Nhà báo – luật sư: Người hành nghề phải có cái tâm trong sáng

(Dân trí) - Nhân kỷ niệm lần thứ 87 năm ngày Báo chí Việt Nam (21/6), Dân trí có buổi trò chuyện thân mật với nhà báo - luật sư Ngô Tất Hữu xung quanh nghề làm báo và nghề luật sư. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV : Được biết ông là nhà báo lâu năm ,Ông có suy nghĩ gì về vấn đề tự do của nghề làm báo ?
 
Ông Ngô Tất Hữu: Tôi vào nghề làm báo chuyên nghiệp từ năm 1964 tại TTXVN đến nay đã nghỉ hưu đang hành nghề luật sư song vẫn rất mê nghề báo . Nhiều năm nay tôi vẫn có hợp đồng lao động dài hạn với cơ quan báo chí trong nước.

 

Ngay từ khi bước vào nghề, bố mẹ luôn nhắc tôi: Nghề báo là nghề viết và nói”, “Lời nói đọi máu… Lời nói có thể làm cho gia đình tan nát cửa nhà, phong gia bại sản nên trước khi nói phải uốn lưỡi 3 lần. Bản thân tôi cũng luôn tự nhắc mình làm báo là nghề : “Bán hiểu biết của mình cho người khác mua ”nên phải luôn rèn luyện tu dưỡng, học tập cả sách vở lẫn thực tế cuộc sống, để có trình độ hiểu biết toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị kinh tế - xã hội. Người làm báo không bao giờ được thỏa mãn với trình độ và sự hiểu biết của mình mà phải luôn nhớ lời dạy của lãnh tụ V.I.LêNin là: “Học , Học nữa , Học mãi ?”

.

Ở nước ta báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội, là diễn đàn cuả nhân dân. Do trình độ dân trí cũng như đặc thù riêng, Nhà nước chưa thể chấp nhận có báo chí tư nhân. Do vậy, nhà báo theo tôi, tiêu chuẩn và tiêu trí hàng đầu của người làm báo là phải tuân thủ chấp hành chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc Việt Nam. Báo chí là người tổ chức tập thể, tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể nên báo chí là vũ khí công cụ sắc bén tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Báo chí phản ánh sự thật, lấy sự thật làm gốc nên tư duy nghiệp vụ của người làm báo là phải phân biệt được sự thật nào là bản chất đâu chỉ là hiện tượng xã hội.

 

Từ  đó luôn đặt cho mình câu hỏi mà Bác Hồ khi còn sống đã dạy là: “Viết cho ai ? Viết để làm gì? ”. Phải luôn có ý thức đặt lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội cộng đồng lên trên tất cả. Chính vì vậy, người làm báo được Đảng Nhà nước và xã hội tôn vinh là chiến sỹ cách mạng trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

 

Do vậy nhà báo không thể tùy tiện, thấy gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy, đặc biệt là không viết vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Theo tôi, cái độc lập tự do của nhà báo là độc lập và tự do trong khuôn khổ của tổ chức và pháp luật.

 

Hơn 50 năm hoạt động trong nghề tôi thấy mình rất tự do, không có cái gì gọi là gò bó, cản trở hoạt động sáng tạo của mình. Với các bạn trẻ, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, tôi có một lời khuyên: nếu anh chị em nào không chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng trong báo chí một cách tự giác, không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, không trung thành với sự nghiệp của dân tộc, cẩu thả, vô cảm, lười học, lười đọc, lười suy nghĩ, tính toán lợi ích hơn thiệt về kinh tế, tài chính thì theo tôi không nên vào làm việc trong các cơ quan thông tin báo chí .

 

Ông có nhận xét gì khi cùng một hiện tượng sự việc nhưng báo chí lại thông tin khác nhau?

Theo tôi đó là chuyện bình thường, thậm chí đó còn là dấu hiệu tốt của một xã hội thật sự có dân chủ và tự do báo chí. Bởi báo chí chỉ là diễn đàn phản ánh dư luận, còn việc giải quyết xử lý là do các cơ quan Nhà nước cơ quan pháp luật. Nhưng việc phản ánh phải đúng bản chất, đúng định hướng phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Báo chí có chức năng phản biện xã hội, nên nếu có thông tin khác nhau là chuyện bình thường. Chỉ có điều người viết có đưa ra được những thông tin, dẫn chứng sắc bén thật sự “Tâm phục khẩu có phục không? ”, có đúng đường lối chính sách pháp luật cuả Đảng, Nhà nước và có trái với đạo đức xã hội không? Hay chỉ là những lời kỹ xảo sáo rỗng suông, đao to búa lớn nhằm mục đích thanh minh giải trình, đánh lạc hướng dư luận, phục vụ lợi ích riêng cho một tổ chức hoặc cá nhân?

