Phản biện xã hội về Giá và Dự báo

(Dân trí) - Trả lời của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ điểm danh 4 “thủ phạm” chính gây nên sự tăng giá đột biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9. Điều này trùng với những gì bị dân ca thán nhiều nhất, song phản biện xã hội cho thấy những góc nhìn khác.

 (minh họa: thoibaonganhang.vn) 
 (minh họa: thoibaonganhang.vn) 
 

Dự báo để... “điều hòa” giá?

 

Lý giải về khoảng cách khá xa trong cách nhìn nhận vấn đề Giá và Dự báo nói riêng, cũng như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế nói chung, đa số ý kiến người dân đều bày tỏ nỗi thất vọng bởi khoảng cách giữa lời nói với việc làm thực tế nhìn chung vẫn chưa là một. Hơn nữa, khi kết quả không được như mục đích đặt ra, cách lý giải của các giới chức (kênh chính thống) thường vẫn hoặc là rất chung chung, hoặc là viện dẫn ra rất nhiều chỉ số không khác gì đẩy người tiêu dùng (dân “ngoại đạo”) vào… mê hồn trận.

 

“Khi ông Vương Đình Huệ lên nhậm chức BT Tài chính và nghe những lời phát biểu của ông, tôi đã nghĩ chúng ta có hy vọng cho nền kinh tế. Thế nhưng rồi thời gian dần qua đi và tôi càng thất vọng nhiều hơn. Tất cả những gì BT đã nói thì nhân dân đều nghe thấy, còn những gì BT đã làm thì chưa ai thấy được hiệu quả thiết thực gì. Tôi nhớ vào cuộc họp báo ngày 21/9 năm ngoái, BT đã nói là có kế hoạch kiểm toán về xăng dầu. Nhưng cho đến thời điểm này thì những con số kiểm toán của Bộ Tài chính vẫn chưa công khai và nhân dân vẫn chưa ai biết được cả. Vậy kính thưa BT, ngài thử nói xem người dân chúng tôi còn biết đặt niềm tin vào đâu nữa?” - Phongnv:  phongnv187@gmail.com

 

“Thất vọng về những chia sẻ của BT Huệ. Tôi nghĩ, bây giờ có lẽ không phải là lúc thích hợp để BT phân tích và kể ra các chỉ số. Mà điều quan trọng là BT tỏ rõ được sự  quan tâm đến cơ chế điều hành giá sao cho hiệu quả thiết thực. Theo tôi biết thì giá được vận động và hình thành theo cơ chế thị trường, và có lẽ không có quốc gia nào lại sinh ra Tổng Cục Giá trực thuộc Bộ Tài chính như ở Việt Nam. Để rồi người dân lại thấy hình như cơ quan nhà nước toàn giải thích hỗ trợ giúp doanh nghiệp về đà tăng giá… Điều này, theo tôi thấy, là đi ngược lại với quy luật và mục tiêu "vì dân phục vụ”.. Còn nhiều điều muốn nói, tuy nhiên tôi đành chỉ dừng lại ở đây thôi, thưa BT Huệ” – Song bien Xuan Son:  lanh.vu1512@gmail.com

 

“Nghe BT Huệ trả lời, người dân càng thấy lo. Hóa ra do BT Huệ không biết trước CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 7, 8 là âm nên không tăng giá xăng dầu, điện, thuốc...? Nếu BT biết thì chắc giá điện, xăng dầu... đã được tăng từ trước rồi hay sao. Và từ nay về sau BT sẽ rút kinh nghiệm: cứ tháng nào CPI thấp thì lại cho tăng giá các mặt hàng nói trên để "điều hòa giá"ư?” - Dân Bình:  minhsnb7@gmail.com

 

“Cái người dân quan tâm ở đây không phải là dàn việc tăng giá đều ra các tháng, mà  là BT nên điều hành làm sao cho giá cả đừng tăng nhiều quá để người dân đỡ khổ. Chứ lạm phát 3 tháng dàn đều ra hay chỉ trong 1 tháng thôi đã cao hơn lạm phát cả năm của nhiều nước khác, thì tăng một tháng hay dàn đều ra các tháng thì dân cũng vẫn phải khổ như thế mà thôi” -  Nhâm Tuấn:  nhamtuan08@yahoo.com
 
(minh họa: Xangdau.net)
(minh họa: Xangdau.net)
 

Mức lương và giá xăng

 

Cái nhìn của người dân nói chung cũng rất khác về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, dù BT Huệ lý giải việc này đã được áp dụng phổ biến trên thế giới, đồng thời cho hay: Bộ Tài chính đang rà soát lại toàn bộ các loại thuế, phí cho sát với thực tế. Vấn đề được phía người tiêu dùng nhấn mạnh là sự điều hành làm sao để thực sự vì lợi ích của đại đa số nhân dân và phù hợp với tình hình thực tế của VN.

