Nghĩ gì về 2 quyết định của Chủ tịch UBND quận 1 TP Hồ Chí Minh

Tưởng rằng “cuộc chiến” giành lại hè đường cho người đi bộ tiến triển thuận lợi, nhưng với hai quyết định mới đây của Chủ tịch quận 1(TP Hồ chí Minh) dư luận băn khoăn liệu hai quyết định đó có “trói chân tay” phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải, nếu có thì vì sao?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Có thể nói, chuyện ông Hải trong “trận chiến” giành giật lại lòng hè đường cho người đi bộ đã tạo sóng dư luận với nhiều ý kiến đa chiều, tuy nhiên, đa số ủng hộ hành động quyết liệt, không khoan nhượng của ông Hải. Nhưng với hai quyết định (thành lập Tổ Kiểm tra liên ngành trật tự đô thị và Tổ Kiểm tra công vụ) mới đây của Chủ tịch UBND quận khiến dư luận cho rằng nó đã “trói chân tay” ông Hải và chính ông Hải cũng cho là như vậy khi trả lời báo chí. Bởi muốn ra quân, giờ đây ông Hải phải có sự phê duyệt của ông Chủ tịch quận .

Vậy chúng ta thấy gì từ 2 quyết định này của Chủ tịch UBND quận 1?

Phải nói rằng, nhiều người trước những hình ảnh của một số cán bộ có trách nhiệm đi dẹp hè đường: Xua đuổi, giành giật với các chủ quán, bà gánh hàng rong…. đã thực sự thông cảm và thương cho mấy ông cảnh sát trật tự, dân phòng khi phải thực thi nhiệm vụ này. Không làm thì không được, nhưng vừa đi khỏi xong, đâu lại hoàn đấy. Vì sao lại khó vậy???

Trong một loạt bài Giành vỉa hè cho người đi bộ - một “cuộc chiến” thực sự; “Trận chiến” vỉa hè – lộ ra nhiều chuyện thật như đùa và “Trận chiến” hè đường đã ngã ngũ?) trên báo chí mạng đã trả lời phần nào câu hỏi trên. Đó là sự thiếu trách của chính quyền cơ sở về việc này, nhưng chưa một quan chức nào bị mất chức. Đó là một số lãnh đạo công an, UBND phường thờ ơ với “trận chiến” khiến ông Hải “cô đơn”. Việc đề nghị xử lý kỷ luật của ông Hải đối với một vài lãnh đạo phường không hoàn thành nhiệm vụ cũng không được chấp nhận… Đồng thời, những bài viết này cũng cho rằng, không thể để một ông Phó Chủ tịch quận suốt ngày xuống đường, bởi ông không thể mãi làm thay cơ quan chức năng của phường. Sự quyết liệt của ông Hải tuy rất cần thiết, nhưng mặt khác, nó cũng chứng tỏ sự thất bại trong quản lý lĩnh vực này của chính quyền.

Do đó, 2 quyết định mới đây của Chủ tịch quận 1 nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của chính quyền các phường là hoàn toàn cần thiết. Nhưng dư luận cũng băn khoăn: Sao liên ngành muốn xuống đường lại phải có đề xuất của cấp phường, rồi Chủ tịch quận phê chuẩn? Như trên đã nói, nếu phường nào đó đã thiếu trách nhiệm (chưa nói có hay không chuyện “chống lưng” cho việc lấn chiếm hè đường) thì dư luận mong gì họ đề xuất.

Mặt khác, nếu đúng là để đề cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền phường, tại sao 2 quyết định này không có chế tài kèm theo? Chẳng hạn, để xảy ra nạn lấn chiếm hè đường, ông Chủ tịch phường phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên và có hình thức kỷ luật thích đáng. Cao hơn nữa, nếu nạn lấn chiếm hè đường vẫn diễn ra tràn lan, ông Chủ tịch quận phải chịu trách nhiệm đầu tiên, chứ ông Phó chủ tịch hoặc các cơ quan chức năng cũng chỉ là người giúp việc. Nếu có chế tài nghiêm khắc như vậy, dư luận đỡ nghi ngờ, luận bàn có hay không việc “trói chân tay” ông Hải.

Mặt khác, việc UBND quận 1 cho xây dựng một số ki ốt để hỗ trợ những người bán rong vào nền nếp là một cố gắng rất lớn. Nhưng, cũng phải nói thẳng, những ki ốt đó giúp được bao nhiều người? Và câu hỏi cần đặt ra, thực sự nạn lấn chiếm vỉa hè có phải do các bà bán hàng rong hay chính những cửa hàng, cửa hiệu đàng hoàng lấn chiếm là chính? Với dư luận, trả lời câu hỏi nó rõ như 1+ 1= 2. Do đó, dù đã có hai “chợ” cho người bán hàng rong, nạn lấn chiếm hè đường vẫn không hề thay đổi.

Vậy làm gì để ông Hải không phải xuống đường hoặc không phải có những chữ ký của ông Chủ tịch quận, liên ngành mới được ra quân, mà hè vẫn thông, đường vẫn thoáng? Câu trả lời có lẽ rất cũ nhưng vẫn luôn thời sự: Người đứng đầu chính quyền địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Hy vọng, dư luận không phải tiếp tục bàn luận quá nhiều chuyện ông Hải “cô đơn”, ông Hải bị “trói chân tay” – nó như câu chuyện luẩn quẩn không có hồi kết.

Vương Hà