 

Trong làng báo hiện nay thường có hiện tượng đọc ở tờ báo này thấy có bài phê phán hoạt động tiêu cực tham nhũng của người cầm đầu một công ty. Xem ra vụ việc báo nêu vi phạm nghiêm trọng lắm, nhưng vài ngày sau lại thấy xuất hiện trên một tờ báo khác với nội dung hoàn toàn trái ngược. Đặc biệt thông tin lại mang tính giải trình, liệt kê các thành tích, công lao của vị giám đốc kia.

 

Về pháp luật, theo tôi những vụ việc tương tự như thế này thì cơ quan quản  lý Nhà nước về báo chí khó có thể giải quyết được, bởi anh nào cũng cho là mình có đủ chứng cứ và chỉ là diễn đàn thông tin. Song về đạo đức thì rõ ràng việc giải trình đánh bóng tô hồng thay cho đương sự đang bị báo bạn phê phán vi phạm pháp luật, là việc làm vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy trong cơ chế thị trường hiện nay cũng như nghề luật sư, nghề thầy thuốc. Nhà báo cũng cần phải xây dựng và phổ biến rộng rãi bộ chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, đề cao vai trò của các cấp hội ở cơ sở trong việc giáo dục và giám sát hội viên hành nghề đảm bảo đạo đức nghề nghiệp.
 
Nhà báo – luật sư: Người hành nghề phải có cái tâm trong sáng
Nhà báo Ngô Tất Hữu – Tổng biên tập Báo Pháp luật và Đời sống báo cáo với đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười về quá trình Báo tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khi đồng chí TBT đến thăm Báo năm 1996.       

   

Hiện nay có hiện tượng một số tổ chức, công dân cản trở hoạt động của báo chí và nhà báo như: không cung cấp thông tin, thậm chí đánh đập, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín,  uy hiếp tính mạng của nhà báo . Theo ông thì việc này giải quyết ra sao?Ông có kinh nghiệm gì ?

 

Trong những năm qua, cùng với việc tuyên truyền phát hiện cổ vũ những gương “Người tốt việc tốt ” và các điển hình tiên tiến, báo chí có công rất lớn được xã hội tôn vinh là tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống các tệ nạn xã hội.

 

Hầu hết các vụ án lớn như Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh , PMU 18, Vimashin… Mới nhất đây là vụ đất đai ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng và vụ tiêu cực ở tập đoàn Vinlalines cùng nhiều vụ tiêu biểu khác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội báo chí đều có công phát hiện sớm. Thế nên báo chí cũng đang bị các thế lực tham nhũng, tiêu cực phản kích, tấn công bằng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt.

 

Hiện nay nhà báo hành nghề đang bị nhiều sức ép ghê gớm trên nhiều mặt. Vụ việc khá phổ biến là  nhiều tổ chức, công dân vi phạm  Điều 7 Luật Báo chí về cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Có hiện tượng đùn đẩy, gây khó khăn cho nhà báo. Có nơi còn trắng trợn can thiệp hoạt động đúng pháp luật của nhà báo như việc trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai ra thông cáo báo chí: Yêu cầu các Nhà báo không được đề cập đến tổng công ty Sonadezi và cá nhân bà Đỗ Thị Thu Hằng Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Đại biểu Quốc hội…”. Đây là một văn bản can thiệp điển hình, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí, đáng tiếc lại xảy ra trong khi Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết 4 của TƯ.

 

Ngoài ra, các hiện tượng đánh đập nhà báo, uy hiếp về vật chất và tinh thần đối với nhà báo khi đang tác nghiệp và cả trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhà báo không còn là chuyện cá biệt. Chỉ tính trong vòng 5 năm đã có hơn 40 nhà báo bị hành hung. Điển hình là các vụ: nhà báo Trần Thế Dũng (báo Người lao động ) bị hành hung ở Lạng Sơn, hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hàn Phi Long của Đài Tiếng nói Việt Nam bị hành hung trong vụ cưỡng chế đất ở thị trấn Văn Giang, Hưng Yên ngày 12/5/2012, cùng một số vụ việc khác.