 

“Riêng tôi phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Vì nếu chỉ dựa vào tính không tái tạo của xăng dầu thì điện, than, đều là các sản phẩm tạo ra từ tài nguyên không tái tạo. Đó là môi trường, tài nguyên. Năm xưa, khi còn chiến tranh, tôi cảm nhận rất rõ tính đặc biệt của mặt hàng xăng dầu, người ta dành dụm từng ml để dùng cho bật lửa… Nhưng nay nó là mặt hàng thiết yếu giống như cơm gạo. Xin đừng cứ biện hộ  như thế nữa, mà nên bỏ loại thuế đó đi vì theo tôi thì nguyên lý thuế không cho phép làm như vậy đâu” - Phung Thanh Quan:  gick.v@yahoo.com

 

 “Xin hỏi BT là các cán bộ nhân viên trong Bộ TC làm gì mà không rà soát các loại phí, thuế cho sát với thực tế, để đến tận ây giờ vẫn… đang rà soát?? Mọi cái đã có văn bản, có bộ phận phụ trách cả rồi, quan trọng là làm sao điều hành cho linh hoạt và đúng là vì lợi ích của đại đa số người dân. Tôi nghi vẫn còn những điều khuất tất trong công tác điều hành giá cả thị trường…” - Minh Khôi:  minhhai19772000@yahoo.com

 

“Kính gửi BT Vương Đình Tuệ! Tôi thấy BT nói như vậy không thuyết phục lắm, có phần còn đùn đẩy trách nhiệm. Dự báo tài chính và tình hình nói chung không ảnh hưởng nhiều đến những gia tăng của chỉ số trong vòng quý III, mà là giá xăng dầu lại tăng 1 cách đột ngột và quá ngưỡng chịu đựng của người dân? Mong BT nên cân nhắc lại và xem lại cơ chế quản lý xăng dầu. Mỗi nước đều có 1 lộ trình phát triển khác nhau, cuộc sống của người dân cũng vậy. BT đừng luôn so sánh với những nước có cấu trúc xã hội khác VN để mang về áp dụng trong nước. Mong BT xem xét lại” -  Nguyen Vu:  trannguyenvu581985@gmail.com

 

“Sao cứ lấy VN so sánh với các nước ở phát  triển hơn nhỉ? Sao không so sánh với các nước kém phát triển hơn đi cho công bằng. Đây là kiểu nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì cũng thấy còn nhiều người chưa bằng mình” - Sơn: sontrananhmta@gmail.com

 

“Tôi nghĩ, bao giờ bỏ được cái gọi là "điều chỉnh giá" của các bộ ngành và xóa bỏ các "quả đấm thép" được tạo ra để giảm mức tối đa cách điều hành THỊ TRƯỜNG, mà như tôi nhận thấy vẫn theo kiểu "thời bao cấp", gián tiếp bớt đi sự "xin cho, độc quyền của DNNN..." thì người dân mới hy vọng được "hưởng" giá hàng với đúng giá trị của nó. Còn cứ khư khư ôm giữ "trách nhiệm" điều chỉnh giá cả các mặt hàng "thiết yếu" như hiện nay, thì chỉ tổ "nâng giá" chính các mặt hàng đó thôi!

 

Lấy ví dụ đơn giản: giá xăng được "điều chỉnh" từ "quỹ bình ổn", thử hỏi quỹ bình ổn là do ai đóng góp nếu không phải người dân? Người dân "góp tiền" không lãi suất hàng tháng cho "doanh nghiệp", để đợi khi nào liên Bộ TC-CT "quyết định" mới được "hưởng" chính cái tiền mình "tự nguyện" cho doanh nghiệp "vay" không lãi? Có lẽ không có nước nào làm như vậy đâu, mà đây theo tôi hiểu chỉ là một hình thức "rút ruột" thêm từ người dân một cách tinh vi, để làm giàu cho các doanh nghiệp độc quyền thôi.

 

Chẳng có gì hay ho cả, nếu các vị thực sự "mong muốn" vì dân, thì hãy học tập các nước có sản xuất dầu thô như ta (ví dụ Indonesia, Brunei...) họ trích lợi nhuận từ bán dầu thô để hỗ trợ giá giá xăng dầu trong nước. Họ không "sợ" chảy máu dầu ra nước ngoài (như các giới chức của ta vẫn lo). Và cuối cùng là dân họ được hưởng lợi thực sự, nền kinh tế của họ phát triển bền vững hơn của ta nhiều..." - Nguyen Trung Truc:  nguyenTT@yahoo.com

 

“Thưa BT!  BT đem giá xăng VN so với giá xăng hiện tại của các nước lân cận thì có thấy … đau lòng cho dân chúng tôi lắm không? Trong khi phần lớn công nhân VN làm việc tại các thành phố lớn đồng lương một ngày 8 giờ làm việc chưa mua được 3 lít xăng, vậy BT xem có nước nào trên thế giới này có mức lượng tệ hơn VN không  và trong khi xăng dầu là huyết mạch nền kinh tế” – nick Tuyệt vọng: Phamtanphuoc2000@yahoo.com

 

"Giá tăng cao do công tác dự báo chưa tốt" – Tôi thấy đây là câu trả lời khập khễnh và còn bao biện. Việc định giá và điều chỉnh đều từ Bộ Tài chính, không điều chỉnh được mà cứ trả lời bao biện thế thì thật là thiếu trách nhiệm” - Trung: Trungquan@gmail.com

 

Xem ra khoảng cách trong cả nhận thức và tư duy giữa hai bên tạm gọi là “chính thống” với “ngoại đạo” không những không hề được khép dần lại, mà có vẻ như ngày càng xa hơn. Mà sao không thế được, khi giá cả thì hầu như chỉ có một chiều đi lên, trong khi chất lượng công tác dự báo (theo nhận xét của nhiều người) gần như vẫn chỉ dừng ở mức giải thích cho những gì đã diễn ra theo những cách... cực kỳ khó hiểu!
 

Khánh Tùng