Ông ấy nói...!?
Không phải chỉ diễn thuyết “chém gió” hay là được nhân dân nghe. Cán bộ, đảng viên phải là tấm gương mẫu mực về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Nói đi đôi với làm” là có sức thuyết phục nhất để dân tin và làm theo.
Minh họa: Ngọc Diệp Tôi được nghe rất nhiều buổi diễn thuyết, dự nhiều hội nghị, hội thảo, khi được nghe người chủ trì kết luận, người thì nhẹ nhàng đi thẳng vào vấn đề; người thì “chém gió” phần phật với những ngôn ngữ “đao to, búa lớn” mà người nghe cho rằng “sáo rỗng”. Lại có người cứ nói mãi một sự việc mà ai cũng biết, làm cho người nghe nhàm chán, than vãn: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Có vị đưa ra kết luận thì người ta bảo: “Nói lấy được!”. Thế mới biết, ở cái thời buổi dân trí cao, thông tin bùng nổ đòi hỏi cán bộ, nhất là người cán bộ lãnh đạo phải đi sâu, đi sát thực tế, nghe nhiều chiều, phân tích lý giải một cách khách quan, khoa học thì cán bộ và người dân họ mới nghe và làm theo. Có “sếp” huấn thị thanh niên phải dấn thân “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ai cũng khen “sếp” nói lôi cuốn, như truyền lửa cho thanh niên, lập tức họ lên đường đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo để cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc và nhân dân. “Sếp” nói thì hay vậy đấy! Nhưng hỏi ra thì mới biết, “sếp” có hai con vừa xin làm việc ở ngành Hải quan và ngành Thuế! Lại có “sếp” trong một cuộc họp cơ quan quán triệt một cách sâu sắc, từ nay trở đi, dứt khoát phải tuyển dụng những người có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Cứ như lời “sếp” chỉ đạo thì cơ quan ta sẽ là “vườn ươm” nhân tài là cái chắc! Đùng một cái, “sếp” cho tuyển dụng một cô thư ký vừa tốt nghiệp trường múa,"đường cong mềm mại", lại có cặp mi giả dài và cong như mái đình cổ. Cô thư ký chỉ có nhiệm vụ cùng “sếp” tiếp khách và chúc rượu. Khi “sếp” mệt mỏi, thì đấm lưng và xoa bóp vùng gáy để “sếp” thấy thoải mái, sảng khoái làm việc có hiệu quả hơn. Từ khi “sếp” có thư ký mới, phải gần hai tháng sau, tôi mới có dịp vào phòng làm việc của “sếp” để trình ký, lướt nhanh trên bàn làm việc thấy có mấy hộp thuốc “Sâm nhung bổ thận Trung ương 3” chồng lên nhau. Tại hội thảo “bàn tròn” với chủ đề: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có ông cán bộ “to lắm” lên phát biểu định hướng: Một yêu cầu cấp bách để sản xuất hàng hóa trong nước phát triển thì người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đúng quá! Chuẩn như “sách giáo khoa”. Kết thúc bài phát biểu hùng hồn, ông đến bàn chúng tôi ngồi, bắt tay thân mật mọi người. Nghe bài phát biểu như rút từ “gan ruột” của ông, tôi mường tượng rồi đây, sự phát triển sản xuất hàng hóa trong nước sẽ “tuôn trào” như thác nước sông Đà. Chúng tôi rất vui được nâng ly rượu vang chúc mừng diễn thuyết hay của ông. Nhấp ly rượu, ông trừng mắt: -Các cậu cho tớ uống gì mà chua “loen loét” thế!? -Rượu vang Đà Lạt ạ! -Tớ toàn uống Chivas 21 năm trở lên, “xách tay”! Lại nghe mấy bác ở hạt kiểm lâm tuyên truyền về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ động, thực vật quý hiếm cũng “hot” ra phết. Nào là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, biết khai thác rừng hợp lý thì rừng phục vụ rất đa dạng cho đời sống nhân dân; ngăn chặn lũ lụt, điều hòa khí hậu; bảo vệ động, thực vật quý hiếm, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Thế mà, các “bợm nhậu” lại kháo nhau: Muốn xài “hàng độc”, quý hiếm, cứ hỏi mấy bác hạt kiểm lâm. Nghe mấy tay thuộc giới “thạo tin” rỉ tai: Mấy bác cán bộ hô hào tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng