Nguyên nhân phải xem yếu tố “lại quả”

Nói đi nói lại, vẫn là những người thực thi, triển khai các chủ trương không chỉ cần tỉnh táo, khôn ngoan lựa chọn phương án tốt nhất khi tiềm lực kinh tế chúng ta còn yếu, mà còn cần phải công tâm, minh bạch.


Ô tô không thấy người lái đỗ trên làn thu phí BOT Ninh An (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), trưa 3/1.

Ô tô không thấy người lái đỗ trên làn thu phí BOT Ninh An (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), trưa 3/1.

Bài phát biểu đầu năm 2018 tại Tổng Cục đường bộ Việt Nam của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đưa ra những nhận xét thẳng thắn và gợi cho dư luận nhiều điều phải suy nghĩ.

Có thể nói, chưa bộ trưởng nào phát biểu thẳng thắn hơn ông Thể: "Duy tu không kịp thời thì từ một ổ gà sẽ biến thành ổ voi, tài sản mất mát rất lớn. Tôi hầu như chưa hài lòng chất lượng duy tu của con đường nào, kể cả đường mới làm".

Đây là sự thật mà bất cứ người tham gia giao thông nào cũng nhận ra, nhưng được chính Bộ trưởng Bộ GTVT phát ngôn ra thì giá trị vô cùng.

Đúng như ông Thể nói, ngay cả đường mới cũng không khiến người tham gia giao thông hài lòng. Vậy vì đâu nên nỗi? Chắc chắn những người làm đường mới và duy tu không kém về trình độ, chắc chẳng đến nỗi phải sang Campuchia học hỏi như ông Thể nói. Bộ trưởng đã không nói thẳng ý tứ của mình. Do đó, dư luận buộc phải đưa câu hỏi cũ kỹ nhưng luôn ám ảnh người dân: Phải chăng tỷ lệ % chia chác ở các dự án góp phần quan trọng khiến chất lượng đường ngày càng tồi tệ?

Ngay cả việc duy tu đường hiện nay, tại sao thay vì cào mặt đường cũ đi, chúng ta cứ như vậy đắp lên khiến mặt đường mỗi ngày một cao và nhà dân trở thành “phố hầm” lúc nào không hay. Dù chưa thực hiện, mỗi người cũng có thể hình dung hậu quả, vậy tại sao các nhà quản lý giao thông vẫn cho làm kiểu như vậy. Rõ ràng, người dân còn thấy thì lãnh đạo ngành giao thông không thể không thấy. Vậy đâu là lý do?

Phải chăng, vì vốn duy tu chỉ đạt 45% yêu cầu nên đành làm vậy. Chắc không phải vậy. Nếu đúng như vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chẳng phải bực mình nói: “Tại sao mặt đường cứ chồng dày lên 70-80 cm? Các anh qua bên Campuchia xem thử người ta làm thế nào? Tại sao họ cào bóc tái chế được?”

Ngay như với các trạm thu phí BOT, chưa nói đến những bức xúc hiện nay như vị trí các trạm, giá vé, mà việc tưởng như đơn giản, thu phí không dừng cũng khiến dư luận nghi ngờ. Điều này, rất may chính Bộ trưởng Thể phải thốt lên: Đặc biệt, dư luận đang nghi ngờ thiếu minh bạch do chỉ có một doanh nghiệp được đầu tư thu phí không dừng là Tasco, sắp tới phải cho phép 2 - 3 nhà đầu tư cùng tham gia để cạnh tranh về giá.

Cuối cùng, dư luận cũng quan ngại khi ông Thể cho rằng, chỉ khi nào dư tiền mới nên mở rộng quốc lộ, còn tiền phải dành sửa sang đường, cầu cống xuống cấp.

Tất nhiên, duy tu là cực kỳ quan trọng, nhưng lẽ nào dư tiền mới làm đường mới. Theo Tổng cục Đường bộ, nguồn vốn bảo trì đường bộ được giao năm 2017 là hơn 7.107 tỷ đồng, cơ quan này đã sửa chữa hơn hơn 1.400 km quốc lộ, hơn 4.000 cống. Trong khi đó có tới 23.000 km quốc lộ và hơn 500.000 km đường địa phương, đấy là chưa kể cả nước có 8.000 km đường BOT. Năm 2017 mới đáp ứng được 7.107 tỷ trong tổng số 23.000 tỷ đồng cần thiết để duy tu, vậy khi nào mới dư tiền để làm đường mới?

Nếu cứ thực hiện ý kiến của tư lệnh ngành giao thông, chắc chắn chúng ta sẽ khó thấy những con đường mới. Và tất nhiên, lúc đó lại trông chờ vào BOT. Tuy nhiên, dù chủ trương thực hiện BOT làm giao thông là rất đúng, nhưng những người triển khai chủ trương đó đang có những sai lầm, dẫn đến hậu quả nhiều trạm BOT bị phản đối quyết liệt, hiện vẫn đang phải chữa cháy.

Nói đi nói lại, vẫn là những người thực thi, triển khai các chủ trương không chỉ cần tỉnh táo, khôn ngoan lựa chọn phương án tốt nhất khi tiềm lực kinh tế chúng ta còn yếu, mà còn cần phải công tâm, minh bạch.

Vương Hà