Bạn đọc viết

Nghịch lý: Con dân và con quan trên con đường lập nghiệp

Có người nói vui, báo chí chúng ta giật tít: “Cô bé bán xôi đỗ hai trường Đại học”, rồi cũng tờ báo đó, bốn năm sau lại giật tít: “Có hai bằng Đại học đi bán xôi”

 

 


Minh họa: Ngọc Diệp

 

Minh họa: Ngọc Diệp

 

Tình cờ tôi gặp lại thầy giáo cũ là Hiệu trưởng lâu năm của một trường cấp 3. Câu chuyện của chúng tôi vô tình đề cập đến những cán bộ trẻ, được bầu nắm giữ những chức vụ trọng yếu, là con của ông này, ông kia…thuộc thế hệ 8x, 9x mà dư luận gần đây rất quan tâm. Bất chợt, thầy giáo hỏi tôi: “Các thủ khoa Đại học đều là con nhà nghèo, không thấy tên con của các vị lãnh đạo, nhưng giữ những chức vụ cao lại là con các vị ấy, em thấy có nghịch lý không?”. Câu hỏi của thầy, gợi suy nghĩ trong tôi về ý nghĩa của hai từ “nghịch lý”. 

Nghịch lý là một danh từ chỉ một điều gì đó có vẻ ngược với lôgic thông thường, nhưng vẫn đúng hoặc khó bác bỏ. Có những nghịch lý chúng ta dễ dàng phát hiện ngay nhưng có những nghịch lý cần phải có nhiều thời gian mới có thể nhận ra, như nghịch lý mà thầy tôi băn khoăn.

Xuất phát điểm: con nhà nghèo có “lợi thế”

Năm 2008, GS Thomas J.Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard đã thừa nhận Giáo dục Việt Nam có 3 điểm sáng, đó là: sự bùng nổ của internet, truyền thống hiếu học của dân tộc và kỳ thi tuyển sinh đại học được tổ chức khá nghiêm túc [1]. Vì tổ chức kỳ thi Đại học nghiêm túc nên chúng ta chọn được nhiều người giỏi, có thực lực để đào tạo. Mặt khác Việt Nam là một xã hội hiếu học và đặt giá trị của giáo dục rất thiêng liêng. Các bậc phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho việc học tập của con cái mình cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cứ sau mỗi kỳ thi tuyển sinh Đại học, tên của những em học sinh đỗ thủ khoa các trường Đại học lại được xướng lên, làm nức lòng nhân dân cả nước. Một điều đáng khâm phục hơn nữa là nhiều em trong số đó là có hoàn cảnh rất khó khăn. Bài viết “Vì sao thủ khoa là học sinh nông thôn?” đăng trên báo Thanh niên, ngày 04/08/2014 đã nhận định: “Thống kê từ các kỳ thi tuyển sinh hằng năm, đa số thí sinh trúng tuyển đều ở khu vực 2 nông thôn. Đặc biệt, trong top 100 TS có điểm thi cao nhất nước thì phần lớn đến từ những tỉnh nghèo và không ít em có hoàn cảnh khó khăn”[2]. Bài báo này cũng đã thống kê cụ thể những thủ khoa xuất thân từ các vùng nông thôn, có hoàn cảnh rất đáng thương. Phần lớn bố, mẹ các em làm phụ hồ, bốc vác, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Cá biệt có em mô côi cha, cả gia đình 3 anh em ăn học phải dựa vào gánh hàng đậu hũ của mẹ (Thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM em Phạm Thị Ngọc Biển, tỉnh Đắk Lắk, năm 2014). Hay câu chuyện về thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Hữu Tiến (29,5 điểm) năm 2013 đã gây xôn xao dư luận. Tiến sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), vì gia cảnh khó khăn nên người cha phải mưu sinh khắp nơi, chấp nhận sống trong ống cống để kiếm tiền nuôi con học hành..v.v.

Trong top 100 các thí sinh có điểm thi cao,  chắc chắn sẽ có những em gia đình có điều kiện, khá giả, không phải lo nghĩ chuyện “cơm áo gạo tiền” chỉ tập trung vào việc học. Nghĩa là không tính đến hoàn cảnh xuất thân, tất cả các em là những hạt giống tốt, hứa hẹn nhiều triển vọng sẽ rực sáng trong tương lai. Như vậy ở vạch xuất phát điểm trong nội bộ của top đầu, con nhà nghèo có lợi thế hơn con nhà có điều kiện (nhà giàu). Và đương nhiên giấc mơ công thành danh toại  sẽ nghiêng hẳn về “anh học trò nghèo hiếu học”. Điều này không  chỉ là hy vọng mà nó là niềm tin, niềm tin về một xã hội ngày càng tốt đẹp. Nhưng thực tế không như vậy!

Về đích:  con nhà “có điều kiện” chiếm ưu thế

Nếu các thủ khoa được xướng tên qua các kỳ thi đại học được mọi người khấp khởi tán thưởng, lấy đó là tấm gương để giáo dục lớp người trẻ phía sau tiếp bước thì các con ông này, ông nọ đồng loạt bước lên vũ đài chính trị có phần trầm lắng hơn bởi những tiếng xì xầm bàn tán, ngạc nhiên có, tranh cãi khen chê có, và lẫn trong đó cả những bức xúc. Những người tài năng thật sự vẫn muốn đóng góp trí tuệ của mình để giúp dân giúp nước. Con nhà nghèo hay con nhà có điều kiện ít hay nhiều đều nung nấu tâm can để phấn đấu cho “công danh sự nghiệp”. Chỉ có điều cách thức tiến chọn người tài của chúng ta vẫn chưa làm thỏa mãn lòng dân. Điều này thật nguy hiểm vì nó chạm đến niềm tin. Niềm tin của một người là thứ của cải tinh thần, quý hơn tất cả mọi thứ mà người đó có được. Mất niềm tin là mất tất cả.

Mọi sự lý giải là hãy đợi đấy!

Giải thích cho nghịch lý này, có nhiều ý kiến khác nhau.Việt Nam chúng ta vẫn chưa có những cuộc điều tra để thăm dò ý kiến người dân như các nước phát triển. Vì vậy mọi ý kiến chỉ là tham  khảo. “Đúng quy trình” là kết luận của cơ quan giám sát nhà nước thay cho câu trả lời với người dân. Tác giả Huỳnh Thế Du trong bài “Nhân sự U40: cải cách mạnh mẽ” đăng trên Vietnamnet ngày 23/10/2015 nhận định: “Với những gì đang xảy ra trong việc bố trí nhân sự ở cấp tỉnh, có lẽ đây là lần thay đổi mạnh mẽ nhất từ nhiều năm nay. Nhiều cán bộ rất trẻ so với thông lệ bố trí cán bộ của Đảng đã được đưa vào những vị trí rất cao ở nhiều địa phương”. Tác giả cho đây là một dấu hiệu mang tính tích cực  vì 3 lý do, đó là: sẽ làm thay đổi cách nhìn của xã hội về nền tảng của sự phát triển; đây là quyết định táo bạo; những người được cất nhắc buộc phải thể hiện năng lực[3]. Bài báo như một sự chấp nhận, việc đã rồi để động viên nhau, mà trong tiếng Anh có một thành ngữ đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, nói lúc bí, thể nào cũng đúng: “wait and see” (tạm dịch: thời gian sẽ trả lời).

Người viết bài này không tự tin để chỉ rõ “thủ phạm” tạo nên nghịch lý nêu trên, mà chỉ muốn nêu thêm vài hiện tượng trong xã hội gần đây để bạn đọc cùng suy nghĩ.

Chuyện thứ nhất: Gần đây VTV tổng kết 13 năm tổ chức cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” mới phát hiện ra điều xót xa, đó là trong số 13 quán quân của cuộc thi này chỉ có duy nhất một người chọn con đường quay trở về Việt Nam làm việc (làm việc cho công ty của Anh ở Quận 1) và sinh sống. 12 quán quân còn lại hiện đang định cư và làm việc luôn ở Úc. Có lẽ “13 vòng Nguyệt quế” được vinh danh cũng giống như những tài năng thủ khoa đại học. Chỉ có điều các quán quân được học tập trong môi trường không phải VN. Và nếu đặt ra giả thuyết một quán quân nào đó là con của một chính trị gia tầm cỡ thì không biết sau khi học xong có trở về VN không? Nhưng điều này thì chắc chắn đã xảy ra: trong số các lãnh đạo 8x, 9x con của các chính trị gia tầm cỡ phần lớn lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Anh, ở Mỹ đã quay về VN và ngay lập tức được bố trí vào vị trí cao. Nghĩa là yếu tố “con ai” đã quyết định bằng cấp và môi trường học tập. Thực tế trong xã hội có nhiều người có học vị như con của các vị lãnh đạo nhưng nào đâu được ưu ái bố trí và có lẽ 13 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” có về VN thì cũng cùng chung số phận.

Chuyện thứ hai: Trong buổi tọa đàm góp ý về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ngày 23/10/2015, thầy Văn Như Cương nhiều năm gắng bó với giáo dục, đã nhận xét: “Chúng ta là một xã hội hiếu học, nhưng hiếu học của chúng ta bây giờ rất lạc hậu” (Giáo dục Việt Nam, ngày 24/10/2015). Hiếu học nay đã lạc hậu nghe có gì đó rất đau, rất xót, rất thương cho con dân nước Việt! Nghĩa là 178.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp tính đến hết năm 2014 là nạn nhân của tinh thần hiếu học, không biết trong số đó có ai là con lãnh đạo?

Có người nói vui, báo chí chúng ta giật tít: “Cô bé bán xôi đỗ hai trường Đại học”, rồi cũng tờ báo đó, bốn năm sau lại giật tít: “Có hai bằng Đại học đi bán xôi”. Câu chuyện đùa vui về báo chí thời cơ chế thị trường nhưng lại thâm thúy mỉa mai tình trạng thất nghiệp. Bài toán thất nghiệp chưa giải quyết được thì mới đây thôi Chính phủ ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về mức thu học phí mới, áp dụng từ 1/12/2015. Nội dung của Nghị định như một thông báo tăng mức đóng học phí, một sinh viên học đại học công lập phải đóng học phí ít nhất gần 20 triệu đồng/năm. Học đã tốn kém tiền của, chưa có việc làm, giống như người kinh doanh chưa bán được hàng có nguy cơ ế ẩm, bây giờ nguyên vật liệu làm nên sản phẩm lại tăng, biết làm sao đây? Vì thế GS Nguyễn Tất Dong đã xót xa nhận định: “ít tiền thì học ít, kiếm dăm chữ thôi, đừng mơ tưởng tới đỉnh cao học vấn” (Dân trí, ngày 15/10/2015), có lẽ là giải pháp để chữa căn bệnh “hiếu học lạc hậu”?

Dẫn ra hai câu chuyện trên để thấy rằng, con nhà nghèo có tất cả các năng lực, thậm chí hơn cả con nhà có điều kiện ở xuất phát điểm nhưng “thua” một thứ.  “Thứ” đó không thể cố gắng là có được, đó là “con ai”. Thế mới thấy những lời đồn đại trong dân gian đến nay vẫn còn nguyên giá trị: con vua thì thì lại làm vua/ con sãi ở chùa lại quét lá đa.

Đất nước ngày càng phát triển và sẽ phát triển hơn nếu chúng ta có những bước đi đột phá. Không biết cách bố trí cán bộ vừa rồi mà dư luận xôn xao có phải là một bước đột phá? Khách quan mà nhận định đất nước ta có phát triển nhưng so với các nước trong khu vực vẫn chưa có gì khởi sắc và càng tụt hậu so với thế giới.

Đến đây, người viết chợt nghĩ ra thêm một ‘nghịch lý” nữa, bắt nguồn từ phát biểu của một vị  lãnh đạo Tp HCM: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc (Vietnamnet, ngày 26/10/2015).  Đời anh đã “yếu kém” thì con anh khó có thể hy vọng gì. Nếu VN trong 5 năm 10 năm nữa vẫn đi chậm về sau thì nghịch lý này, nên chăng cần giải thích bằng một câu thành ngữ: con nhà tông không giống lông cũng giống cánh?

Nguyễn Hữu Tâm

(Bà Rịa – Vũng Tàu)

Chú thích:

[1]: http://dantri.com.vn/dien-dan/diem-danh-nhung-ngo-nhan-co-tinh-cua-giao-duc-vn-1349630654.htm

[2]: http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi-tre/vi-sao-thu-khoa-thuong-la-hoc-sinh-nong-thon-443770.html

[3]: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/268986/nhan-su-u40--cai-cach-tao-bao.html