Những ai đang biến bệnh nhân thành “gà béo”?
Bòn rút kiệt cùng, biến bệnh nhân thành những “con gà béo”, thật ra không chỉ là vấn đề ngoại viện.
Bòn rút kiệt cùng, biến bệnh nhân thành những “con gà béo”, thật ra không chỉ là vấn đề ngoại viện.
Lâu lắm rồi dư luận mới lại vui mừng, hả dạ trước những tuyên bố hay đẹp đến thế của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai.
Tuyên bố: Giải quyết triệt để những tiêu cực, xóa nạn bòn rút tiền của người bệnh”. Tự chịu trách nhiệm nếu nhân viên vòi vĩnh. Khẳng định: “Bệnh nhân không phải là những con gà béo”.
Và đây nữa: Lời lãi không phải là tiêu chí quyết định hoạt động. Bệnh viện không phải là cơ sở kinh doanh. Nghề y không phải là nghề kiếm lời.
Nếu phải một lần tới bệnh viện, nếu từng là nạn nhân của cò mồi, của các dịch vụ vận chuyển, tang lễ... có lẽ, người dân sẽ cảm động lắm. Không hiếm câu chuyện “độc quyền” vận chuyển bệnh nhân, độc quyền cả khâu tang lễ, độc quyền cho đến việc bán phích nước nóng... đang khiến bệnh nhân, những người đã xuống tới đáy - bị bòn rút không thương tiếc, bị “làm thịt” như làm thịt con gà béo.
Nhưng thật ra, nạn bòn rút không phải, không chỉ là những vấn đề ngoại viện.
Dư luận từng kinh hoàng với nỗi kinh hoàng, trước một đơn thuốc cảm cúm kinh hoàng được một dược sĩ công khai trên truyền thông.
Đơn thuốc, chữa loại bệnh “có thể tự khỏi ngay cả khi không cần dùng thuốc” ấy gồm đến 4 loại, từ hạ nhiệt, giảm đau, kháng viêm, thậm chí 2 loại kháng viêm đối chọi nhau.
Tại sao lại như thế? “Hoa hồng cho bác sĩ” có thể là một đáp án, dẫu, đơn thuốc không hề có... “vị hoa hồng”.
Về mặt thống kê, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đang tăng theo niên độ cứ 5 năm thì gấp đôi. Từ 9,85USD năm 2005 lên 22,25USD năm 2010 và 37,97USD, tiếp tục gấp đôi vào năm 2015. Dự báo, sẽ tăng lên mức 85USD vào năm 2020 và 163USD vào năm 2025.
Nói đến “gà béo”, lại không thể không nhắc tới tỉ lệ 54,8% từ tiền túi của dân cho các chi phí y tế. Lại càng không thể không nhắc tới con số 550 nghìn hộ gia đình gánh chịu “chi phí y tế thảm họa” khi chi tiêu cho y tế vượt quá 40% khả năng chi trả.
Bệnh viện không phải là cơ sở kinh doanh, nhưng thuốc, một loại hàng hóa đặc thù, đặc thù đến nỗi người bệnh không có thậm chí quyền mặc cả.
Nghề y không phải để kiếm lời, nhưng nghề y, một lĩnh vực riêng, riêng đến mức người dân không thể là một người tiêu dùng thông thái để biết trong đơn thuốc ấy có bao nhiêu % hoa hồng bác sĩ, không thể biết mình bị “chặt chém như thế nào”.
Bệnh viện không phải là trại tị nạn, không phải là cái chợ để bệnh nhân bị mặc sức bòn rút, chặt chém... Nhưng để chấm dứt thực sự tình trạng ấy, việc chấn chỉnh các yếu tố ngoại viện mới chỉ là một nửa vấn đề mà thôi.
Theo Đào Tuấn
Báo Lao động