 

Rất đáng tiếc là vụ việc quá rõ ràng, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm, nên càng gây bức xúc trong dư luận xã hội.  Những hành động trên của các tổ chức và công dân là vi phạm nghiêm trọng Điều 7 Luật Báo chí về cung cấp thông tin.

 

Điều này quy định: Trong phạm vi quyền hạn nhiệm vụ của mình,  các tổ chức công dân có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo  chí ”. Tại điểm đ Điều 15 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo Luật Báo chí đã quy định rõ : “… Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp . Không ai được đe dọa uy hiếp tính mạng xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhà báo, phá hủy thu giữ phương tiện , tài liệu cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật ”.  

 

Như vậy những hành vi không cung cấp thông tin, cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, xúc phạm thân thể, danh dự nhân phẩm của nhà báolà những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Tùy theo mức độ, cơ quan báo chí và nhà báo có quyền đề nghị cơ quan pháp luật xử lý hình sự hoặc dân sự.

 

Về kinh nghiệm, theo tôi điều trước tiên là bhà báo phải nắm chắc Luật Báo chí, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của nhà báo được ghi tại Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và Điều 8 Nghị định số 51/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền hạn của nhà báo. Đồng thời phải ý thức được công việc mình đang làm cùng với việc được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh.

 

Hoạt động báo chí chống tham nhũng, tiêu cực thường đụng chạm đến quyền lợi của một số hoặc  nhóm người, nên việc hành nghề phải kiên quyết, dũng cảm nhưng cũng phải mưu trí, khôn ngoan với tiêu chí đúng khuôn khổ pháp luật cho phép. Tùy theo từng vụ việc khác nhau, nhưng với các vụ việc thông thường theo tôi, người làm báo khi đến một cơ quan hoạt động nhất thiết phải xuất trình Thẻ Nhà báo hoặc Giấy giới thiệu cho thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính biết mình có trách nhiệm thu thập thông tin, để buộc họ phải cung cấp thông tin, tạo điều kiện cần thiết cho nhà báo hoạt động. Đồng thời có trách nhiệm bảo vệ việc hành nghề đúng pháp luật của nhà báo. có như thế nhà báo mới được coi như người đang thực thi công vụ, pháp luật và xã hội phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ họ.

 

 Tuy không nhiều cũng có hiện tượng sau khi báo chí thông tin về vụ việc tham nhũng tiêu cực, cơ quan thẩm quyền đã có văn bản kết luận hợp pháp cũng như có bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng cơ quan báo chí vẫn cố tình thông tin gây sức ép đối với cơ quan thẩm  quyền,  đặc biệt là cơ quan tư pháp . Theo ông ở trường hợp này,  báo chí có được tiếp tục thông tin  không?

 

Mọi sự việc dù bé hoặc to đến đâu theo quy định của pháp luật hiện hành đều phải có điểm dừng, không thể là vô tận (các vụ án từ sơ thẩm đến phúc thẩm là bản án có hiệu lực, nếu có sai sót thì các cơ quan thẩm quyền sẽ có kháng nghị và sẽ được xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp nếu có những tài liệu, nhân chứng, chứng cứ mới bổ sung thì có thể được xem xét tái thẩm. Như vậy, việc giải quyết một vụ án không phải là vô tận; trên lĩnh vực khiếu nại hành chính cũng vậy).

 

Theo quy định của Pháp luật : Báo chí có quyền thông tin, song việc xử lý các sai phạm do báo chí thông tin là thuộc trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền, không phải là của báo chí. Mối quan hệ giữa báo chí với các tổ chức và công dân, giữa việc thông tin và trả lời của hai bên (cơ quan báo chí và tổ chức công dân) được pháp luật quy định rất rõ tại Điều 8 về Trả lời trên báo chí (Luật Báo chí). Được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Trách nhiệm của cơ quan báo chí và Điều 3 Trách nhiệm của tổ chức người có chức vụ,  được quy định tại Nghị Định số 51/2004/NĐ-CP Nghị Định của Chính Phủ hướng dẫn thi hành Luật báo chí.

 

Vì vậy, cơ quan báo chí không thể “cậy” mình có vũ khí thông tin mà cứ cố tình thông tin khi đã có văn bản có giá trị pháp lý, kết luận của cơ quan thẩm quyền, hoặc bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên nếu báo chí có những chứng cứ thông tin mới thật cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, có giá trị làm thay đổi toàn bộ nội dung của các văn bản kết luận của cơ quan thẩm quyền cũng như bản án đã có hiệu lực, vận dụng luật báo chí thì cơ quan báo chí vẫn có quyền thông tin. Song tổng biên tập báo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin của báo mình.

