Ý kiến chuyên gia

Nuôi dạy con ?

Hiện trong nước, nhiều gia đình có khả năng nhờ người giúp việc chăm sóc con cái, lại thuê gia sư kèm con học hay cho con học thêm, luyện kỷ năng sống trong lúc hè, ... tôi xin được ghi dưới đây vài kinh nghiệm và vốn liếng hiểu biết về nuôi dạy con bên trời Âu, không ô sin và không thầy dạy kèm.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Các nghiên cứu xã hội học cho thấy là thông thường trong các gia đình, cha mẹ cần trung bình khoảng 20 giờ mỗi tuần để nuôi một trẻ đang tuổi đi học. Cho một bé chưa đến trường cũng không đi nhà trẻ, quĩ thời gian là gấp ba.

Đó là về phần “lượng”, cụ thể phải nuôi dạy con thế nào ?

1. Săn sóc con từ lúc mang thai.

“Trời sinh voi, sinh cỏ”. Tạo hóa giỏi an bài nhiều việc, thông thường, bào thai được nuôi dưỡng tốt lúc còn trong bụng mẹ vì có bao nhiêu chất bổ, thai nhi được ưu tiên dinh dưỡng trước, còn lại mới nuôi mẹ. Bụng mẹ lại là một môi trường bảo vệ.

Thế nhưng tạo hóa làm chưa đủ. Muốn cho con được nhiều may mắn nhất khi chào đời, bà mẹ trẻ cần giữ vệ sinh về cách sống, về môi trường, về dinh dưỡng, ... Chẳng hạn như không hút truốc, ăn uống đủ chất, thêm cal xi, thêm chất đạm và rau quả, đi bộ nơi thoáng mát để hít khí trời, giữ một cuộc sống yên ổn và thường xuyên đi khám thai (ở Bỉ người mẹ được theo dỏi trong thai kỳ và phải đi khám ít nhất là 13 lần trong 9 tháng ấy và kiểm soát qua siêu âm ít nhất là 3 lần).

Giảm thiểu tối đa rủi ro sinh non, bé sẽ có một trọng lượng vừa phải, ít bị hiểm nguy dị tật.

2. Nói chuyện với con từ còn trong bụng mẹ.

Khoa học đã chứng minh là trẻ sơ sinh nín khóc khi nghe nhịp tim của mẹ. Lúc mới chào đời nhưng bé đã “nhận” ra giọng nói của cha, những mẫu nhạc mà mẹ hay nghe, ... Cha và mẹ cần “đối thoại” với con từ lúc bé còn trong bụng mẹ. Ta còn có thể chơi, hay dạy toán cho trẻ bằng cách đẩy vào bụng nhiều lần để bé từ từ hiểu trò chơi và “trả lời” mẹ bằng cách đạp chân đúng số lần ấy.

3. Ăn ngủ theo ... sách vở và được yêu thương.

Truyền thống là một chuyện, y khoa là chuyện khác và khi có xung đột giữa truyền thống và y khoa, ta nên nghe theo y khoa.

Nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu đời của bé. Hay ít nhất là tới lúc đi làm trở lại, tức là lúc con được trên dưới ba tháng. Đưa các thức ăn theo lịch trình (súp rau cải, bánh trái cây và sữa chua vào khoảng cháu 5 tháng, món ăn nghiền vào lúc 8-9 tháng và ăn tạp sau thôi nôi). Thời dụng biểu của con ngủ, đi dạo, phơi nắng, tắm, ... các bà mẹ phải thuộc lòng tùy theo tuổi của cháu để thực hành và để co giản tổ chức cuộc sống của cả gia đình .

Đồng thời không quên sinh tố A – trong chữ Amour (tình yêu) ) - là sinh tố tối cần thiết trong “dinh dưỡng” của các cháu. Được yêu thương để trẻ cảm thấy an toàn, được bảo vệ, có nơi nương tựa giữa giông bão của cuộc đời. Tình yêu còn cần hơn cả thức ăn.

