Bạn đọc viết

Người gieo chữ nơi bom đạn vừa dứt

(Dân trí) - Đó là cô giáo Nguyễn Thị Khuê – người đã giúp học sinh vùng kinh tế mới Lâm Đồng thoát nguy cơ tái mù chữ từ năm 1977. Suốt 36 năm miệt mài vì sự nghiệp trồng người, từ ngày vùng đất ấy còn mảnh đạn ẩn sâu dưới cỏ dại ngút ngàn, cô giáo Khuê đã được người dân nơi đây quý mến vì là người gieo chữ nơi đạn bom vừa dứt.


Cô Khuê và chồng trong ngày cưới con gái

Cô Khuê và chồng trong ngày cưới con gái

Trong khi toàn ngành giáo dục cùng cả xã hội thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” và trước thềm năm học mới, xin ghi lại đôi dòng về người đã âm thầm gieo lại con chữ trên mảnh đất Lâm Đồng vừa ráo tạnh đạn bom, ngay sau ngày đất nước thống nhất.

Trời cho tôi cơ duyên gặp chị.

Vào một ngày hè năm 2018. Tôi đi du lịch cùng cơ quan tại Đà Lạt. Tranh thủ được một ngày “tách đoàn” để đến thăm người quen ở Bảo Lộc. Thật may hôm đó, gia chủ lại được tiếp bạn đồng môn họp lớp. Vốn hiếu khách, chủ nhà mời tôi ở lại cùng dự liên hoan cho vui.

Dự buổi hợp lớp của họ hôm đó, tôi hiểu hơn về tình người nơi miền đất đỏ cao nguyên. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là cô giáo chủ nhiệm của chị chủ nhà – người đã gieo lại những con chữ cho thế hệ trẻ em nơi vùng kinh tế mới từ năm 1977 – đó là cô giáo Nguyễn Thị Khuê.

Chứng kiến tình cảm của những cô cậu học trò năm xưa, giờ đều tuổi đời trên 40, thành đạt cũng có, lam lũ cũng có, nhưng họ đều dành cho cô Khuê một tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc, lại được nghe họ trải lòng với khách (là tôi). Tất cả những điều đó thôi thúc tôi cầm bút viết về chị - người đã gieo chữ, ươm mầm nơi rừng núi đại ngàn, ngay sau ngày đất nước thống nhất.

Gian nan những ngày đầu gieo con chữ

… Tháng 7 năm 1977, sau khi học xong cấp 3, cô gái trẻ Nguyễn Thị Khuê rời vùng quê xứ Đoài, cùng nhiều thanh niên khác xung phong vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng để khai hoang lập nghiệp. Họ được giao nhiệm vụ xây dựng Nông trường Quốc doanh Blaosơrê (thuộc huyện Bảo Lộc - Lâm Đồng). Hàng ngày phát rừng làm rẫy, trồng dâu nuôi tằm, trồng chè, cà phê; tối đến lại vui ca hát, văn nghệ rất lạc quan. Trong những buổi giao lưu văn nghệ ấy, cô Khuê để ý thấy có mấy đứa trẻ con thường dắt nhau đi xem, hỏi ra mới biết đó là con của các gia đình cũng đi làm kinh tế mới. Bất giác cô Khuê lại nhớ các em của mình ở nhà, cũng “trứng gà trứng vịt” như chúng, nhưng được học hành đàng hoàng. Còn bọn trẻ ở đây, vì theo bố mẹ đi khai hoang, các em phải nghỉ học giữa chừng. Chính vì điều đó, cô càng trở nên thân thiết với bọn trẻ hơn. Bọn trẻ cũng quý cô Khuê, thường đến khu lán của cô để nghe kể chuyện. Lân la, cô Khuê biết các em rất muốn được đi học lại. Ngặt nỗi ở đây, để đi học phải lên tận Thị xã Bảo Lộc, cách mấy chục cây số. Nghĩ thương bọn trẻ, lại là người duy nhất trong đoàn đã học hết cấp 3, cô tình nguyện dạy bọn trẻ học miễn phí.

Qua kiểm tra sơ bộ, cô Khuê thấy kiến thức của bọn trẻ rơi rụng nhiều (so với học bạ bố mẹ cung cấp). Cứ đà này, nếu không được học, nguy cơ tái mù chữ sẽ đến với các em, và còn những đứa trẻ chưa được học thì sao? Ban lãnh đạo Nông trường còn bộn bề biết bao công việc, số lượng học sinh này chưa đủ để mở lớp… Còn nếu muốn đi học, chúng phải lên tận thị xã, cách mấy chục cây số. Thời gian đâu? Ai đưa đón? Trong khi bố mẹ chúng mới vào đây lập nghiệp, trăm thứ phải lo… Trăn trở như vậy nên mỗi chủ nhật, cô Khuê lại kèm cặp chúng đọc, viết, làm toán cho đỡ quên.

Ban đầu, mấy tấm gỗ ghép làm bảng dựa dưới mái hiên phòng giám đốc nông trường, vài cái bàn ghế đơn sơ đóng bằng gỗ ván, thế là có lớp học. Trời nắng, cô mượn một chiếc chiếu, sáng che nắng phía này, buổi chiều lại che nắng bên kia. Học trò có 5 em mà đến 4 trình độ, vỡ lòng cũng có, lớp 2, lớp 3, lớp 4 đều có.

Ban giám đốc nông trường thấy bọn trẻ say mê học quá, lại thấy cô giáo có tâm nên phân công cô Khuê chính thức phụ trách các em (gọi là lớp xóa mù), tiện thể trông luôn 2 đứa trẻ đang tuổi mẫu giáo (bắt đầu từ tháng 3 năm 1978). Thế là vừa bế một cháu nhà trẻ ngủ, cô Khuê vừa kèm cặp các cháu theo trình độ đã học từ trước khi đi theo bố mẹ vào vùng kinh tế mới.

Điểm trường chưa hình thành, cô Khuê được Ban giám đốc giới thiệu lên Phòng Giáo dục Bảo Lộc liên hệ lấy sách, xin chương trình về dạy. Miệt mài ngày nắng cũng như mưa, những mái đầu khét nắng chụm lại bên mái hiên khu làm việc công vụ Nông trường Blaosơrê, viết chữ, làm toán, múa hát dưới sự hướng dẫn dìu dắt của cô Khuê. Rồi cô trò cũng được nông trường cất cho một gian lán, vách bằng ván bưng, lợp cỏ tranh.

Thời gian sau, các gia đình vào khu kinh tế mới nhiều hơn. Có những gia đình vừa vào khai hoang, ở cách đó vài ba cây số cũng gửi con cho cô Khuê dạy dỗ chăm nom. Lớp của cô lại đón thêm 3 học sinh khác nữa. Những đôi chân trần lấm lem màu đất vì phải vượt qua mấy cây số đường rừng để đến lớp học, nhưng tinh thần ham học không làm các em chùn bước. Thương nỗi vất vả của bố mẹ chúng, chân ướt chân ráo từ ngoài Bắc xa xôi vào đây, lạ nước lạ cái, ngày ngày khai hoang phát rừng làm nương, cô Khuê vừa dạy chữ lại vừa chăm chút cho bọn trẻ. Những mái tóc rối bù được cô giáo gội bằng bồ kết từ quê nhà gửi vào; tấm áo chưa lành được cô Khuê vá lại; những cây bút, tập vở được mua từ tiền của các cô chú trong nông trường ủng hộ, hoặc trích từ đồng lương ít ỏi của cô giáo, được cô tự tay mua về cho các em mỗi khi có dịp lên thị xã… Cô còn xin áo len cũ của người lớn, tháo ra, giặt lại rồi đan cho các em những chiếc áo đủ ấm trong mùa đông. Tất cả những việc làm đó là cả một tấm lòng người mẹ, nếu không phải người có tâm thì dễ gì làm được …

Để thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy, lãnh đạo nông trường quyết định cử cô đi học chuyên môn sư phạm. Hè 1980, cô Khuê được cử đi học tại Trường Trung cấp Sư phạm Đà Lạt. Lớp học lúc này không có người phụ trách, bị gián đoạn một thời gian. Tạm xa các trò nhưng cô Khuê vẫn đau đáu nỗi niềm mang con chữ đến cho bọn trẻ. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Đà Lạt, cô xung phong về lại Nông trường Blaosơrê để tiếp tục dạy học. Lúc này học trò có thêm dăm bảy em, tất cả khoảng trên chục cháu, thuộc nhiều trình độ, cô vẫn phải một mình dạy lớp ghép rất vất vả.

Rồi đoàn Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mới của các cô hết hạn nghĩa vụ. Bạn bè trở về Bắc cùng gia đình, riêng cô Khuê tình nguyện ở lại, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người.

Từ khi có bằng sư phạm, cô Khuê chính thức là giáo viên, hàng tuần sinh hoạt chuyên môn tại Trường cấp 1,2 Châu Lạc (nay là tiểu học Lộc Châu 1- Bảo Lộc). Đến năm 1982, lớp “xóa mù” này trở thành phân hiệu của trường Châu Lạc. Rồi trường Châu Lạc được tách ra thành Lộc Châu A và Lộc Châu B, lớp cô Khuê lại là phân hiệu của Lộc Châu B. Mãi đến năm 1992, học trò tăng lên, một số giáo viên được điều chuyển về thêm, phân hiệu này trở thành trường Tiểu học Lộc Châu C, (chính thức có con dấu), sau gọi là Lộc Châu 3 rồi đổi tên thành Tiểu học Võ Thị Sáu hiện nay.

Những kỷ niệm khó quên

Rưng rưng xúc động, các cô cậu học trò năm xưa cùng ôn lại những kỷ niệm một thời với cô giáo của mình. Qua câu chuyện của họ, tôi được biết: có nhiều hôm học xong, mặc dù không mưa nhưng nước lũ trên nguồn đổ về. Học trò không vượt suối được, cô lại đón các em về nhà mình, nấu cơm cho chúng ăn và tắm rửa rồi ngủ lại để hôm sau học tiếp. Các chị Nguyễn Thị Trâm , Nguyễn Thị Thế – học trò thời ấy – nhắc lại: “Hôm đó ăn cơm nguội với nước mắm tỏi của cô sao mà ngon thế!”.

Ngày Hiến chương các nhà giáo, học trò nghĩ sẽ tặng cô những gì mà chúng quý nhất. Những bông hoa dại mọc ven suối được bó để tặng cô. Có một món quà được gói trong miếng vỏ bao xi măng. Cô mở ra... và ứa nước mắt… vì đó là một ổ bánh mì. Cậu học trò bẽn lẽn: Thưa cô, em chẳng biết tặng gì cho cô cả, hàng ngày em thích nhất ăn bánh mì, nên bánh mì đối với em là quý nhất. Em tặng cô để cô ăn cho đỡ đói… Đó là lời chia sẻ của anh Sáu - một người học trò nhút nhát khi xưa của cô Khuê.

Gieo con chữ để dâng trái ngọt cho đời

Qua cuộc hội ngộ này, tôi được biết: nhờ có cô Khuê, những học trò của lớp “xóa mù” 40 năm về trước đều đã trưởng thành, là người có ích cho xã hội. Do điều kiện khó khăn, họ không học tiếp lên cao hơn mà theo bố mẹ để trở thành người buôn bán, người làm vườn, trồng cà phê, trồng chè, người mở hàng ăn uống, bán tạp hóa…. Đặc biệt có 2 học trò đã học tiếp lên cấp 2, cấp 3 rồi Đại học, là người thành đạt nhất: đó là anh Vũ Đại Dương – hiện là Sĩ quan quân đội, giảng viên Đại học quân sự Nguyễn Huệ - Long Thành - Đồng Nai (trường Sĩ quan Lục quân 2 trước đây). Người thứ hai là anh Nguyễn Văn Định – hiện là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (đóng tại Bảo Lộc).

Một gia đình viên mãn

Sau khi tình nguyện ở lại Lâm Đồng dạy học, cô Khuê đã kết duyên cùng một người lính phục viên về làm tại nông trường Blaosơrê. Cô chú sinh hạ được 4 người con, nay đều thành đạt: Người con trai cả là sĩ quan quân đội công tác tại Gò Vấp. Hai cô con gái theo nghề sư phạm của mẹ, hiện tại công tác trên Thành phố Hồ Chí Minh. Cậu con út cũng là kỹ sư cầu đường, công tác tại Đồng Nai. Sau 36 năm công tác, cô Khuê chia tay nghề sư phạm trên cương vị là giáo viên kiêm Chủ tịch công đoàn của trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Lộc Châu - Bảo Lộc - Lâm Đồng). Hiện tại ông bà nghỉ hưu, trông cháu và tham gia thêm công tác xã hội tại nơi cư trú.

Khi được hỏi: động lực nào giúp cô vượt qua muôn vàn khó khăn, tình nguyện ở lại gieo con chữ trên vùng đất khó? Cô Khuê cười cho biết: Ngày đầu, tôi chỉ nghĩ giản đơn coi bọn trẻ như các em mình ở nhà. Các em tôi được học hành đến nơi đến chốn, còn bọn trẻ theo cha mẹ vào đây, vì đường đất xa xôi nên không được học tiếp. Tôi tình nguyện dạy cho chúng cái chữ, hiểu đạo lý làm người, sau này là người tốt cho xã hội. Thực tế là thời gian tôi đi học sư phạm, không có ai tiếp tục dạy cho chúng học nữa, nguy cơ tái mù chữ lại đến, mình về Bắc nghĩ cũng tội bọn trẻ, thế là tôi xung phong ở lại. Sau này, là Đảng viên, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn với con đường mình đã chọn, nên dù có khó khăn vất vả vẫn vui. Bạn thấy đấy, nếu tôi và lãnh đạo nông trường không quyết tâm, thì bọn trẻ hồi đó, đứa đã đi học có nguy cơ tái mù chữ, đứa chưa đi học sẽ thất học mà thôi. Cô trò chúng tôi cũng thường nói vui rằng: sẽ không có sĩ quan quân đội Vũ Đại Dương, cũng chưa chắc đã có Phó Tổng giám đốc tài ba Nguyễn Văn Định của ngành dâu tằm tơ Việt Nam…

36 năm công tác, cô Khuê đã chở nhiều chuyến đò cập bến, không thể nhớ hết tên những người khách qua đò. Nhưng lứa học trò đầu tiên nơi vùng đất vừa ráo tạnh đạn bom, với những cái tên Hương, Hoài, Mỹ, Thịnh, Thủy, Dương, Định, Sáu, Trâm… sẽ là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong cuộc đời nhà giáo Nguyễn Thị Khuê. Dù là ai trong cuộc sống bộn bề mưu sinh, họ vẫn là người có ích cho xã hội. Và trên hết, là tình cảm gắn bó cô trò được duy trì từ ngày ấy đến bây giờ, để mỗi năm một lần hội ngộ, mỗi năm một lần thêm gắn kết thương yêu.

Diễm Nguyệt