Bạn đọc viết

Nghĩ về con Rồng Hải Phòng

Chúng ta trước khi phê phán một điều gì cũng cần phải có sự công tâm, công bằng một chút. Cần xem xét sự vật hiện tượng đó ở nhiều góc cạnh. Nói vậy bởi có rất nhiều vấn đề hệ lụy kéo theo, nhất là hệ lụy của “hiệu ứng số đông”.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Hình ảnh con rồng mô hình ở Hải Phòng được phủ hoa giả vừa qua lan truyền trên các trang mạng xã hội với tốc độ chóng mặt gây sự chú ý đặc biệt, kèm theo đó là nhiều bình luận hóm hỉnh, cho rằng mô hình này phản cảm, không đảm bảo tính thẩm mỹ.

Trước hết, chúng ta trước khi phê phán một điều gì cũng cần phải có sự công tâm, công bằng một chút. Cần xem xét sự vật hiện tượng đó ở nhiều góc cạnh. Nói vậy bởi có rất nhiều vấn đề hệ lụy kéo theo, nhất là hệ lụy của “hiệu ứng số đông”.

Thiệt tình, việc trang trí đường phố của Thành phố nói riêng, cũng như chuyện làm đẹp nhà của của mỗi người dân, gia đình nói chung mỗi dịp lễ tế dường như đã thành thông lệ, là lẽ thường trong nét văn hóa của người Việt. Không có gì đáng để bàn cãi vì hình ảnh của Thành phố cũng phản ánh bộ mặt đời sống của người dân.

Nhưng sự ồn ào không đáng có ở đây đó là tin đồn con Rồng có giá trị đến 60 tỉ đồng? Sự thật là sao đi nữa thì sự cũng đã rồi, và dư luận thấy được nhiều điều từ con Rồng của Hải Phòng nói riêng và những công trình tương tự nói chung.

Thứ hai, dưới góc độ các công ty, doanh nghiệp thì có thể hiểu đôi khi họ phải dùng nhiều cách để đẩy mạnh thương hiệu của mình. Một phương pháp mà tôi thấy họ đang áp dụng là “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ càng đồn xa hơn”. Họ nghĩ ra nhiều cách để đánh bóng tên tuổi, “lấy số lấy má” chỗ nọ chỗ kia. Tuy nhiên, những chuyện đó đi quá đà sẽ thành nhảm nhí và bị dư luận phản ứng. Ta thấy rõ là rất lãng phí khi người ta đã bỏ ra biết bao tiền của, công sức để làm những công trình khủng rồi vứt đi sau đó một cách dễ dàng.

Thứ ba, dưới góc độ văn hóa, Rồng mô hình, nhạc nước…của Hải Phòng nó biểu trưng cho cái bệnh “sĩ”. Điều này không chỉ ở duy nhất một địa phương, mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất kỳ địa phương nào, tỉnh thành nào của Việt Nam. Đến lúc công luận phản ứng thì người ta mới thấy đó là sự phí phạm vì chẳng giải quyết được việc gì. Thay vì hiệu ứng như mong muốn, những việc làm, hành vi như thế có thể coi là lệch chuẩn.

Trong một xã hội như phương Tây đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân, họ được tự do, tùy thích trong việc lựa chọn lối sống mà không nặng nề chuyện xem thái độ của những người xung quanh như thế nào thì chuyện sĩ diện đối với họ có chừng mực và thường dừng lại ở sự tự trọng. Ngược lại, ở những dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa tập thể như Việt Nam mình thì mình sống trong mối quan hệ đan xen, chằng chịt với gia đình, họ hàng, làng xóm. Trong xã hội đó có những quy chuẩn đạo đức chung và mọi người cần tuân theo, chỉ cần anh đi chệch quỹ đạo đó sẽ bị người ta dò xét, thậm chí lên án. Văn hóa tập thể một mặt làm tăng tính cộng đồng, cộng cảm. Mặt khác, nó làm cho con người ta không dám thể hiện cái tôi rõ nét, từ đó mà sự đột phá, sáng tạo không cao, đúng hơn là nhiều khi người ta không dám sống thật với bản chất con người mình mà phải lựa theo tập thể.

Hơn nữa, cũng chính bệnh “sĩ” đã đẻ ra chủ nghĩa thành tích. Bấy lâu nay người ta cứ lên án chủ nghĩa thành tích trong ngành giáo dục, nhưng thực ra nếu như soi cho kỹ thì ngành nào, nghề nào cũng có chủ nghĩa thành tích.

Thứ tư, cái “to”, cái uy của cán bộ, cơ quan được gọi phủ với cụm từ mỹ miều “công bộc của dân” hiện rõ. Và sau đó là cái gì?

Nhiều công trình lớn, trong tờ trình luôn có câu: “thể theo nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân”, nhưng thực sự có bao nhiêu nhân dân được hỏi, bao nhiêu nhân dân được tham gia ý kiến?

Có một thực tế là, phần lớn bây giờ, những công trình cần mang tính thẩm mỹ lại ít được những người có chuyên môn, có khả năng liên quan thẩm mỹ tham gia. Cũng như thế, những công trình, gọi là dành cho nhân dân, nhưng nhân dân chỉ biết khi nó đã hoặc sắp hoàn thành, hoặc khi bị báo chí, dư luận lên tiếng.

Để rồi có người người nói, thiên hạ nói, Bệnh “sĩ” là làm của riêng người ta kia, như nhà to, xe xịn… Chứ chuyện làm những cái kỉ lục thì không phải “sĩ” mà là để có “ăn”.

Con Rồng mô hình, nhạc nước 200 tỉ của Hải Phòng. Rộng hơn chút là việc xây tháp truyền hình cao nhất thế giới, tượng đài, trung tâm hành chính…thì số % cho xây dựng công trình này sẽ là bao nhiêu? và ai sẽ được hưởng? Dân thấy rõ hết, nhưng phận dân nói được gì? Làm được gì đâu?

Trong khi đó, nhiều địa phương người nghèo không có gạo ăn trong dịp tết này phải “tấu sớ” để xin trợ cấp. Và Hải Phòng chắc gì đã 100% người dân thoát nghèo. Vậy nên việc trang trí ánh sáng, làm đẹp Thành Phố phục vụ nhân dân vui đón tết được mấy ngày với kinh phí 60 tỉ có nên không?

Đời sống người dân một khi không phải lo những “cái ăn, cái ấm, cái no” thì đó mới chính là biểu hiện của sự sung túc, thịnh vượng của Thành phố. Chứ người dân không cần những trang hoàng lộng lẫy của hình thức bên ngoài. Hãy sử dụng tiền thuế của dân sao cho đúng, trúng mục đích.

Đấy, phía sau con Rồng là gì những gì? Ai chỉ ra tiếp đi!

Lầu Thanh

.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm