ở tp HCM taxi và ô tô khi vào các tuyến phố này đều đi 1 làn, đến cuối ngã ba, ngã tư mới dám lấn sang khi rẽ vào phố khác, nên cho dù đường đông nhưng có bao giờ bị tắc nghẽn như ở HN”.

 

Nguyễn Văn Cảnh nnguyentuancanh@gmail.com không tin tưởng: 

 

“Ngày nào tôi cũng tham gia giao thông và cũng chứng kiến biết bao vụ tai nạn nên tôi hiểu. Có điều về phân làn tôi xin khắng định vào lúc này không thể thành công, nếu các cơ quan hữu quan không nhìn đúng sự thực. Đó là: cơ sở hạ tầng thì kém, đường bé tý mà lại phân làn thì càng phân càng tắc vì phải chờ kéo dài, còn đường nào thay thế? Tôi nghĩ là sẽ thất bại”.

 

Hoang Giang VNPT.Group:  dienbinphuvietnam@yahoo.com cũng nghi ngại:

 

“Thực tế ra thì từ trước đến giờ, "quy luật" giao thông ở Hà Nội là hết sức linh hoạt như "dòng chảy của nước" - tức là khi tắc đường, đường chật thì mọi khoảng trống đều có thể là lối thoát tắc đường. Tỷ lệ người dân đi xe máy rất đông nên không thể đứng nhìn đường ôtô vắng vẻ mà không dám đi. Lòng đường quá hẹp khi mà thành phố chưa kịp thu hồi lòng đường, vỉa hè cho nhân dân, nhất là cho người đi bộ. Có một cách duy nhất là dãn dân và đầu tư hạ tầng ra ngoại ô mà thôi! Bao nhiêu năm lòng đường vẫn thế, nhưng dân số tăng, xe cộ tăng......thì có phân làn nhiều năm vẫn không kịp”.

 

Bản thân tôi cũng tham gia giao thông vào lúc 6 giờ chiều trên tuyến đường Trường Chinh nối sang đường Láng, và thật sự ngạc nhiên xen lẫn niềm vui nho nhỏ trước thực tế: dù đường vẫn còn ùn xe ở một vài đoạn, nhưng do dòng xe ôtô đã chủ động nối đuôi nhau mà không dàn hàng 3, hàng 4 nữa, nên dòng xe máy đã có lối đi và “chảy” được nhanh hơn trước đây. Có thể nhận thấy: bước đầu rõ ràng đường đã thông hơn.

 

Vì thế, cá nhân tôi cũng rất đồng tình với nhận xét của bạn đọc Nguyen Viet Cuong  hoangtusao9x@yahoo.com:  “Mới vài ngày đầu phân làn thì hỗn độn như vậy là chuyện bình thường. Mình thường đi về trên tuyến đường Giải Phóng và thấy giao thông đã ổn định rất nhiều so với trước khi phân làn…” Cũng như phân tích của Quoc Hung  aladevn@yahoo.com” “Có thể việc phân làn chưa có hiệu quả, chưa khoa học và phù hợp với các tuyến đường đang thực hiện. Nhưng các cơ quan như Sở giao thông, công an giao thông...cần thực hiện triệt để và quyết liệt đối với ôtô. Rồi sau đó ý thức tham gia giao thông của các đối tượng khác sẽ có tiến triển tốt hơn”.
 
Và cũng rất mong VN ta sẽ theo được xu hướng phát triển chung của thời đại, để có thể làm được như mong muốn của Nguyen Thanh Binh  drbinhnhtd@gmail.com: “Cần xử lý nghiêm những trường hợp đi không đúng làn đường để kế hoạch phân làn đường thành công, hạn chế ùn tắc và tiến hành nhân rộng trên toàn thành phố”.

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm