Những lỗ hổng “đánh” thẳng vào người tiêu dùng

(Dân trí) - Từ những lổ hổng trong một số quy định, cán bộ có trách nhiệm vận dụng và “che chắn”cho doanh nghiệp một cách thô thiển đã đánh thẳng vào sức khỏe người tiêu dùng.

Những lỗ hổng “đánh” thẳng vào người tiêu dùng - 1

Những lỗ hổng “đánh” thẳng vào người tiêu dùng

VTV vừa phát phóng sự vụ Cty TNHH Triều Nhật – chủ thương hiệu bánh trung thu Long Đình - đã “qua mặt” được một loạt các cơ quan chức năng để nhập từ Trung Quốc 11 tấn nguyên liệu làm nhân bánh trung thu với giá cực rẻ (23.000 đồng/ kg) và bán với giá cực đắt – từ vài trăm đến cả triệu đồng/ 1 bánh.

Trả lời VTV, đại diện Hải quan cho rằng, doanh nghiệp này đã có văn bản cam kết: chỉ dùng với mục đích sản xuất nội bộ, không tiêu thụ tại thị trường trong nước nên được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Dù Tết Trung thu đã qua, thông tin này không chỉ cực sốc với người tiêu dùng mà quan trọng hơn, cho thấy những dấu hiệu liên minh “ma quỷ” của nhà sản xuất với một số cán bộ có thẩm quyền của các cơ quan chức năng.

Thứ nhất, với người tiêu dùng, khi mua những bánh trung thu được cho là cao cấp với giá cao, họ tin rằng, ít nhất là chất lượng được đảm bảo.

Nhưng đáng tiếc là, yêu cầu tối thiểu đó không có gì đảm bảo. Bởi lẽ, mặt hàng này không được qua kiểm tra an toàn thực phẩm thì ai đảm bảo rằng nó không độc hại cho người tiêu dùng.

Phải chua xót nhận xét rằng, hãng hàng cao cấp này còn kém xa sự trung thực so với những hộ bán bánh trung thu giá siêu rẻ (giá chỉ 2.000 – 10.000 đ/bánh) với nguồn gốc ghi rõ: hàng nội địa Trung Quốc.

Hai là, với cơ quan chức năng sao lại có thể dễ tin rằng, 11 tấn nhân bánh nhập về chỉ để tiêu dùng nội bộ, trong khi toàn bộ nhân viên Cty chưa đến trăm người?

Thậm chí, đại diện Hải quan Hà Nội còn cho rằng, nếu doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu làm nhân bánh cũng không sai, bởi họ cam kết “không bán nhân bánh” chứ không phải là “không bán bánh”!?

Và với cách “chơi chữ” như vậy, dư luận xin thua!? Vậy, có uẩn khuất gì không với cách bênh vực không giống ai này, người dân đã có câu trả lời của mình, vấn đề là cơ quan chức năng xử lý như thế nào mà thôi.

Và vị đại diện quản lý thị trường Hà Nội này cũng không ngại ngần chia sẻ với VTV, “họ sản xuất bánh từ nhân họ nhập về thì đương nhiên họ phải bán ra thị trường…”. Nhưng điều đáng nói là, trên bao bì của bánh Long Đình lại ghi rõ “bánh được sản xuất trong nước”!?

Với dư luận, câu hỏi đặt ra là, việc nhập 11 tấn nhân bánh về “chỉ sử dụng nội bộ” phi lý tới mức ai cũng có thể nhận ra và vì sao chỉ riêng cơ quan chức năng không nhận ra?

Thứ ba, về các văn bản pháp quy, chúng tôi chưa thể hình dung, tại sao hàng nhập khẩu về có văn bản cam kết “chỉ dùng nội bộ cơ quan” lại được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm? Chẳng nhẽ, nội bộ cơ quan sử dụng lại có thể bất chấp chất lượng ư?

Mặt khác, “lỗ hổng” khác được tạo ra để 11 tấn nhân có thể tiêu thụ đàng hoàng là, bánh Long Đình ghi “sản xuất trong nước” cũng không sai bởi, quy định hiện hành cũng không bắt buộc phải ghi nhân là tự làm hay nhập khẩu.

Phải chăng đây là những “lỗ hổng” được tạo ra để cả doanh nghiệp và các cơ quan chức năng tha hồ vận dụng “linh hoạt”?

Tất nhiên, khi lưu thông sản phẩm, doanh nghiệp vẫn có một số giấy tờ chứng minh sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn đã công bố như, nghiên cứu, phân tích mẫu bánh của sở y tế Hà Nội, kết quả kiểm nghiệm mẫu bánh của Bộ Y tế.

Qua vụ việc này, dư luận lại nhớ đến vụ ông Hoàng Khải - Chủ tịch tập đoàn Khải Sink, dính scandal bán lụa Trung Quốc gắn mác “made in Vietnam”.

Dù việc “treo đầu dê bán thịt chó” của ông Khải Sink diễn ra trong thời gian dài, nhưng vụ việc chỉ bị phát hiện bởi sự sơ suất của nhân viên của doanh nhiệp này và sự thông thái của người tiêu dùng.

Vụ việc này cho thấy, ngoài sự gian dối của doanh nhân, thì trách nhiệm của cơ quan chức năng rất lớn. Việc nhập nguyên liệu, sản phẩm Trung Quốc về liên tục trong nhiều năm với số lượng lớn mà cả hải quan và quản lý thị trường không thấy bất thường khi đây là tập đoàn chủ yếu bán hàng tơ lụa Việt Nam với nhãn Khai sink nổi tiếng.

Điều lạ là, dù việc buôn bán gian dối này có dấu hiệu hình sự khá rõ, nhưng cho đến nay, trừ một số cán bộ quản lý thị trường ở Hà Nội bị kiểm điểm, việc xử lý các bên, từ doanh nhân phạm luật cho đến những cán bộ liên quan vẫn khá im ắng.

Do đó, với dư luận, để ngăn ngừa có hiệu quả với cách làm ăn gian dối, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, bất chấp quyền lợi khách hàng, cần phải xử lý nghiêm khắc không chỉ các doanh nghiệp mà phải nghiêm trị những cán bộ có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, kể cả những đơn vị xây dựng văn bản để “con voi chui lọt lỗ kim”.

Vương Hà