Nút thắt Thuế - Lương – Tiền càng gỡ càng rối

(Dân trí) - Đề xuất của Bộ Tài chính giảm lương cơ bản 100.000 đồng tuy đã không được Chính phủ chấp thuận, nhưng điều bị đông đảo người dân coi như “hạ sách” này một lần nữa lại khuấy đảo dư luận vốn rất nhạy cảm với những “điểm nóng” như Thuế – Lương – Tiền.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Vòng luẩn quẩn

 

Ngân sách bị thâm hụt tới mức khiến cân đối thu chi ngân sách khó khăn ra sao, tuy không hiểu được tới ngọn ngành nhưng là người dân thì ít nhiều ai cũng có thể đoán được tình thế, nhất là qua kiểu cách “toàn tăng” của các bộ ngành: hết  TĂNG GIÁ các mặt hàng lại tới TĂNG THU từ dân lâu nay.  Kết quả là cuộc chiến LƯƠNG đuổi theo GIÁ mãi vẫn chưa tới hồi kết, nhưng để lý giải nghịch lý này thì vẫn còn khoảng cách xa vời vợi giữa điệp khúc của các “ông Bộ” với góc nhìn sát thực tế của người dân.

 

“Ai chả muốn tăng lương? Bộ Tài chính căn cứ vào tình hình tài chính mà đề xuất thôi.... Phải liệu cơm mà gắp mắm, các bác ạ. Tôi chỉ sợ mai mốt vỡ trận ngân sách thì...!!!” - Nghiem: nghiem@yahoo.com

 

“Đây cũng là một ý kiến giúp tăng thu ngân sách, có điều đối tượng hướng tới thực sự không phù hợp. Để ổn định thì lợi ích chung phải được đặt lên hàng đầu” - Hai Anh:  haianhkt@yahoo.com

 

“Đề xuất giảm lương đúng là bị dân phản ứng dữ dội, nhưng tôi thấy nó phản ánh sự thất bại về kinh tế, bế tắc về điều hành và giải pháp tiếp theo. Ai chẳng biết đã khó khăn thì phải tiết kiệm, nhưng chẳng bộ ngành, địa phương nào chịu tiết kiệm cả. QH lại không cho vay, Bộ TC không cân đối được thu chi…” - Dinh Tuan:  daodinh_tuan@yahoo.com.vn

 

“Tăng hay giảm đối với chúng tôi không quan trọng, mà quan trọng là giá tiêu dùng như thế nào: điện, nước, xăng dầu, dịch vụ… Lương tăng một, giá tăng mười… Cầu Trời đừng tăng lương!” - Méo mặt:  meomat99@gmail.com

 

“Tôi không đồng tình với BT Tài chính. Vẫn biết tình hình kinh tế cả thế giới khó khăn, không riêng gì VN. Nhưng rất nhiều nguồn tài chính bị chi không hợp lý và lãng phí” - Minh Khôi:  duongvietduc@gmail.com

 

“Bộ Tài chính nên đánh giá xem 1 năm ngân sách Nhà nước thất thu bao nhiêu nghìn tỷ liên quan đến quản lý của Bộ, rồi lúc đó hãy nghĩ đến các biện pháp khác. Việc quản lý giá hiện nay cũng rất kém. Dư luận cứ bàn nhiều về giá điện, giá xăng dầu… chứ theo tôi giá các mặt hàng khác còn nóng hơn nhiều mà Nhà nước không quản lý được như: giá sữa, giá thuốc, giá hàng tiêu dùng, thực phẩm” – Huy Quang: huylc49@gmail.com

 

