Bạn đọc viết
Những cơn mưa bất thường làm lộ cách làm không bình thường
Sắp tới lại phải tốn công, tốn tiền của để “sửa sai” cho cung cách làm ăn thiếu hiệu quả, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền cơ sở này
Sân bay Tân Sơn Nhất úng ngập, giải tỏa các nhà lấn chiếm kênh rạch, đào hồ điều hòa cạnh sân bay… không chỉ là những thông tin nóng hổi, phục vụ cho một mục đích: Chống ngập úng cho sân bay. Đồng thời, nó cho thấy rõ, một thời gian dài, chính quyền cơ sở ở đây đã ngoảnh mặt làm ngơ.
Những trận mưa lịch sử ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua không chỉ khiến nhiều vùng bị úng ngập, phố thành sông mà còn vô tình làm lộ ra nguyên nhân chủ yếu là do … con người. Hầu hết các giải pháp chống úng ngập của thành phố đã chệch hướng, không giải quyết được gốc của vấn đề. Và đau xót hơn, nó còn cho thấy, chính quyền cơ sở trong một thời gian dài đã ngoảnh mặt làm ngơ khi dân xây lấn các kênh mương thoát nước.
Tiếc rằng, những điều đó chỉ được nhận ra khi có những trận mưa khác thường ở TP vốn được coi là hòn ngọc viễn Đông này. Đành phải nói rằng, cũng là may, trong cái bất thường của thời tiết lại nhận ra cách xử lý không bình thường của con người. Trong bài này chúng tôi không có điều kiện để nói về các giải pháp chống ngập kém hiệu quả của thành phố, nhưng chỉ về việc nâng cốt đường, báo Thanh Niên phải giật tít: “Nâng đường chống ngập ở TP.HCM: Vừa tốn kém, vừa hại dân.” Nếu bình tĩnh nhìn nhận lại, ai cũng thấy việc nâng cốt đường vừa qua ở TP này là thảm họa. Vậy, trước khi hoạch định, triển khai, những vấn đề tưởng chừng rất đơn giản này mà các nhà quản lý, các chuyên gia vì sao lại không thấy? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ của người dân với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Trở lại việc ngập úng ở Sân bay Tân Sơn Nhất, dù vẫn biết do thời tiết khắc nghiệt, nhưng vẫn khiến dư luận thật bàng hoàng. Bởi lẽ, không ai có thể tượng tưởng được rằng, sân bay lớn nhất nước lại có thể ngập, cứ mưa lớn, dai dai một chút là ngập.
Do đó, dư luận cũng hiểu và thông cảm khi thấy lãnh đạo thành phố hăng hái, quyết liệt trong công tác “chữa cháy” việc ngập úng này. Giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Ngọc Công cho biết: "Sau khi khảo sát thực tế các đơn vị đã nêu nguyên nhân tình trạng ngập chủ yếu do tuyến kênh A41 bị tắc nghẽn. Con kênh dài 2 km này bị lấn chiếm, lòng kênh bị hẹp lại, không đảm bảo thoát nước."
Hóa ra là vậy? Thậm chí, trong cuộc khảo sát này các vị lãnh đạo của thành phố đã tận mắt nhìn thấy, có chỗ tuyến kênh này rộng chỉ còn 1 mét, dù rằng, trước đó nó vốn rộng 8 mét. Nguyên nhân, chỉ vì bị dân lấn chiếm, nhưng chính quyền … không biết!
Vậy câu hỏi đặt ra: Nó bị lấn chiếm từ khi nào? Chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng đã làm gì để cho sự lấn mương diễn ra nghiêm trọng như vậy? Đã có ai phải chịu trách nhiệm này chưa?
Những câu hỏi này phải đặt ra bởi, để chống ngập cho sân bay, trong buổi làm việc với Bộ Giao thông, Bộ Quốc phòng ngày 19.9 vừa qua, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng nói thẳng: "Vấn đề là một mình thành phố không thể thực hiện mà các bộ ngành liên quan phải chung sức thực hiện các giải pháp chống ngập, ùn tắc." Tiếp đó, ông Thăng cũng đề nghị: "Cái gì cần cơ chế đột phá báo cáo Chính phủ để thực hiện sớm, giải quyết những vấn đề cấp bách nhằm phục vụ người dân." Điều đó cho thấy, hậu quả để lại thật nặng nề. Lại phải xin Chính phủ cơ chế đột phá, lại phải tốn rất nhiều tiền.
Về việc này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phải thốt lên: "Để cho người dân lấn chiếm, giờ hỗ trợ bồi thường cũng tốn rất nhiều tiền. Đó là do công tác quản lý của chúng ta chưa tốt.” Do không muốn đề cập đến những khuyết điểm của những người tiền nhiệm, nhưng việc Chủ tịch TP thừa nhận “công tác quản lý của chúng ta chưa tốt” đã cho thấy phần nào về sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở.
Nói tiếp về các con mương thoát nước, trong buổi làm việc với Bộ trưởng bộ Xây dựng chiều 6.10, Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết hiện TP.HCM có 20.000 nhà trên và ven kênh rạch không đảm bảo an toàn và rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Và mới chỉ điểm qua số tiền của một số doanh nghiệp muốn đầu tư vào các dự án tái định cư cho 2 vạn nhà nêu trên, số tiền đã là hàng chục ngàn tỉ đồng. Để đến năm 2020 thực hiện xong các dự án tái định cư này, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa phải kiến nghị với Bộ Xây dựng và Chính phủ cho phép thành phố được chỉ định, lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án giải tỏa di dời nhà ở ven kênh rạch nhằm chỉnh trang đô thị.
Điều đó một lần nữa cho thấy, để lấy lại những gì vốn có của các kênh rạch này, dù ngân sách nhà nước đang rất hẹp hòi, nhưng hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân vẫn phải đổ vào đây cùng với cơ chế được chỉ định nhà đầu tư. Thật xót xa và lo lắng. Sắp tới lại phải tốn công, tốn tiền của để “sửa sai” cho cung cách làm ăn thiếu hiệu quả, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền cơ sở.Sự tốn kém khủng khiếp khiến dư luận không thể chấp nhận kiểu sợi dây rút kinh nghiệm lại được đưa ra kéo cho dài thêm, dàì mãi.
Vương Hà