4. Tiếp tục nói chuyện với con và tạo điều kiện cho con phát triển.

Có nghe mới biết nói. Kinh nghiệm cho thấy là nếu trẻ bị bỏ rơi trong sáu năm đầu đời, không được nghe, không tiếp xúc với ai cả thì có thể chúng sẽ không bao giờ nói được.

Từ trong nôi trẻ đã bắt đầu tiếp thu : tiếng mẹ hát ru, giọng trầm ồ ồ của cha, tiếng bí bo của anh hay chị đồng thời với những âm thanh khác của môi trường.

Trẻ học phân biệt ngày và đêm rất nhanh, khoảng bốn tháng tuổi là bé ngủ trọn đêm – để mẹ còn nghỉ mệt chứ – thời điểm này cũng là lúc mẹ cháu phải đi làm trở lại.

Trong trường hợp được nhận đủ thương yêu, các cháu hiểu rất nhanh những chờ đợi của cha mẹ vì các cháu biết rằng cha mẹ vẫn ở đó để giải quyết những nhu cầu của chúng.

Đối thoại bằng lời với con các bậc cha mẹ vẫn nên tiếp tục , mỗi khi gần cháu nên nói luôn mồm như kể chuyện cho một người đối diện thật sự (lúc thay tả cho cháu, lúc cho cháu bú, cháu ăn, lúc sửa soạn nước để tắm hay nghiền trái cây, ...). Nhờ quen nghe như thế các cháu sẽ nói sớm và giàu ngữ vựng, giỏi cách làm câu sau đó, ...

Phải kể cháu nghe và cho cháu “thực nghiệm có kiểm soát” những hiểm nguy của nhà ở : góc bàn, cầu thang, quạt máy, lò sưởi. Các cháu có bộ nhớ nhiệm mầu – dù ở tuổi chưa nói được, các cháu có thể biết là không được sờ lò sưởi vì nó nóng, không xuống cầu thang nếu không sẽ bị ngã, ... vì đã được mẹ “tập thử” rồi. Dĩ nhiên, vẫn phải trông chừng cháu ...

5. Theo dỏi phát triển cân nặng chiều cao, những phát triển về tâm lý và cử động theo các đồ thị mà khoa học cho biết để “trở tay” kịp thời. Dĩ nhiên mỗi cháu có lịch phát triển riêng nhưng có những chậm trể mà ta phải khám phá sớm để giải quyết sớm (thí dụ trẻ không nói chữ nào lúc ba tuổi, có vấn đề trong phát triển cân nặng hay chiều cao, ...). Nếu cần thì đi hỏi ý kiến của bác sĩ hay têm lý gia,

6. Tôn trọng và không phạt. Nếu đã được giải nghĩa rõ ràng cho đủ mọi thứ, trẻ sẽ không vi phạm gì hết. Chúng sẽ lý luận như cha mẹ chúng và “tự giác” rất giỏi. Đó là kết quả của quá trình “xã hội hóa đầu tiên” . Xã hội hóa được định nghĩa như tập tành những phương thức để sống trong xã hội, để liên hệ với người khác.

Trẻ bắt chước cha mẹ còn giỏi hơn các ... chú khỉ thông minh mà ta thấy trong các trò xiếc, Vai trò làm gương, vai trò cho “mẫu” cho con là ở đấy. “Cha nào con nấy” mà !

Thậm chí nếu bé có làm điều gì bậy, có thể ta phải xét xem chính bản thân mình đã sinh hoạt thế nào...

Nếu trẻ mắc phải “lỗi lầm” gì, cái mà cháu cần không phải là một hình phạt để cháu nhớ mà là những giải thích tại sao cái đó là sai để lần sau cháu phải làm khác đi. Một hình phạt không giải thích được gì hết và nếu các cháu không hiểu “nguyên nhân hậu quả” thì không thể nào chúng “ngoan” hơn được .

Vã lại phải đối thoại với các cháu để hiểu tại sao cháu đã “phạm lỗi”, Có thể cái mà ta gọi là sai trái có ý nghiã khác trong đầu óc ngây thơ của cháu và theo cách lý luận của cháu.

