Người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói thẳng một sự thật: “Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình!”

Người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa


Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: “Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: “Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình.

Về hướng xử lý những tài sản không giải trình được nguồn gốc của cán bộ, Dân trí đã thông tin kỹ về những ý kiến tại phiên thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp 27 của UB Thường vụ Quốc hội sáng 10/9 (các bài “Chính phủ nói gì về phương án xử lý tài sản bất minh tại toà?”; Chủ tịch Quốc hội: Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình!).

Cuối buổi thảo luận, các đại biểu thống nhất chốt lại 2 phương án xử lý: khởi kiện ra toà đề nghị tịch thu hoặc thu thuế. Nhưng, dù có phương án nào đi nữa, các lập luận đưa ra đều thừa nhận có những cái khó của nó.

Và cái khó nhất, khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản vừa qua có thể thấy nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được nguồn gốc, nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý nào để xử lý.

Để thấy việc thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc khó như thế nào, tôi muốn so sánh (dù khập khễnh) với một số vụ án đang nổi cộm hiện nay: Trong một vụ án, chỉ có đối tượng đưa hối lộ mà không có người nhận hối lộ. Chuyện thật như đùa, nhưng đang diễn ra … đúng luật.

Trong vụ án ‘mua bán logo xe vua’ xảy ra ở Đồng Nai đang gây bức xúc trong dư luận bởi nghi án Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông (TTGT) bảo kê cho hàng loạt xe tải quá khổ, quá tải nhưng vẫn bình yên vô sự.

Hai bị can bị khởi tố về tội hối lộ khai rất rõ những lần hối lộ cho 80 cán bộ của CSGT và TTGT. Trong đó, chỉ có một cựu CSGT thừa nhận có nhận tiền nhưng cũng chỉ bị quy kết tội môi giới hối lộ. Cơ quan điều tra nhận định, lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau về khoản đưa hối lộ và có những số điện thoại của các bị can này liên lạc với một số CSGT và TTGT. Tuy nhiên, 79 vị này không thừa nhận hành vi nhận hối lộ, do đó, lời khai của các bị can này bị coi là một phía. Vì vậy, cơ quan điều tra không thể khởi tố 79 đối tượng nêu trên và tất nhiên họ vẫn bình an.

Như vậy, vụ này chỉ có các bị can hối lộ, môi giới hối lộ mà không có đối tượng nhận hối lộ. Ai cũng thấy bức xúc, nhưng nó lại đúng luật.

Tương tự, vụ đánh bạc ngàn tỉ do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu cũng có tình tiết tương tự. Các đối tượng tổ chức đánh bạc này khai hối lộ cho hai ông tướng ở Tổng cục Cảnh sát hơn 80 tỉ đồng. Lời khai này được cơ quan điều tra cho rằng có cơ sở, nhưng chưa đủ căn cứ để chứng minh, nên kết cục, chỉ có những đối tượng bị khởi tố tội đưa hối lộ nhưng hiện vẫn chưa có kẻ nhận hối lộ.

Nói về những vụ án này để thấy rằng, muốn kết tội các đối tượng về tội nhận hối lộ không hề đơn giản. Bởi dù có quyết liệt chống tham nhũng, nhưng luật vẫn phải tuân thủ “nguyên tắc suy đoán vô tội”; “quy định có lợi cho bị can, bị cáo” …

Quay trở lại với những cán bộ không giải trình được sự hợp lý về nguồn gốc tài sản, việc đưa ra kiện ở tòa chắc chắn không đơn giản một chút nào. Các cơ quan chức năng rất khó chứng minh đó là tài sản tham nhũng bởi, chúng ta vẫn dùng tiền mặt là chính và việc kê khai tài sản của cán bộ vẫn chưa công khai cho dân biết, dân kiểm tra.

Do đó, liệu tòa án có dễ ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý không? Đây là một câu hỏi không dễ với tòa án nếu xem xét quá trình tố tụng hình sự lẫn dân sự ở nước ta.

Tuy nhiên, xử lý tài sản bất minh qua con đường tố tụng tại toà án là bước tiến mới mà cả cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo luật (Chính phủ) mạnh dạn đưa ra. Dù rằng, xử lý tại toà án có điểm vướng nhất là về tâm lý, khi nhiều trường hợp, cơ quan kiểm soát tài sản kiện cán bộ ra toà để yêu cầu thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc thì chính là đi kiện lãnh đạo, kiện cấp trên của mình.

Với phương án đánh thuế - một hướng đang bị nhiều người phản ứng quyết liệt, bởi cho rằng, như vậy không khác gì hợp thức hóa tài sản tham nhũng. Nhưng, vấn đề là, đã có cơ quan nào chứng minh được đó là tài sản tham nhũng không? Mà nếu đã chứng minh được, thì lúc đó, đương nhiên bị xử lý hình sự chứ chẳng phải chỉ thu hồi tài sản.

Do đó, với tài sản không chứng minh được nguồn gốc, có người cho rằng, hoàn toàn điều chỉnh được bằng luật thuế. Luật hiện hành quy định những khoản thu nhập không thường xuyên diện này bị áp thuế cao nhất là 35%, nếu không kê khai còn phải chịu phạt 1-3 lần. Nếu áp dụng các quy định ở mức tối đa thì hoàn toàn có thể thu hồi gần như 100% tài sản đó.

Như vậy, dù cơ quan chức năng không chứng minh được tài sản hình thành do tham nhũng nhưng chúng ta vẫn thu hồi được toàn bộ số tài sản đó theo luật thuế hiện hành. Và theo luật thuế, những người không giải trình được nguồn gốc tài sản vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng dù với phương án nào,quan trọng là kết quả. Như Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Về phía dư luận thì người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa, cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng hỏi vấn đề đó.

Đó cũng là câu hỏi nóng bỏng của dư luận: tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa?

Vương Hà