 

Khi báo chí phát hiện có sai sót trong thông tin như thông tin sai sự thật hoặc vi phạm các quyền của công dân như quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31), quyền được bảo vệ danh dự, uy tín (Điều 37), quyền bí mật đời tư (Điều 38)trong Bộ Luật Dân sự, các cơ quan báo chí phải thực hiện cải chính, xin lỗi như quy định tại Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; Điều 4 về Cải chính trên báo như Nghị định số 51/2004/NĐ-CP của Chính phủ .

 

Trường hợp báo chí thông tin gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì phải bị truy cứu hình sự hoặc bị khởi kiện dân sự tại các cơ quan tòa án. Thực tế đã có vụ nhà báo bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự. Một số cơ quan báo chí cũng đã bị tổ chức và công dân kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, do hậu quả của một số bài báo sai sự thật gây nên.

 

Ngoài ra, do nhu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới trên lĩnh vực quyền được tiếp cận thông tin và trách nhiệm cung cấp thông tin … cũng đang phát sinh một số vấn đề mới chưa được luật hóa. Vì vậy, Quốc hội cần sớm sửa đổi bổ sung Luật Báo chí, đồng thời ban hành các luật có liên quan như Luật Quyền được tiếp cận thông tin Tạo hành lang cho Báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng hướng.
 
Luật sư Ngô Tất Hữu phát biểu tại một Hội nghị
Luật sư Ngô Tất Hữu phát biểu tại một Hội nghị 

 

Được biết ngoài việc hoạt động báo chí,  ông còn hành nghề luật sư rất tích cực, ông có nhận xét gì về hai nghề này?

 

Đúng thế! Ngoài việc làm báo, tôi còn hành nghề luật sư chuyên nghiệp gần 15 năm nay, đã tham gia bảo vệ nhiều vụ án về hình sự, dân sự hành chính, lao động. Trong đó có các vụ án lớn như vụ tham ô xăng dầu ở ngành Hàng không Việt Nam. Mới đây tôi tham gia các vụ án hành chính thu hồi đất ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội; ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Bắc Kạn tỉnh Bắc Kạn...

 

Tôi thấy nghề Nhà báo và Luật sư là hai nghề tuy khác nhau, nhưng cùng có chung mục đích, nhiệm vụ là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Hoạt động vì mục tiêu của Đảng, Nhà nước. Trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc. Trong hoạt động tác nghiệp hành nghề Luật sư và Nhà báo đều phải vận dụng đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và lấy sự thật khách quan làm vũ khí của mình.

 

Một bài báo viết hay thì tiêu chí đầu tiên là phải tôn trọng sự thật, khách quan, phải dẫn rõ nguồn thông tin khai thác lấy ở đâu, ai chịu trách nhiệm như quy định của Luật Báo chí và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Phải có tính định hướng phân tích, chỉ rõ những cái hay cái dở để cổ vũ tổ chức và quần chúng làm theo.

 

Còn mỗi lời phát biểu tranh tụng của Luật sư tại phiên toà cũng như các hình thức hành nghề khác đều phải dẫn rõ theo điều khoản nào? Bộ Luật, Luật, Văn bản pháp quy nào và dựa vào các nhân chứng, chứng cứ nào? Chứ không phải cứ dùng lời lẽ hào nhoáng hoặc đao to búa lớn là được.

 

Nhà báo và Luật sư là những nghề hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về công trình, sản phẩm của mình. Nên càng phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có trình độ hiểu biết toàn diện, đồng thời cái tâm phải thật sự trong sáng.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 Tuấn Thanh (thực hiện)

 

(* Ông Ngô Tất Hữu là nhà báo chuyên nghiệp lâu năm đã từng được giao các chức danh Trưởng Phân xã TTX VN; Tổng biên tập báo Pháp luật Đời sống, Phó tổng biên tập các Báo Tuổi trẻ Thủ Đô, Kinh doanh Pháp luật, Đời sống Pháp luật. Hiện nay, tuy tuổi cao ông vẫn  cộng tác với một số cơ quan báo chí với  các bút danh Công Tâm , Ngô Công Lý và Phương Anh. Ngoài việc làm báo ông  còn hành nghề luật sư. Hiện ông là Ủy  viên Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật Đoàn luật sư Hà Nội khoá VIII (2008-2013) và Trưởng Văn phòng luật sư  Thủ Đô).