Bạn đọc viết

Những khúc hát mùa xuân

(Dân trí) - Vào thời khắc giao thừa, trong chương trình ca nhạc bao giờ cũng có những bài hát về mùa xuân. Mỗi bài thể hiện cung bậc cảm xúc khác nhau trước mùa xuân của đất trời, trong phút giao hòa thiêng liêng ấy, khi nghe những khúc ca xuân, lòng người cảm thấy phơi phới.

Trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe
ca khúc

Trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe ca khúc Một mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải. Bài thơ này được Thanh Hải sáng tác trên giường bệnh trong những ngày cuối cùng của cuộc đời tại bệnh viện Trung ương Huế (tháng 12/1980); ngay sau đó, nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc và bài hát nhanh chóng đến với thính giả. Ngôn ngữ âm nhạc độc đáo khiến người nghe cảm thấy bồi hồi xao xuyến: “Mùa xuân, mùa xuân! Một muà xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời. Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân tôi xin hát…”. Những dấu lặng đơn được đặt sau mỗi tiếng xuân gợi cho ta cảm giác đang hứng những giọt sương long lanh rơi từ những tán lá nhành cây, mái tranh “Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về”. Người nghe như hình dung ra cảnh vật mùa xuân “chim hót vang trời”,“người cầm súng” với “lộc giắt đầy trên lưng”, có “người ra đồng” với “lộc trải dài nương lúa”. Mỗi dịp xuân về lại có thêm nhiều sáng tác mới, nhưng khi nghe giai điệu của Một muà xuân nho nhỏ vang lên, ta vẫn thấy nguyên vẹn cảm giác nao nao bồi hồi xao xuyến như lần nghe đầu tiên.

Cảm hứng mùa xuân cũng đã xuất hiện trong nhiều bài tình ca gắn với mùa xuân, với tình yêu đôi lứa. Qua bài Mùa xuân đến rồi đó, nhạc sĩ Trần Chung đã nói giúp lòng họ “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, xúc động lòng ta trước cuộc đời”. Còn với Tình ca mùa xuân của Trần Hoàn, lại là lời họ trao gửi cho nhau: “… Và chúng mình yêu nhau bắt đầu từ độ ấy. Em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương. Và anh lại ra đi vui như ngày hội mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa.”

Mùa xuân dễ đem cảm hứng đến cho sáng tác nghệ thuật. Trước mỗi sự kiện lớn của dân tộc, những sáng tác ấy lại được tiếp thêm sức mạnh. Sau sự kiện ngày 30/4/1975, đất nước được độc lập tự do, lãnh thổ được thống nhất, trong Mùa xuân đầu tiên, nhạc sĩ Văn Cao đã viết: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về, mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một tia nắng vui cho bao tâm hồn”. Đất nước thống nhất là sự nối tiếp cuả lịch sử, kết quả tất yếu cuả mấy nghìn năm truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc. Văn Cao đã nói đúng được ý nghĩ, tình cảm cuả người dân Việt Nam, không sôi động mà trầm lắng, bồi hồi, bâng khuâng, càng nghe, ta càng thấy có gì đó như nghẹn ngào, cảm động. Mùa xuân đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Việt Nam được trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất; nhờ đó mà “Người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người”. Sự toàn vẹn từ “mùa xuân đầu tiên” đã trả lại cho con người tất cả: Niềm hạnh phúc, nỗi nghẹn ngào khi được về lại quê hương, và trên hết, là một cuộc sống tự do hạnh phúc.

Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng thể hiện 2 phong cách sáng tác khác hẳn nhau qua 2 khúc ca xuân của mình, đó là Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh. Một bài nói đến mùa xuân nơi chiến khu, khi cuộc kháng chiến còn cam go, gian khổ nhưng giai điệu rất vui tươi, hồn nhiên trong sáng: “ Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót líu lo…cúc cu cúc cu, chim hót mừng mùa xuân thắng lợi…”. Còn một bài nói về mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh đã được giải phóng mà nghe lại thấy bồi hồi, bởi đây là niềm vui quá lớn, bất ngờ, như trong mơ, vui mà cảm động đến rơi nước mắt: “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh. Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào. Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào. Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau, xa ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…”.

Bên cạnh Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), trong chùm khúc ca xuân còn có Cùng hành quân giữa mùa xuân( Cẩm La), Tình ca mùa xuân (Trần Hoàn), Cung đàn mùa xuân (Cao Việt Bách), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Hơi thở mùa xuân ( Dương Thụ), Mùa xuân gọi (Trần Tiến ), Mùa xuân đến rồi đó (Trần Chung), Thì thầm mùa xuân (Ngọc Châu), Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân); sông Đắc Rông mùa xuân về (Tố Hải)… Những khúc ca xuân ấy của nhiều thế hệ nhạc sĩ, đã thể hiện nhiều cung bậc khác nhau trước mùa xuân của đất trời vạn vật, của đất nước, dân tộc. Những khúc ca ấy còn cho ta thấy hình ảnh con người Việt Nam trong đời sống, chiến đấu, lao động thật bình dị mà đẹp đẽ biết bao. Dù ở cung bậc nào thì những khúc ca xuân ấy đều mãi đem lại cảm xúc tươi mới cho người nghe, góp thêm vào vườn xuân của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Diệp