Bạn đọc viết
Nghĩ về chương trình công nghệ giáo dục
(Dân trí) - Dẫu biết động đến chữ viết là động đến 100% số người trong xã hội, nhưng mọi người cần thận trong tìm hiểu bản chất vấn đề trước khi đưa ra các nhận định, đánh giá
Mấy hôm nay nghe thông tin trên đài báo, đặc biệt là mạng xã hội luôn ầm ĩ việc cải cách giáo dục tiểu học, mà cụ thể là cách đánh vần theo chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS. Hồ Ngọc Đại. Dân tình đa phần là hoang mang lo lắng
Tôi là một người làm trong giáo dục xin đưa ra một số ý kiến cá nhân về vấn đề này như sau.
- Trong chương trình CNGD thì chữ viết không thay đổi so với chương trình chuẩn hiện nay (chỉ khác cách ghép vần và đánh vần). Vì vậy việc bỏ chữ viết mà thay thế bằng các hình vuông, tròn, tam giác là không đúng sự thật. Trong bài đầu của cuốn sách lớp 1 có vẽ các hình vuông là để cô giáo dạy học sinh tách các âm trong 1 câu nói mà thôi. Ví dụ trong câu “Tháp mười đẹp nhất bông sen” thì “tháp” là 1 hình vuông, “mười” là 1 hình vuông, … Thiết nghĩ, nếu cô giáo nào dạy được học sinh chỉ nhìn vào hình vuông mà đọc được lên thành tiếng thì chắc cô giáo đó đã được trao giải thưởng “nobel ngôn ngữ” rồi
- Bản chất cách đánh vần theo chương trình CNGD là muốn người học tự biết tách 1 âm phát ra thành 2 thành phần riêng biệt (và chỉ là 2 thôi). Ví dụ âm “Thành” với cách thông thường vẽ đánh vần: “a nhờ anh, thờ anh thanh huyền thành”.
Với chương trình CNGD thì sẽ đánh vần: “thanh huyền thành” như vậy chỉ có 2 yếu tố là “thanh” và “huyền” để đọc thành âm “thành”
Trước khi làm được vậy thì phải học được âm “thanh” được ghép bởi 2 yếu tố là “thờ” và “anh”. Trước đó nữa phải biết âm “anh” được ghép bởi âm “a” và “nhờ”
Như vậy bản chất cách phát âm không đổi, chỉ là cách tách âm dài thành 2 âm ngắn mà thôi. Nếu con em chúng ta có phải học chương trình này thì bố mẹ cũng hoàn toàn có thể tìm hiểu dễ dàng mà dạy con ở nhà chứ không đến mức bố mẹ không dạy được con như mọi người lo lắng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phải tách âm dài thành 2 âm ngắn để làm gì?. Đây chính là cách các nhà ngôn ngữ học xây dựng lên hệ chữ viết của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Khi nghe 1 âm phát ra từ miệng thì người ta đọc kéo dài nó ra 1 chút và tách nó thành 2 âm nhỏ. Rồi dùng 1 ký tự nào đó (gọi là chữ cái hoặc nhóm chữ cái) để quy ước thể hiện 2 âm đó. Khi âm sau khi tách vẫn phức tạp thì người ta lại chia nhỏ 1 trong 2 âm vừa rồi hoặc cả 2 thành 2 âm nhỏ nữa, rồi lại dùng chữ cái để quy ước thể hiện âm, ….
Vì vậy, chương trình CNGD hướng đến người học tự xây dựng lên các quy tắc tách âm, thậm chí có những âm chưa được nhìn thấy cách viết bao giờ nhưng chỉ cần nghe được là người học có thể viết ra chữ để thể hiện âm. Hay chỉ đơn giản là trẻ sẽ không phải thuộc vẹt các cách ghép vần mà học được bản chất âm – chữ (quy ước để thể hiện âm) làm trẻ nhớ lâu hơn.
Tiếng nói của con người có trước (âm), sau đó con người mới tìm các ký tự để quy ước thể hiện các âm đó. Mà đã là quy ước thì là do con người quy định, việc thay đổi là hoàn toàn bình thường miễn sao việc quy ước đó dễ dàng cho người học.
Xét ở góc nhìn khoa học các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học, họ luôn tìm tòi nghiên cứu để dần hoàn thiện chữ viết là đúng đắn. Còn tính hiệu quả, có áp dụng được vào thực tiễn hay không thì còn phải thẩm định và quyết định của các cơ quan chức năng
Dẫu biết động đến chữ viết là động đến 100% số người trong xã hội, nhưng mọi người cần thận trong tìm hiểu bản chất vấn đề trước khi đưa ra các nhận định, đánh giá Tôi nghĩ nếu phụ huynh nào có con phải học theo chương trình CNGD thì cũng đừng quá lo lắng, phụ huynh hoàn toàn có thể tìm hiểu trong thời gian rất ngắn và có thể giúp các bé học tập thêm tại gia đình một cách dễ dàng.
mai van chien