Bạn đọc viết:
Nói Không với “văn hóa giao thông ngõ hẹp”!
(Dân trí) - Có một nghịch lý là trong khi đường sá của nước ta ngày càng rộng rãi hơn, các phương tiện giao thông cũng ngày càng hiện đại văn minh hơn, thì người ta lại thiếu đi cái phần văn hóa - thứ mà từ lâu được xem là cốt cách, bản sắc của người Việt.
Đến đâu, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những thông điệp tuyên truyền về những việc làm cần thiết để thực hiện nếp sống văn hóa giao thông như: nghiêm túc chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ; chủ động xóa bỏ thói hư, tật xấu, tác phong tùy tiện khi tham gia giao thông; xây dựng ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, ý thức về làm chủ tốc độ đối với người điều khiển phương tiện giao thông, ý thức chấp hành luật của người đi bộ và đẩy mạnh các phong trào thi đua người tốt việc tốt trong quá trình tham gia giao thông ...
Thế nhưng thực tế là ý thức và hành vi ứng xử trong khi tham gia giao thông công cộng của một bộ phận không ít người Việt Nam còn chưa tốt. Từ việc tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, cho đến hành vi vượt đèn đỏ, vừa đi xe vừa nghe điện thoại di động, hút thuốc lá, phóng nhanh vượt ẩu, đi vào đường ngược chiều, đường cấm; chở khách quá trọng tải, chạy quá tốc độ để tranh giành khách... cho đến lấn chiếm lòng, lề đường….
Ngay như ở các trung tâm thành phố lớn, cũng không khó để nhận ra những hình ảnh phản cảm của người tham gia giao thông như: đến ngã tư đèn đỏ mà không thấy công an người ta cứ vô tư vượt. Nhất là khi kẹt xe, tắc đường thì dường như chẳng còn một quy tắc, trật tự nào? Người ta cứ như thể mạnh ai nấy đi, thỏa mái tranh giành, chen lấn để vượt… Người sau thúc người phía trước bằng cách bấm còi inh ỏi, thậm chí trèo lên cả hè đường dành cho người đi bộ... Khiến cho giao thông không chỉ trở nên hỗn loạn, mà còn làm xấu đi hình ảnh của đất nước, làm cho du khách nước ngoài chắc là không thể hiểu vì sao đã là thế kỷ XXI rồi mà không lẽ ở Việt Nam vẫn không có được “văn hóa giao thông” tối thiểu?
Đúng là đường sá có rộng thênh thang cấp mấy mà “văn hóa ngõ hẹp” thì cũng... buồn lắm!
Thực chất văn hóa giao thông cũng đâu phải là cái gì đó xa vời, mà nó chính là cách ứng xử có văn hóa của con người được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Những đặc trưng của văn hóa giao thông được thể hiện ở nhiều góc độ như: thông hiểu đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ở đó mọi người có ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác, cho cộng đồng; tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác khi lưu thông trên đường. Có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, chấp hành mọi chỉ dẫn của người thi hành nhiệm vụ. Biết từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên, nhường nhịn cho người già, trẻ em. Biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quệt. Phải đội mũ bảo hiểm cho mình và cho trẻ em khi tham gia giao thông...
Vì vậy, mỗi người chúng ta thay vì hô hào chung chung nên thể hiện bằng chính những hành động văn hóa đi đường của mình. Cho dù chỉ là qua những việc làm nhỏ, nhưng nó sẽ là những hành động đẹp để lấy lại nét văn hóa của người Việt ta bấy lâu dường như vẫn đang bị lãng quên!?
Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn