Bạn đọc viết
Nghĩ về một giáo sư mặc áo veston quần short lên bục giảng
Giáo sư Thành cho biết: “Hình ảnh đó là trong buổi học nói về việc làm sao phát triển tư duy sáng tạo. Ở đó, tôi nói rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình. Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, trong những gì chúng ta cho là được và không được thì mới có khả năng sáng tạo. Nếu không sẽ luẩn quẩn trong những điều hiện có và không thể đột phá được”.
Thời gian qua, dư luận đã xôn xao về việc một Giáo sư mặc quần đùi lên giảng đường dể giảng dạy tại Đại học Hoa Sen. Cụ thể , hình ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh - mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng điều đó làm mất hình ảnh người thầy, không phù hợp với giáo dục, không chuẩn mực theo thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có không ít người ủng hộ và cho rằng đó là một sự phá cách, thể hiện tư duy giáo dục cởi mở và sáng tạo.
Được biết, Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, từng giảng dạy tại Đại học Utah (Hoa Kỳ). Năm 2006, vị Giáo sư này về nước, tham gia vào Viện Khoa học và Công nghệ tính toán của thành phố. Năm 2017, Giáo sư Trương Nguyện Thành được mời về làm Hiệu phó điều hành của Trường Đại học Hoa Sen, với mong muốn xây dựng một trường Đại học đẳng cấp quốc tế của người Việt.
Trước vấn đề trên, trao đổi với báo chí, Giáo sư Thành cho biết: “Hình ảnh đó là trong buổi học nói về việc làm sao phát triển tư duy sáng tạo. Ở đó, tôi nói rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình. Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, trong những gì chúng ta cho là được và không được thì mới có khả năng sáng tạo. Nếu không sẽ luẩn quẩn trong những điều hiện có và không thể đột phá được”.
Trước lời nói trên của Giáo sư Trương Nguyện Thành cũng cần thiết có sự luận bàn thêm về vấn dề này trong một góc nhìn, đặc biệt là vấn đề sáng tạo.
Từ trước tới nay, môi trường giáo dục luôn là một môi trường của sự chuẩn mực, với sự khắt khe thường thấy về mặt văn hóa. Điều đó đã được ăn sâu vào nhận thức chung. Tuy thế, đã xảy ra chuyện, trong một buổi giảng cho sinh viên, một Giáo sư đã ăn mặc phá cách theo phong cách thường thấy của một nhà giáo. Ở dây, Giáo sư Trương Nguyên Thành đã lấy chính mình làm công cụ trực quan, chiếc áo veston và chiếc quần sooc như là đạo cụ, để phục vụ cho một kịch bản trên sân khấu. Theo đó, Giáo sư là người thầy, cũng kiêm luôn là diễn viên cho vở diễn, với mục đích truyền đi thông điệp và cảm hứng cho sinh viên. Và thông qua những hình ảnh này, Giáo sư Trương Nguyện Thành muốn truyền tải thông điệp đến các bạn sinh viên rằng: Muốn phát triển tư duy, sáng tạo thì cần bỏ những rào cản về tư tưởng, không giới hạn trong suy nghĩ, dũng cảm vượt qua định kiến.
Như thế, có thể nói, về ý tưởng của Giáo sư Thành là hoàn toàn đúng đắn. Do đó, nói theo như tác giả Trương Khắc Trà trong bài viết “Giáo sư, cái quần đùi và sự sáng tạo“ trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam là nên sẽ là “lo bò trắng răng” vì nếu nói cái quần đùi của Giáo sư Thành làm vấy bẩn môi trường giáo dục, gieo vào mắt người học hình ảnh méo mó về người thầy.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là Giáo sư đang giảng bài ở giảng đường. Vì thế, nếu như cách ăn mặc của Giáo sư là một sự thể hiện về sáng tạo thì cần phải phù hợp hơn. Bởi lẽ, mọi sự sáng tại cần phải có sự hợp lý và tạo ra cái mới, đẹp và hay hơn. Trên thực tế, hình ảnh chiếc áo veston được diện cùng với cái quần đùi thì không thể cho là đẹp và hợp lý được. Bởi lẽ, chiếc áo veston thường được chỉnh tề trong một bộ trang phục chỉn chu về phong cách đã được thừa nhận. Do đó, nếu Giáo sư Thành chọn cho mình một phong cách ăn mặc khác thể hiện sự sáng tạo thì có lẽ là hợp lý hơn và không gây phản cảm nơi giảng đường để dẫn tới những luồng tranh luận sóng gió như vậy. Đó là chưa kể đến hành động đó của Giáo sư Thành sẽ được cho là làm mất đi sự tôn trọng đối với người học, mà nhất là đối tượng người học ở đây là các sinh viên, cùng với đó là có thể làm mất đi vẻ đẹp trong sáng và thanh cao nơi học đường.
Sự sáng tạo của con người luôn được khuyến khích. Sự sáng tạo có ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trên thực tế, trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn có thêm một hoạt động giáo dục mới, đó là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tuy nhiên, người sáng tạo phải luôn nhớ được cốt cách của quan điểm và chuẩn mực của văn hóa. Do đó, sự sáng tạo chỉ chấp nhận được nếu sự sáng đó phù hợp với xu thế của sự phát triển chung, thích hợp với thời cuộc.
Sáng tạo là tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần. Đó cũng là việc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có. Tuy nhiên, sự sáng tạo chỉ được chấp nhận nếu cái mới được tạo ra được cái mới hay hơn và đẹp hơn.
Sự sáng tạo được bắt đầu từ ý tưởng, hình thành trên cơ sở nghiên cứu và tìm hiểu về cái đã có, từ đó nảy sinh cái mới và hình thành nên tư tưởng cho hành động. Sự sáng tạo được cho là hợp lý và phá cách khi vượt qua khuôn khổ của sự cũ kỹ và rào cản của sự định kiến. Nghĩa là, người sáng tạo phải tìm ra được sự hạn chế của cái cũ, từ đó hình thành một chuẩn mực mới, tinh hoa hơn.
Sự sáng tạo thậm chí còn được nảy sinh từ trong chính những sự gò bó, áp đặt về nhận thức, vì do đó làm kìm hãm sự phát triển. Và cái mới được tạo ra phải có sự ưu việt hơn cái cũ. Trên thực tế, khó có thể đặt ra một sự chuẩn mực cho sự sáng tạo. Nhưng, một sự sáng tạo được cho là hợp lý khi được số đông thừa nhận. Một thí dụ điển hình cho sự sáng tạo mà chúng ta thấy được số đông thừa nhận trong lĩnh vực thời trang, đó là những chiếc quần Jean (thường gọi là quần bò) có những lỗ thủng rách te tua được nhiều người ưa thích và tạo thành mốt cho thanh niên trong những năm gần đây. Bởi lẽ, cái đẹp của chiếc quần đã tạo ra do có sự pha trộn giữa nét phong trần và sự khỏe khoắn của người mặc. Mặt khác, trong một nét văn hóa đã được đúc kết thành một câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho cho thơm”.
Chính vì thế, sự sáng tạo được chấp nhận khi tạo ra được hiệu ứng về mặt văn hóa và vẫn giữ được cốt cách chung. Thêm vào đó là một cách nhìn khác nữa, đó là giá trị nghệ thuật của cái mới được ra. Khi đó, cái mới được tạo ra trong tư tưởng của sự đột phá, của sự tiến bộ và không chấp nhận sự bảo thủ trong nhận thức. Theo đó, sự sáng tạo sẽ được đón nhận nếu tạo ra sự hiệu quả hơn cho người thụ hưởng.
Trên đây là một vài luận bàn về sự sáng tạo trước sự việc một người thầy mặc một chiếc quần đùi để giảng bài cho sinh viên, những mong chúng ta có cái nhìn chân thực hơn và cùng bình luận, trao đổi về vấn dề này.
Lý Hải Chiều