Bạn đọc viết
Những tín hiệu đáng mừng
Đây là những tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm chấn chỉnh hoạt động đầu tư theo tinh thần "Không phát triển kinh tế với bất cứ giá nào" như Thủ tướng đã khẳng định.
Mấy ngày qua, báo chí liên tục phản ánh những thông tin liên quan đến việc đầu tư, vay vốn từ Trung Quốc.
Đầu tiên là việc Quảng Ninh từ chối vay 7000 tỉ vốn Trung Quốc để đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo như thỏa thuận giữa hai chính phủ trước đây.
Lí do từ chối, theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giải thích: "Để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn".
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, con đường này (cao tốc Vân Đồn - Móng Cái) hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư. Phương án đầu tư dự án, khả năng huy động với tỷ lệ 70-30, tức nhà đầu tư bỏ ra 70% vốn, còn ngân sách bỏ ra 30%. Tính khả thi của dự án là rất cao.
Tin thứ hai là việc Hội đồng quản trị Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã thông qua nghị quyết về việc hủy thầu và không ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CCOG-09 với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing, Trung Quốc.
Hồi tháng 3/2016, Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) thắng thầu đường ống nước sông Đà số 2 với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Việc Xinxing trúng thầu đã vấp phải sự phản ứng của dư luận xung quanh tính minh bạch của việc tổ chức đấu thầu cũng như năng lực và chất lượng ống gang dẻo của Xinxing.
Quyết định hủy thầu và không ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CCOG-09 với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing, Trung Quốc có thể nói là một quyết định đúng đắn, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà dự án do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện đang có vấn đề vì công nghệ lạc hậu, tiến độ thi công ì ạch và giá cả tăng vọt so với giá bỏ thầu.
Hai ví dụ điển hình để minh chứng cho sự giảm sút uy tín từ nhà đầu tư Trung Quốc đó là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Formosa Hà Tĩnh.
Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông - một dự án “tai tiếng” - được khởi công ngày 10-10-2011, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc 169 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 2.123 tỉ đồng.
Tháng 11-2014, PMU đường sắt đã trình Bộ GTVT đề nghị phê duyệt tăng tổng mức đầu tư lên 868,04 triệu USD (18.001 tỉ đồng), đội vốn lên 315,18 triệu USD.
Quá trình thi công, nhà thầu để xảy ra tai nạn gây nguy hiểm tính mạng người đi đường, trong đó có một vụ làm chết người vào ngày 6-11-2014.
Tính đến nay, dự án đã chậm tiến độ gần 3 năm.
Còn Formosa Hà Tĩnh thì đã quá "nổi tiếng" nhất là từ sau tháng 4/2016 khi để xảy ra thảm họa môi trường khiến cá biển chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Rồi liên tiếp thời gian gần đây, một loạt điểm chôn chất thải độc hại của Formosa được người dân và báo chí phát hiện trải khắp địa bàn thị xã Kỳ Anh.
Nhìn ra thế giới, hàng loạt nước từ chối dự án tỷ đô vốn Trung Quốc: Chính phủ mới của Anh tạm dừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, Indonesia yêu cầu các NĐT Trung Quốc dừng xây đường sắt cao tốc trị giá 5,5 tỷ USD Jakarta - Bandung, Sri Lanka ngưng một dự án BĐS của Trung Quốc trị giá 1,5 tỷ USD tại thành phố cảng Colombo, chính phủ Myanmar cũng đã từng ngưng dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD, trong đó có 90% vốn do chính phủ Trung Quốc tài trợ và nhà thầu Trung Quốc thi công, Thái Lan cũng đã tính tới chuyện dùng vốn nội để đầu tư dự án đường sắt cao tốc từ Bangkok tới tỉnh Nakhon Ratchasima thay vì vay vốn Trung Quốc, Công ty XpressWest của Mỹ thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI),…
Những thông tin như thế thật đáng để cho chúng ta suy ngẫm khi kêu gọi đầu tư hoặc sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Chất lượng công trình, công nghệ sử dụng, giá thành và đặc biệt là an ninh môi trường đang được các quốc gia quan tâm, đặt lên hàng đầu khi xem xét các dự án đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngày 6-8, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo: “Không phát triển kinh tế với bất cứ giá nào, không thể bỏ qua vấn đề môi trường”.
Việc Quảng Ninh từ chối vay 7000 tỉ vốn Trung Quốc để đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) hủy thầu và không ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CCOG-09 với Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing, Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của dư luận.
Báo Dân trí điện tử đã thực hiện một cuộc khảo sát ý kiến bạn đọc với câu hỏi đặt ra “đồng ý hay phản đối hoàn toàn đối với đề xuất vay vốn của một ngân hàng Trung Quốc để đầu tư dự án?”, kết quả chỉ sau hơn 1 ngày khảo sát, đã có hơn 10 nghìn lượt bạn đọc tham gia bình chọn. Trong đó có tới hơn 97% đồng tình với ý kiến “hoàn toàn phản đối”.
Đây là những tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm chấn chỉnh hoạt động đầu tư theo tinh thần "Không phát triển kinh tế với bất cứ giá nào" như Thủ tướng đã khẳng định
Nguyễn Duy Xuân