Nuôi thiện, diệt ác
Khi mà người lớn tìm mọi cách để đục khoét tiền của Nhà nước, lừa đảo mọi người, lý nào con cháu họ không trở thành những kẻ từ trộm vặt của gia đình đến cướp tài sản ngoài xã hội?
Thiện lương hay ác quỷ chỉ cách nhau một chữ niệm. Khi lòng nhân không được chăm sóc, nuôi dưỡng thì tà tâm sẽ lập tức lộng hành. Đó là nguyên nhân phát sinh phường trộm cướp, đạo tặc giết người không gớm tay vì dục vọng bản thân.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt được cả hai nghi phạm liên quan đến vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại huyện Thường Tín.
Tại CQĐT, các nghi can khai chỉ vì một chiếc điện thoại nên đã ra tay sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng. Sau khi giết chết cô gái và đẩy xác xuống sông, ngoài chiếc điện thoại chúng còn lấy luôn chiếc xe đạp điện mang bán được hơn 3 triệu đồng, rồi mua ma túy sử dụng và chia nhau.
Thực ra theo lời khai, lúc đầu chúng chỉ có ý định cướp chiếc điện thoại mà nữ sinh đang dùng, nhưng sau khi giết nữ sinh thì “tiện tay” lấy luôn chiếc xe đạp điện.
Vậy là chỉ vì một chiếc điện thoại giá trị không nhiều, chúng sẵn sàng tước đi mạng sống của một thiếu nữ trẻ chưa đến tuổi đôi mươi. Dư luận xã hội hết sức căm phẫn, đòi hỏi phải có bản án thích đáng dành cho những kẻ lòng lang dạ sói, gây ra tội ác trời đất khó dung này.
Tất nhiên, những kẻ mặt người dạ thú này có chết cũng không đền hết tội. Song, cũng cần biết đâu là nguyên nhân dẫn đến hành vi nhẫn tâm tàn ác của chúng, ngõ hầu có thể hóa giải, tránh những vụ án đau lòng tương tự có thể xảy ra.
Theo tình tiết vụ án, cả hai nghi can đều là đối tượng nghiện ngập ma túy, do không có tiền để thỏa mãn cơn nghiện nên chúng rắp tâm phạm tội khi có cơ hội.
Trong trường hợp này, chúng sẽ không có cơ hội sát hại nữ sinh nếu như em không ở một mình nơi vắng vẻ ít người qua lại. Chúng cũng sẽ không nảy sinh ý đồ cướp nếu như không thấy nữ sinh đang cầm chiếc điện thoại có thể “quy ra” ma túy.
Quan trọng hơn, nếu nữ sinh từng được trang bị kỹ năng để đối phó với những tình huống khẩn cấp này, ngoan ngoãn đưa điện thoại cho chúng, có lẽ mọi sự đã khác.
Song, giờ có nói gì cũng đã muộn, nữ sinh vừa mới bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học, cánh cửa cuộc đời vừa mới rộng mở trước mắt thì em đã phải vĩnh biệt cuộc sống đầy tươi đẹp này. Các nghi can thì cũng đã xộ khám chờ ngày nhận bản án thích đáng dành cho chúng.
Song, nỗi đau thì vẫn còn đó, không chỉ của riêng gia đình, người thân, bạn bè, thày cô giáo của nữ sinh, mà còn là nỗi đau của toàn xã hội.
Nhiều người cho rằng, nếu hai nghi can trên không nghiện ngập ma túy, có lẽ chúng đã không nảy sinh ý đồ giết người, cướp tài sản.
Sai, hoàn toàn sai! Khi dục vọng đã làm mờ mắt, sức mạnh đồng tiền đã chế ngự trong tâm thì dù có nghiện ma túy hay không chúng vẫn sẽ cướp tài sản và vẫn sẵn sàng giết người nếu có nguy cơ bị lộ. Vấn đề ở đây chính là ác niệm vốn đã lấn át thiện tâm trong con người chúng từ lâu.
Trong mỗi con người luôn tồn tại cả thiện và ác, nếu cái thiện được chăm sóc, nuôi dưỡng thì cái ác sẽ bị loại trừ. Ngược lại, nếu thiện tâm không được quan tâm vun trồng thì ác niệm sẽ có cơ hội trỗi dậy chế ngự con người.
Vậy nên, hành vi của mỗi người trong xã hội là thiện hay ác vốn không phải phát sinh tức thời, mà đã được hình thành trong quá trình sống, nó chính là nhân cách của mỗi người trong xã hội.
Là con người ngay thẳng, chính trực, hay cơ hội, xảo trá, lưu manh... đều phụ thuộc vào quá trình dạy dỗ, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Khi một người từ lúc sinh ra đã được nuôi dưỡng trong một môi trường thiện lành, luôn được nghe và thấy những điều hay, việc làm tốt, đương nhiên sẽ có nhân cách cao thượng, trong sáng. Còn nếu chỉ toàn những lời dối trá, cách hành xử lưu manh, nhân cách sẽ bị lệch lạc.
Khi bố mẹ, anh chị luôn tìm cách vơ cái lợi về bản thân, không quan tâm người khác ra sao, lẽ nào con em họ lại có thể nhường ghế cho người già, phụ nữ, người tàn tật khi đi xe buýt?
Khi mà người lớn tìm mọi cách để đục khoét tiền của Nhà nước, lừa đảo mọi người, lý nào con cháu họ không trở thành những kẻ từ trộm vặt của gia đình đến cướp tài sản ngoài xã hội?
Khi mà bố mẹ hành hạ, ngược đãi ông bà, con họ tất nhiên sẽ có máu lạnh sẵn sàng đâm chém ai dám ngược ý chúng.
Vậy nên, nếu mỗi người trong xã hội không tích cực nuôi dưỡng thiện tâm, diệt ác niệm thì vẫn sẽ xảy ra những vụ việc đau lòng như vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng.
Thiện tâm ở đây không phải là cái gì đó to tát, ghê gớm như là phải đóng góp tiền làm từ thiện, hay quyên góp được hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ người nghèo, nạn dân bão lũ. Thiện tâm chỉ đơn giản là những việc nhỏ như giúp đỡ một cụ già qua đường mà thôi.
Khi mà thiện tâm được bồi dưỡng, chăm chút từng ngày thì nó sẽ lớn dần để có thể đủ mạnh lấn át, chế ngự tà tâm. Nếu từ nhỏ đã có ý thức vì mọi người, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, tất nhiên lớn lên sẽ trở thành người tốt không cần phải bàn cãi.
Càng nhiều người tốt thì sẽ càng ít tội phạm, điều đó chẳng đúng sao? Vậy nên chúng ta hãy cố gắng nuôi thiện, diệt ác, để xã hội ngày càng tươi đẹp hơn.