mấy bác “xài” dữ lắm, toàn tôm hùm, cầy hương, rượu Tây “xách tay” đắt tiền cả. Mỗi bữa “nhậu” tốn hàng chục triệu đồng. Ngồi “nhậu” còn có mấy em xinh tươi chăm sóc chu đáo, lại còn hát cho nghe mấy bài “Quan họ”. Tiền “bo” cho các em cũng đậm đà ra phết!. “Nhậu” xong đến “bác Tài Thu, ngâm thuốc Bắc”, giải rượu, lại “đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”. Ngày mai lại có “bài giảng” về tiết kiệm!. Mấy bác nông dân, trong cơ chế thị trường, cũng phải tính chuyện làm ăn “nhớn”. Ở giáp nhà nhau, bácTuânsang nhà bácCầuchơi để bàn tính chuyện sắp tới phải chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng sao cho hiệu quả. Ngồi trên phản nhà ông Cầu, với cút rượu "quốc lủi”, đồ nhắm chỉ có đĩa lạc rang, “khề khà”, nhâm nhi chén rượu quê, hai bác tính chuyện đột phá làm ăn lớn. Hai bác vừa tính chuyện làm ăn, vừa vung tay “chém gió” phần phật: Phải thu tiền tỷ ấy chứ! Nghe bác Cầu nêu vấn đề, bác Tuân vung tay dứt khoát: -Chuyến này tôi và ông phải ra tay cho thiên hạ biết mặt hai thằng ở cái làng Đại này chứ! Bác Cầu: - Đúng rồi! Chuyến này đôi ta phải đấu thầu với xã mấy chục ha đất để nuôi mấy nghìn con cá trắm cỏ, tiền tỷ đấy ông ạ! Trong đầm thì trồng lúa “ngoi” để cho cá ăn và thu hoạch được thêm ít thóc. -Tôi sẽ thả vào đầm mấy nghìn con vịt Vân Đình. Nghe đến việc thả vịt vào đầm, bác Cầu tức quá, đứng phắt lên chỉ vào mặt bác Tuân: Ông định phá tôi đấy à!? Thế là cuộc khẩu chiến giữa hai bác làm ăn “nhớn” bắt đầu! Bỗng nghe tiếng “loác quác” ở đầu ngõ, bác Cầu liền đứng phắt dậy: -Giải tán, giải tán ngay, “mẹ Đốp” đi chợ về! Mấy tuần nay, ở đâu cũng nghe người ta bình luận về ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ từng “chém gió” tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực. Nghe ông Truyền tuyên chiến, thì cái đám “chuột, sâu” chết hẳn rồi! Chỉ khi báo chí phát hiện, phanh phui những tiêu cực trong lĩnh vực nhà đất và đề bạt cán bộ trước lúc nghỉ hưu của ông Truyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã vào cuộc và có thông báo kết luận dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà đất và đề nghị thu hồi 01 thửa đất, 04 căn nhà và 01 biệt thự tọa lạc ở vị trí “vàng” thuộc tỉnh Bến Tre và TP. Hồ Chí Minh. Những vi phạm của ông “quan” đứng đầu một trong những cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực đã thiếu gương mẫu, lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để sở hữu nhiều tài sản bất chính, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng và Nhà nước.Đấy là điển hình của những cá nhân “nói một đằng, làm một nẻo”. Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta là tấm gương điển hình mẫu mực về “nói đi đôi với làm”. Khi đến thăm nhà máy, xí nghiệp, đầu tiên Bác đi kiểm tra bếp ăn, chỗ ở của người lao động. Bác đi gặt lúa, chống hạn cùng đồng bào. Khi phát biểu hoặc viết báo, Bác nói và viết ngắn gọn, súc tích, văn phong giản dị, ai cũng hiểu và thực hiện được. Bác ân cần thăm hỏi các cụ già, tiếp các cháu nhi đồng gần gũi, ân tình và ấm áp. Cả cuộc đời Bác chăm lo đất nước và nhân dân, chỉ có một ham muốn tột bậc: Ai cũng có cơm no, áo ấm và được học hành. Bác đâu có biệt thự, xe ô tô đắt tiền. Bác ở nhà sàn đơn sơ, đi dép cao su, mặc áo nâu, “mong manh áo vải hồn muôn trượng”. Vĩnh biệt thế giới này, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một tấm gương mẫu mực về đạo đức, tác phong, nhân cách và một tình yêu bao la! Chúng ta mãi mãi khắc sâu lời dạy của Người: “Trước mặt quần chúng không phải ta viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”./.
|