Nơi bình yên đang không bình yên

Vì sao tình hình báo động về trật tự an ninh ở những bệnh viện, trường học – nơi được coi là môi trường yên bình nhất vẫn diễn biến ngày càng phức tạp?

>> Tính mạng bệnh nhân bị truy sát trong viện tạm thời đảm bảo


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Từ bệnh viện đến…

Trưa ngày 7.5, nhiều báo đồng loạt đưa tin về việc 20 côn đồ đi xe máy mang theo hung khí xông vào BV Đại học Y Hà Nội chém bệnh nhân trọng thương. Theo đó, khoảng 4h sáng ngày 7.5, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên bị thương ở đầu do đánh nhau trong quán karaoke. Vào thời điểm trên, bệnh nhân này vừa được đưa đến bệnh viện cấp cứu, sau đó ít phút bất ngờ có khoảng hơn 20 thanh niên dùng nhiều loại hung khí tấn công bệnh nhân, trong đó có một vết thương ở cổ gây đứt khí quản.

Một câu hỏi được đặt ra, những kẻ côn đồ này phải chăng không còn biết sợ pháp luật? Đặt ra câu hỏi này bởi lẽ, chúng rất biết, hệ thống camera hiện có mặt ở rất nhiều nơi, đặc biệt là những nơi như bệnh viện. Phải chăng chúng vẫn còn men rượu, thậm chí ngáo đá sau khi ở quán karaoke về? Hay chúng muốn thể hiện sức mạnh băng nhóm mới? Mọi nguyên nhân đều có thể. Nhưng ngoài những giả thiết trên, đâu mới là nguyên nhân sâu xa của những hành động côn đồ này?

Nghiêm trọng hơn, không chỉ là côn đồ, mà cả một số bệnh nhân, gia đình bệnh nhân cũng sẵn sàng hành hung bác sĩ, y tá chỉ vì những bức xúc mà chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân. Tại Hội nghị Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 7.4, những con số đáng sợ được đưa ra: Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, đã có hàng chục vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện hành hung, đe dọa y, bác sĩ, gây rối làm mất an ninh trật tự tại bệnh viện. Các vụ xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sỹ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%) và 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện. Nhận xét của báo cáo được đưa ra là: Tình hình an ninh trật tự trong bệnh viện hiện nay rất đáng báo động.

Điều đó cho thấy, ngay khuôn viên bệnh viện – nơi các bác sĩ, y tá chỉ biết cứu người – vẫn không có sự bình an, kể cả bệnh nhân.

… trường học: Càng học cao, đạo đức càng thấp?

Còn trong môi trường học đường, Số vụ việc học sinh đánh nhau, học trò tấn công thầy giáo... xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội, gây chấn động không ít dư luận thời gian qua.

Ngay từ tháng 4. 2013, Văn phòng Chủ tịch Nước đã tổ chức Đoàn công tác đi nghiên cứu, khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố. Tại mỗi tỉnh, thành phố, Đoàn đã làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, khảo sát thực tế tại 22 trường, 43 lớp; đồng thời trực tiếp lấy ý kiến qua phiếu khảo sát đối với 295 giáo viên và 1.494 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 (mỗi địa phương khảo sát 3 trường: 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT).

Một bản kết quả khảo sát ban đầu được đưa ra đang khiến không ít dư luận giật mình: Đang có sự suy giảm trầm trọng về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học. Càng lên cấp học trên, tỉ lệ học sinh hạnh kiểm tốt giảm xuống, thay vào đó là tỉ lệ hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Nếu ở bậc THCS, tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm trung bình là 5% và yếu là 0,7% thì đến cấp THPT, tỉ lệ này tăng lên trung bình là 5,9% và yếu là 3,9%.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng này không những không được cải thiện mà ngày càng phức tạp hơn. Thậm chí, kể cả học sinh nữ cũng sẵn sàng đánh hội đồng bạn của mình và đưa cả clip lên mạng như một chiến tích. Hiện tượng này nhiều đến mức, giờ đây, những clip nữ học sinh đánh, lột quần áo của nhau nó trở thành chuyện… không lạ.

Vì sao tình hình báo động về trật tự an ninh ở những bệnh viện, trường học – nơi được coi là môi trường yên bình nhất vẫn diễn biến ngày càng phức tạp?

Đây là câu hỏi không mới và nhiều quan điểm đánh giá đã được đưa ra. Nhưng vấn đề là, các cơ quan chức năng không những chưa thể ngăn chặn mà ngày càng có chiều hướng gia tăng? Đây là điều mà mỗi chúng ta không thể không lo lắng.

Vương Hà