Những câu hỏi từ vụ ông giám đốc phá trăm tỉ
Chỉ một hợp đồng, Giám đốc Petroland khiến doanh nghiệp này lỗ lập tức 13,8 tỉ. Nếu đáo hạn, khoản lỗ lên tới 107 tỉ.
Chỉ một hợp đồng, Giám đốc Petroland khiến doanh nghiệp này lỗ lập tức 13,8 tỉ. Nếu đáo hạn, khoản lỗ lên tới 107 tỉ.
Những hợp đồng, những con số được tiết lộ sau khi Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Bùi Minh Chính, Chủ tịch Petroland khiến dư luận choáng váng.
Chẳng hạn, thời ông Chính làm giám đốc - riêng hợp đồng Petroland cho Công ty TNHH A.S thuê 2 tầng tòa nhà
Petroland Tower đã khiến doanh nghiệp này lỗ 13,8 tỉ đồng và nếu đáo hạn, sẽ lỗ tới 107 tỉ đồng.
Đôi khi, những điều khoản trong hợp đồng không khác gì tự móc túi. Từ việc cho thuê tới tận năm 2058. Từ việc chỉ nhận 70 triệu/450m2 diện tích trong khi phải chịu toàn bộ tiền điện, tiền nước, tiền phí dịch vụ.
Hay cả chuyện cho thuê (tầng 4) mà bên thuê không thanh toán cho chủ nhà bất cứ khoản phí nào (như phí mặt bằng, dịch vụ,) mà chỉ đóng chi phí điện, nước sử dụng/tháng.
Chưa kể đến việc Petroland còn “hào phóng” chi từ 10 - 12% số tiền cho bên tư vấn môi giới chuyển nhượng hàng nghìn mét vuông tại tòa nhà Petroland Tower. Trong khi đó, phí môi giới bất động sản ở thị trường Việt Nam chỉ dao động từ 2 - 3%/hợp đồng - theo báo Thanh Niên.
Quá ưu ái, tự gây bất lợi, tự móc túi mình. Nhưng thật ra, sự bất bình thường, vô lý này có thể giải thích được: Tòa nhà Petroland Tower, với giá trị đầu tư 1.000 tỉ đồng, không phải là nhà riêng của ông chủ tịch, và 1.000 tỉ đồng kia, cũng không phải là mồ hôi nước mắt của ông mà là tiền thuế của dân, tiền vốn của doanh nghiệp.
Thật ra, câu hỏi “tại sao” rất dễ để trả lời. Vì đó chính là những cú áp phe dưới gầm bàn, đó chính là lợi ích nhóm, là tham ô tham nhũng mà “hợp đồng” chỉ là danh nghĩa, là tấm áo đậy điệm hành vi phải nói là trộm cắp tài sản nhà nước, trộm cắp tiền thuế của dân. Nhưng có những câu hỏi không thể không đặt ra.
Vậy thì Hội đồng quản trị đã ở đâu khi các hợp đồng tự móc túi ấy được ký kết?
Vậy thì ban kiểm soát đã làm gì?
Vậy thì tầng tầng lớp lớp thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... đã thấy gì?
Vậy thì cơ chế giám sát có tồn tại khi mà sự việc chỉ bị phát hiện sau những điều tra của báo chí?
Một giám đốc, một chủ tịch, gây lỗ, làm thất thoát cả trăm tỉ đồng với chỉ một hợp đồng. Còn bao nhiêu những ông giám đốc, những ông chủ tịch như thế chưa bị phát hiện? Còn bao nhiêu những lợi ích gầm bàn đằng sau hàng nghìn tỉ tiền lỗ kia?
Chừng nào những câu hỏi ấy không thể trả lời thì có lẽ việc khởi tố bắt tạm giam hôm nay chỉ là việc trừng phạt khi nhà đã cháy mà thôi.
Theo Đào Tuấn
Báo Lao động