Nghề thanh cao không có nghĩa phải bắt thầy cô sống thanh bần!

Chuyện lương giáo viên nói hoài, nói mãi, nói nhiều đến độ người ta không còn muốn nhắc đến nữa. Như một một vết thương luôn nhức nhối, không chịu lành, người ta đành phải lơ đi, hoặc tìm một mỹ từ “nghề thanh cao” phải sống “thanh bần”.


Ngày khai giảng của thầy trò trường vùng cao - Ảnh: Facebook Chúng tôi là giáo viên

Ngày khai giảng của thầy trò trường vùng cao - Ảnh: Facebook "Chúng tôi là giáo viên"

Bạn tôi, giáo viên dạy toán tại một trường công lập, sau 3 năm làm việc, đang hưởng lương cán bộ, công chức bậc 2 tức 2,67x1.300.000 đồng (3.471.000 đồng). Thế nhưng bạn nhận không trọn vẹn bởi còn phải đóng các khoản BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hỏi bạn “Thế sống sao?” – Bạn bảo “Nghề thanh cao mà cậu, ráng sống thanh bần chứ”.

Giữa Sài Gòn, thành phố sôi động nhất nước, mở mắt ra là tốn tiền, chi phí đắt đỏ, sống “bần” thì được chứ “thanh” khó lắm, làm sao không chạnh lòng tủi thân, làm sao giữ được mình khi xung quanh ai cũng sung túc, đủ đầy?

Bạn bảo, là giáo viên thì cũng cần phải trả tiền nhà trọ 1,5 đến 2 triệu đồng/phòng/tháng. Cũng phải cơm ăn ngày 3 bữa, mua bó rau muống giá 6.000 đồng, hay mỗi khi thèm tô phở cũng phải trả 30.000 đồng.

Nhưng lương giáo viên thì nhất quyết đi một lối riêng, tức là người mới vào là 2.700.000 đồng/tháng. Trong khi đó, ngoài việc đứng lớp, giáo viên còn phải thao giảng, dự giờ, ngoại khóa, sổ sách…, mà những việc đó đều là một phần của công việc, đã được tính cả vào khoản lương 2.700.000 đồng/tháng!

Để sống được, sau giờ đi dạy, đa phần giáo viên đều đi làm gia sư, có người chạy cả tuần. Có người khéo tay tự làm kim chi, cà muối bán trên mạng, có người khéo miệng thì bán mỹ phẩm, áo quần… chật vật qua ngày. Cũng có người đi làm nghề khác, nhưng không dám nói ra.

Ở các thành phố lớn còn đi làm gia sư, dạy thêm còn ở nông thôn thì làm gì? Những môn chính như toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ, giáo viên còn đi dạy thêm được, các môn phụ như sử, địa, giáo dục công dân…, giáo viên muốn làm thêm không được hoặc chẳng dám nói ra công việc làm thêm của mình.

Thầy hiệu trưởng ở một quận nội thành của TPHCM từng chia sẻ với đoàn giám sát của HĐND TP: “Nhiều giáo viên, ngoài đi dạy thì tranh thủ bán hàng siêu thị vào các ca đêm, sau thời gian thấy bán hàng ở siêu thị lương cao hơn nên nghỉ dạy”. Ừ, vậy đi cho khỏe, theo cái nghề vốn được coi là thanh cao, rồi sống bần hàn cả đời, chịu sao nổi!

Có một dạo nổi lên phong trào “bắt tại trận giáo viên dạy thêm”, tức là có cơ quan chức năng lập biên bản xử lý, giáo viên cam kết không tái phạm trước mặt học trò. Bạn tôi thật sự hoảng sợ, gọi cho tôi bảo: “Thầy cô giáo sẽ ra sao sau buổi “bắt bớ” ấy! Lúc ấy, sao không ai nghĩ đến cái chữ “thanh cao” mà xã hội đã đặt lên vai chúng tôi? Muốn thầy cô giữ cho cái nghề này thanh cao với nghề, trước hết phải để thầy cô sống đàng hoàng với nghề đã”.

Theo Khánh Ninh

Báo Lao động

https://laodong.vn/dien-dan/nghe-thanh-cao-khong-co-nghia-phai-bat-thay-co-song-thanh-ban-563302.ldo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm