Bạn đọc viết:

Người lao động vùng núi: Hành trình khám chữa bệnh quá gian nan

(Dân trí) - Mức đóng BHYT của Bộ Y tế đưa ra trong dự thảo là 6% là quá lớn, trong khi những người lao động ở miền núi chúng tôi khi khám chữa bệnh BHYT lại quá thiệt thòi so với ở thành phố.

Người lao động vùng núi: Hành trình khám chữa bệnh quá gian nan
Người bệnh có thẻ BHYT sẽ bị giảm mức thanh toán của quỹ BHYT nếu khám vượt tuyến (ảnh minh họa: H.Hải) 
 

Chúng tôi chỉ được đăng kí khám chữa bệnh ở trạm xá xã với đội ngũ cán bộ y tế ít ỏi, trình độ có hạn, thiết bị thô sơ. Những trường hợp bệnh nặng mới được chuyển lên tuyến trung tâm y tế hoặc bệnh viện huyện, rất khó chuyển đến bệnh viện thành phố, nếu được chuyển có khi bệnh lại quá nặng.

 

Tôi xin kể chuyện khám chữa bệnh bằng BHYT sau đây cho các bạn đọc, cũng mong mỏi các cấp lãnh đạo ngành y tế quan tâm và có giải pháp để người lao động ở những vùng miền núi nghèo nàn được hưởng quyền lợi chính đáng mà mình tham gia đóng góp.

 

Chúng tôi là những giáo viên ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Giáo viên chúng tôi có đau ốm bệnh hoạn gì mà nhẹ thì thường tự mua thuốc hoặc đi khám bác sĩ tư, bởi lẽ chúng tôi có thời khóa biểu thường làm việc cả ngày. Còn những ngày không có giờ lên lớp hay những lúc ốm đau, chúng tôi đi đến trạm xá xã (nơi được chỉ định đăng kí ban đầu) để khám.

 

Thế nhưng khi đến trạm xá, các nhân viên y tế nói: lịch khám vào sáng thứ năm hằng tuần kia. Hoặc có lúc được cô điều dưỡng kê đơn nhưng cô cấp thuốc lại... đi vắng, chúng tôi lại không được nhận thuốc. Chẳng có lẽ người lao động của chúng tôi cứ phải... chờ đến thứ năm mới được đau hay sao?

 

Còn nếu bệnh khó chữa hơn một tí thì được chuyển đến trung tâm y tế huyện, mà tại đây thiết bị y tế cũng còn đơn giản lắm. Nếu cần cụp X quang, nội soi hay siêu âm gì đó thì phải chuyển một lần nữa đến bệnh viện khu vực miền núi phía Bắc Quản Nam.

 

Hành trình chúng tôi khám bệnh như sau: nếu đến trạm xá xã xin giấy chuyển viện vào lúc 7 giờ sáng, thì đến TTYT chờ đến lượt mình xin lên tuyến trên để nội soi hay siêu âm có khi đến 9 rưỡi 10 giờ mới được đi. Đến bệnh viện có khi lại sắp hết giờ làm việc buổi sáng, phải chờ đến chiều để được khám đầu giờ. Có lúc chờ kết quả xét nghiệm, nhận thuốc là hết đúng một ngày. Có trường hợp như bạn tôi phải bỏ về vì chiều có tiết dạy.

Có những người vì thế mà phải tự đoán bệnh mua thuốc, cuối cùng thì bệnh càng trầm trọng thêm.

 

So với người lao động ở thành phố, tôi thấy họ được hưởng quyền lợi hơn chúng tôi rất nhiều bởi thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có năng lực chuyên môn giỏi hơn... Còn chúng tôi muốn được khám bệnh như vậy đành phải tự ý vượt trái tuyến (vì ở đây họ không chịu chuyển, có khi bệnh nặng họ cũng không chịu chuyển? Có những trường hợp khi được lên tuyến trên thì đã quá muộn), mà tự ý vượt tuyến thì mức hưởng BHYT rất thấp.

 

Từ những thực tế đó, chúng tôi xin đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu xem xét lại mức đóng BHYT tùy thuộc vào vùng miền, tùy thuộc vào sự hưởng lợi từ BHYT để có mức đóng phù hợp. Và cần tránh sự chênh lệch về quyền lợi từ các vùng miền, bởi điều chúng tôi cần ở đây là được chăm sóc sức khỏe.

 

Mong được các bạn đọc chia sẻ và các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn đến những người lao động miền núi vốn đã phải chịu nhiều khó khăn và thiệt thòi.

 

Võ Trung Việt  

trungvietkd@gmail.com