“Chẳng hiểu các Bộ bây giờ thế nào nữa, hay cứ ngồi nghĩ quẩn? Đất nước ngày càng cần phải tiến lên, nhưng giá các mặt hàng vẫn không ngừng tăng. Bộ LĐTBXH thì đề xuất lộ trình tăng lương, vậy mà Bộ Tài chính lại đề xuất giảm lương? Hay như Bộ  Y tế vừa sử dụng từ khác thay cho sữa,  ngay lập tức Bộ Tài chính nói vậy thì không được diện bình ổn nữa, thế là giá sữa tăng vùn vụt…. Dân chẳng hiểu bây giờ các bộ, các ngành thế nào nữa. Cứ nói, rồi làm dân kêu, báo đăng rồi lại đi sửa??? Thật là một cái vòng luẩn quẩn... Mong rằng Chính phủ chỉ đạo khắc phục tình trạng này ngay, cán bộ nào yếu kém về trình độ thì cho nghỉ luôn…” - Trịnh Công Quỳnh:  quynhdieptbr@gmai.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Gỡ vào, tháo ra

 

Có thể nói vậy mà cũng không hẳn là vậy, bởi nút thắt vấn đề ở đâu chắc hẳn các nhà chuyên  môn phải rõ hơn ai hết. Nhưng lúc nào cũng thấy các ông bộ, ông ngành than khó khăn, phức tạp…để… gỡ vào. Trong khi dân người trần mắt thịt, lại thấy chẳng thiếu gì cách tháo… ra:

 

“Đúng như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và BT Thăng nói: chỉ cần rà soát và chấn chỉnh lại công tác ở ngành Thuế mà trọng tâm là con người, chắc chắn nguồn thu sẽ tăng lên đáng kể. Lúc đó chắc sẽ không còn ý tưởng giảm lương cơ bản nữa đâu, ông Bộ Tài chính ạ!” – Lê Tân:  letan@yahoo.com.vn

 

“Nạn tham nhũng trong một số bộ ngành dẫn đến việc thất thu thuế, bây giờ hậu quả đã ảnh hưởng đến đời sống của những người hưởng lương, không lâu sau sẽ ảnh hưởng đến đời sống chung trong xã hội. Hậu quả là xã hội sẽ xuất hiện sự phân hóa chênh lệch giàu – nghèo cao hơn, từ đó sẽ dẫn đến phân hóa giai cấp, từ phân hóa giai cấp sẽ dẫn đến mâu thuẫn giai cấp, từ mâu thuẫn giai cấp dẫn đến xung đột giai cấp..... Tiếp theo là những hậu quả gì nữa thì chắc ai cũng biết. Xin hãy mạnh tay với tham nhũng, kinh doanh trốn thuế, buôn lậu.... để giữ lấy chế độ ta, đất nước ta!” - Nguyễn Xuân Trường:  xuantruongsoctrang@gmail.com

 

“Bộ Tài chính không làm tốt chức trách của mình trong việc quản lý ngân sách, quản lý cán bộ ngành Thuế. Dẫn đến tệ tham nhũng, thất thu thuế…Tôi được biết rất nhiều cán bộ đi thu thuế  môn bài vòi vĩnh ra mặt, nhận đút lót để cắt giảm thuế vô tội vạ, dẫn đến thất thu thuế... Nay BT lại đề xuất giảm lương tối thiểu? Làm cán bộ lãnh đạo mà không góp phần đưa xã hội tiến lên được thì thôi, cũng đừng khiến xã hội thụt lùi...” -  Pham Van Quyen:  vanquyen@yahoo.com.vn

 

“Đúng! Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và BT Thăng nói đúng đấy. Ngoài DN thì ngành Thuế còn bỏ qua cả nhiều hộ kinh doanh lớn. Số thuế thất thoát mỗi năm ước tính hàng chục ngàn tỷ đồng ấy chứ. Mấy tỉnh Đắk Lak, Gia Lai mất thuế GTGT chủ yếu của cà phê, hồ tiêu do cán bộ thuế thiếu trách nhiệm hoặc thông đồng chia thuế...” - Hai Lúa:  conchimdongque@gmail.com

 

“Quan trọng nhất là chống được cái lãng phí. Ví dụ như là 1 cơ quan phải giảm biên chế 30% lao động đang đến cơ quan chỉ vào mạng đọc báo và đi uống cà phê là khả thi nhất” - Phan Giang Nam: phangiangnam72@gmail.com

 

Vẫn chuyện chỉ có ở VN, càng nói “tháo gỡ” càng… rối như canh hẹ!
 
Kiều Anh