Và điều tối cần: chính ta cũng phải tôn trọng những luật mà ta bắt trẻ phải tuân. Đừng nói ta là người lớn thì ta có quyền. Mẹ mà nói dối ở điện thoại trước mặt con thì làm sao bắt con thực thà cho được ? Mẹ mà ăn kẹo trước khi đi ngủ thì mẹ thành vô lý khi cấm con ăn kẹo sau khi đã đánh răng.

7. Mỗi trẻ “độc nhất vô nhị”, không so sánh chúng với ai khác, nhất là không so sánh giữa các cháu trong cùng một nhà, Tôn trọng cá thể và bản thể của mỗi cháu là thế. Mỗi cháu được xem là độc nhất, chúng sẽ không ganh tị với nhau, không bị mặc cảm – dù là mặc cảm tự ti hay tự tôn – Ta nên kín đáo quan sát các cháu mỗi lúc tắm chúng, xem chúng có thoải mái với thân thể mình. Lúc chúng ăn cơm là lúc chúng hay “tâm sự” nhất, chuyện ở nhà, chuyện ở trường, ... Dạy chúng và hướng dẫn chúng theo những điều phù hợp với chúng chứ không phải theo những “chương trình” mà cha mẹ thích hay vạch ra – Khi có dị biệt trong “khuynh hướng” của đôi bên thì lại cần trao đổi và đối thoại để tìm giải pháp chung.

8. Tôn trọng cái riêng tư của con để tập tành con tự lập.

Từ lúc bé, chúng có quyền hét, dậm chân xuống đất khi không bằng lòng nhưng chúng phải giải thích cho mẹ hiểu. Ngược lại ta cũng phải giải thích những gì ta muốn các cháu thực hiện để có thể đi đến một “thỏa hiệp chấp nhận được” cho cả con lẫn mẹ hay cha. Sự tôn trọng là một sự tôn trọng hai chiều. Các cháu có thời dụng biểu của các cháu, có những đồ chơi cá nhân mà không ai được quyền đụng tới, có những góc phòng riêng mà ai muốn vào cũng phải gỏ cửa, ...

9. Từ khoảng các cháu được ba tuổi là có thể nói chuyện đạo đức: kính trên nhường dưới, thật thà tử tế, bảo vệ môi trường, ... những luật và lệ của xã hội. Như thế các cháu đủ hành trang để đi học mẫu giáo, để mở rộng liên hệ và vòng giao tiếp. Ba tuổi cũng là thời điểm cháu đủ ngữ vựng và đủ “kiến thức” để hiểu chuyện nhân nghĩa. Không cần phải lên lớp hay soạn giáo án, chỉ qua những phương thức cư xử, những thí dụ cụ thể trong gia đình, trong vòng thân thuộc quen biết là đủ ... tài liệu để dạy chúng.

10. Giáo dục giới tính cũng có thể bắt đầu lúc lên ba. Trẻ đã có những tiền khái niệm về giới tính rất sớm, cụ thể là lúc lên hai, vào thời điểm bé tập tành kiểm soát tiểu tiện. Từ lâu, bé cũng đã mơ hồ nhận thấy những khác biệt giữa bố và mẹ. Nhưng khoảng ba tuổi, bé nhận thức rõ cá thể của mình, lại bắt đầu tiếp xúc với xã hội nhiều hơn, giáo dục về giới tính để bé biết tự bảo vệ, biết kêu cứu khi gặp bất trắc, ...

Lời chót

Cha mẹ là người đã quyết định cho cháu chào đời. Nuôi dạy con bắt buộc người làm cha mẹ phải tổ chức cuộc sống khác đi, hạn chế thời gian đi làm, hi sinh một số sinh hoạt giải trí, ...Lắm khi cha mẹ phải đầu tắt mặt tối lo cho các con nhưng không có đền bù nào lớn hơn khi thấy, ở mỗi thời điểm nhất định, con mình mạnh khỏe, thành công và nên người. Những “kết quả” đó chính là “động cơ” giúp cho ta tiếp tục “chạy đua với đồng hồ, thức khuya dậy sớm, ...” lo cho con.

Nguyễn Huỳnh Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm