Bạn đọc viết

Những kiểu moi ruột nhà nước trắng trợn

Dư luận đòi hỏi, cần xử lý thích đáng những nhóm lợi ích đã cố tình làm sai trong đấu giá, trong các hình thức liên danh, liên kết để trục lợi, nếu không, mọi việc đâu vẫn hoàn đấy.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Từ 120 Quan Thánh đến …

Trong một bài viết “Kiếm lời bằng tài sản công” đăng tải ngày 12.10 vừa qua trên VnExpress cho thấy rõ, các nhóm lợi ích nhóm đã ăn chặn ngân khố quốc gia khá tinh vi mà cũng rất trắng trợn.

Theo bài báo này, khách sạn hai mặt tiền ở 120 Quán Thánh của một doanh nghiệp nhà nước - mảnh “đất vàng” thuộc quận Ba Đình, Hà Nội - được bán đấu giá. Người thắng trả 50 tỷ đồng, trong khi giá khởi điểm là... 49,885 tỷ đồng, tức là chênh so với giá khởi điểm chỉ mấy chục triệu.

Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, tưởng mọi việc thế là xong, khu đất vàng này được người thắng cuộc rao bán tại sàn giao dịch bất động sản với mức giá 110 tỷ đồng. Sau khi báo chí đưa tin, vụ việc đã bị đình lại, hợp đồng đấu giá này bị hủy. Một khối tài sản lớn của nhà nước nhờ vậy đã không bị bốc hơi hơn một nửa.

Vậy đâu lại có kết quả đấu giá như đùa vậy?

Hóa ra, có hai bản thông báo việc bán đấu giá này. Một bản gửi ra ngoài và một bản lưu hồ sơ. Hình thức nhìn qua giống hệt nhưng nội dung lại hoàn toàn khác. Đó là tiểu xảo của những người trong cuộc.

Trong thông báo ra bên ngoài, thông tin về địa điểm của khu đất vàng này chỉ vẹn vẻn các con số của quyển sổ đỏ khu đất, không nói gì về lợi thế của nó. Thời hạn quyền sử dụng khu đất còn lại được thông báo ra ngoài chỉ còn ba năm kể từ thời điểm đấu giá, chứ không phải là 50 năm như thực tế. Đó là chưa kể, ở thông báo ra bên ngoài, các điều kiện khác như thủ tục xác nhận bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng quá ngặt nghèo. Mặt khác, bản thông báo ra ngoài, kể từ khi hết thời hạn bán hồ sơ đến thời hạn nộp thầu chỉ một ngày, trong khi bản lưu hồ sơ còn đến 15 ngày… Thông tin về việc bán đấu giá khu đất vàng không được công bố rộng rãi, cụ thể. Thế nên, chỉ có hai người đủ điều kiện tham gia và giá cả được thống nhất nhanh chóng.

Do đó, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Lẽ nào chỉ thu hồi lại kết quả đấu giá có sai phạm này là xong? Phải chăng, những người tổ chức đấu giá như vậy vẫn chỉ rút kinh nghiệm là xong? Như vậy, những người có trách nhiệm đấu giá đó chắc chắn vẫn tiếp tục làm như vậy, bởi nhóm lợi ích này chỉ có được, được rất nhiều tiền mà nếu có lộ, họ chẳng mất gì ngoài việc… rút kinh nghiệm!

… 80 Lý Thường Kiệt đều bị làm “xiếc”

Mới đây nhất, khách sạn 5 tầng ở 80 Lý Thường Kiệt được xây trên diện tích 717 m2 có hai mặt tiền và mảnh đất liền kề ở 22 Phan Bộ Châu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - một khu đất hơn cả vàng – được Tổng Cty Đường Sắt Việt Nam “làm xiếc” với tên gọi mỹ miều “liên kết” để “bán” rẻ cho doanh nghiệp khác. Nội dung này, kết luận thanh tra vạch rõ bản chất: “ Tcty ĐSVN đang quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có giá trị trên thị trường rất lớn và thực chất là Tcty ĐSVN đang kêu gọi đầu tư, lựa chọn đầu tư để đầu tư khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác. Do vậy phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.”

Mặt khác, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, Tcty ĐSVN vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Theo đó, Hội đồng thành viên Tcty ĐSVN quyết định giá trị vốn góp là 47 tỷ đồng, dù rằng chính Tcty này đã thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là trên 67,4 tỷ đồng. Vậy đâu là cơ sở để Tcty ĐSVN chấp nhận giá tài sản của mình chỉ có 47 tỉ đồng (trong bài khác chúng tôi sẽ viết rõ hơn các tiểu xảo trong vụ việc này)? Phải chăng, việc định giá của đối tác đáng tin cậy hơn? Do đó, dư luận đòi hỏi, các cơ quan chức năng cần làm cho rõ động cơ của lãnh đạo Tcty ĐSVN.

Tuy nhiên, một phần động cơ này cũng có thể thấy với những diễn biến tiếp theo. Sau khi hoàn thành việc góp vốn, thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH hai thành viên khách sạn Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư dự án khách sạn 4 sao thì Bộ GTVT yêu cầu Tcty ĐSVN báo cáo giải trình về cơ sở xác định giá vốn góp nhưng vẫn chưa được Tcty ĐSVN lý giải rõ. Chỉ biết rằng, sau khi góp vốn, doanh nghiệp đi vào hoạt động không hiệu quả, 6 tháng cuối năm 2013 lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,57 tỷ đồng. Và điều mọi người dễ hình dung hành trình tiếp theo: Tcty ĐSVN đề nghị thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.

Do đó, không phải vô cớ, kết luận Thanh tra nhấn mạnh: “Tcty ĐSVN đã xem thường lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.”

Như vậy đã rõ. Nếu việc thoái vốn này chót lọt, coi như việc bán khách sạn trên mảnh đất vàng ở quận Hoàn Kiếm đã xong. Nhưng rất may, việc đó đã bị Bộ GTVT chặn lại.

Hai vụ việc này cho thấy, nếu người trúng thầu nhà 120 Quan Thánh nêu trên đã vội ra bán giá gấp đôi khiến “trò chơi” bị lộ tẩy, thì động thái tính giá bất động sản góp vốn, rồi “xin thoái vốn” của Tcty ĐSVN với đối tác cũng sớm làm lộ rõ mục đích thực sự của mối liên doanh này.

Dư luận đòi hỏi, cần xử lý thích đáng những nhóm lợi ích đã cố tình làm sai để trục lợi, nếu không, mọi việc đâu vẫn hoàn đấy.

Vương Hà