"Ông" phường và tờ A4 cấm quán

Bất ổn, ở chỗ một văn bản cầm đèn chạy trước ôtô vi phạm nghiêm trọng tình tự thẩm quyền như thế vẫn được dễ dàng ban hành.

Ông phường và tờ A4 cấm quán - 1

Tình trạng ngăn sông cấm chợ rất dễ quay trở lại mặc dù Thủ tướng liên tục yêu cầu không thái quá, không ngăn sông cấm chợ trong phòng chống dịch. Ảnh: Đổ đất cấm đường ở Quảng Ninh trong đợt dịch tháng 4.2020.

UBND một phường ở Nha Trang, đàng hoàng triện dấu yêu cầu tạm dừng tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Văn bản chính sách tác động đến kinh tế, đến sinh kế người dân lại chỉ do một phó chủ tịch cấp phường ký.

Báo Pháp luật TP dẫn lời Chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà cho biết, đã chỉ đạo UBND phường Vĩnh Nguyên thu hồi thông báo Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết từ 0h ngày 2.8 đến khi có thông báo mới.

Lý do thu hồi: Đây là văn bản không đúng quy định. Và UBND TP.Nha Trang chưa ban hành văn bản nào yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết.

Một “tờ A4 cấm quán” - như cách nói của dân, đang chứa đựng quá nhiều bất ổn, đang tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ.

Bất ổn, ở chỗ một văn bản cầm đèn chạy trước ôtô vi phạm nghiêm trọng tình tự thẩm quyền như thế vẫn được dễ dàng ban hành.

Bất ổn, ở tư duy cấm đoán mà nói vì trách nhiệm thật ra là cách bao biện cho sợ trách nhiệm.

Bất ổn, ở sự máy móc, chưa thật sự cần thiết, dù với lý do chống dịch tốt đẹp đến mấy đi chăng nữa.

Trên tất cả, đây là một quyết định tác động chính sách, gây ảnh hưởng tới không ít người dân, gây hậu quả ngay lập tức về kinh tế và sinh kế... nhưng được ký ban hành từ một cấp hành chính bé nhất là cấp phường, thậm chí do một phó chủ tịch ký.

Hãy cùng nhớ lại trong đợt dịch lần trước, một chính quyền cấp xã đã đàng hoàng hoành tráng ra quyết định xử phạt 3 người ngồi trên cabin ôtô dù là xe chở nhu yếu phẩm vì lý do: “Vi phạm các biện pháp bảo vệ cá nhân (chở 3/2 người trên cabin xe)”.

Trong buổi họp báo hôm 3.8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu: Chống dịch nhưng phải tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hoá. Không được có bất cứ sự hạn chế nào. Không vì kiềm chế dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là quan điểm quyết liệt của Thủ tướng”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong đợt dịch bệnh lần trước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh chỉ đạo: Cách ly xã hội không phải là phong toả, không phải là ngăn sông cấm chợ, không được cấm người dân đi lại.

Dịch đang lây lan ở mức độ không ít nghiêm trọng với hơn 652 ca dương tính, 7 ca tử vong, hơn 130.000 người phải cách ly và tự cách ly tính đến sáng nay (4.8).

Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là lý do cho những tờ A4 của từ các “ông phường” nhất là khi những quyết định ấy ngay lập tức tạo ra sự đình trệ, tê liệt gây tổn thương nặng nề đến nền kinh tế và sinh kế của người dân.

Dừng, cấm... bao giờ cũng là biện pháp an dễ nhất, an toàn nhất... nhưng chỉ dễ, chỉ an toàn cho người ban hành chứ không phải cho người chịu tác động là dân chúng, là doanh nghiệp, là nền kinh tế.