Ngày xuân, lại bàn về lợi ích đọc sách

(Dân trí) - Ngày nay, có nhiều phương tiện thu nhận thông tin. Người ta có thể xem Ti vi, nghe đài phát thanh và đón nhận nguồn thông tin rất đa dạng, phong phú qua mạng Internet, nhưng đọc sách vẫn là cách thu nhận thông tin không thể thay thế.

Từ xưa đến nay, bất luận trong hoàn cảnh nào, sách vẫn là một công cụ, một phương tiện hữu ích đối với loài người; trên thế giới cũng như ở Việt nam, nhiều bậc hiền tài, nhiều chí sỹ yêu nước, nhiều nhà khoa học, nhiều bác học uyên thâm, lỗi lạc cũng trưởng thành nhờ khổ luyện “dùi mài kinh sử” mà nên, với nhiều người, sách được coi là “gối đầu giường”, và thậm chí nhiều người còn được ví là “con mọt sách”.
 
Ngày xuân, lại bàn về lợi ích đọc sách - 1
Các học sinh đọc sách trong "thư viện thân thiện"

Ngày nay, dù xã hội phát triển ngày càng văn minh, phồn thịnh, loài người vẫn một mực trung thành, tôn vinh sách và lấy ngày 23 tháng 4 hàng năm làm “ngày đọc sách thế giới”.

Vai trò của sách đối với đới sống con người

Những năm gần đây, cùng với sự phát tiển như vũ  bảo của kinh tế - xã hội, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đột phá ngoạn mục của khoa học kỷ thuật; Internet phát triển, sự học-sự đọc của nhân dân nói chung và của học sinh - sinh viên nói riêng mở ra nhiều cơ hội và kênh thông tin để chọn lựa, tuy nhiên, cho đến nay loài người vẫn không thể phủ nhận được vai trò, chức năng vị thế của sách, báo, tạp chí nhằm cung cấp cho xã hội lượng tri thức khổng lồ mà loài người đã dày công sáng tạo và đúc kết, nhiều tri thức khoa học được chuyển tải, nhiều phát minh, sáng chế được cập nhật; nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến được với nhân loại qua sự đọc, sự tự học và tìm kiếm của mỗi một chủ thể - con người.

V.I Lê Nin đã từng nói: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có Chủ nghĩa xã hội”. Đọc để  biết, để biến lý luận thành thực tiễn, biến những kiến thức từ sách vở thành hiện thực trong đời sống và từ những kinh nghiệm thực tế làm phong phú hơn, sâu sắc hơn vốn hiểu biết cũng như kho tàng lý luận...

Đặc biệt đối với  hoạt động đặc thù của nghề dạy - học, khi chúng ta đang ra sức thực hiện các cuộc vận động: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương  tự học và sáng tạo”, “Nói không với đọc chép”… thì  việc cung cấp cho cả  người dạy và người học nguồn sách báo là điều trở nên vô cùng cần thiết không thể thay thế.

Đọc để giúp ta mở mang tầm hiểu biết, nó còn là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng, qua đó nuôi dưỡng tâm hồn con người ta được thăng hoa, gieo vào lòng người những ước mơ tốt đẹp, giúp con người đủ bản lĩnh, trí tuệ để chinh phục những đỉnh cao của vinh quang bởi sách chính là kho tàng tri thức nhân loại, do đó đọc sách không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần, là khâu giải trí. Sách còn là công cụ quan trọng nhất giúp cho việc  tự học và tự tu dưỡng.

Trong lịch sử phát triển của nước nhà, nhiều tên tuổi, nhiều danh nhân văn hóa lớn đã khẳng định được giá trị của mình bằng con đường tự học và sáng tạo. Chính bằng con đường này đã góp phần to lớn trong việc cung cấp cho đất nước nhiều nhân sỹ, nhiều hiền tài mà  Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta là minh chứng, là tấm gương ngời sáng cho tinh thần tự học, tự đọc. 

Dù không có điều kiện để theo học trường lớp, nhưng chỉ bằng con đường tự học, tự đọc Bác đã học giỏi nhiều ngoại ngữ, uyên thâm về kiến thức, để rồi Người trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Thế nhưng có một điều đáng  buồn là hiện nay, việc nhận thức của HS về sự học, sự đọc có nhiều hạn chế. Thậm chí nhiều HS còn không thể nhớ nổi khi thầy cô yêu cầu kể tên một hay một vài tên cuốn sách mà bản thân đã từng đọc, điều đó chính là rào cản lớn nhất cho việc đổi mới đồng bộ  nền giáo dục nước nhà hiện nay không thể thiếu vắng vai trò tham gia tích cực của HS.

Thực tế, hiện nay ở các trường học THPT hầu như đều có  xây dựng thư viện,  thế nhưng “Lượng” có, “Chất” không? Thư viện nhà trường chỉ đáp ứng được ít nhiều nhu cầu của đội ngũ cán bộ giáo viên, còn đối với đối tượng học sinh – lực lượng đóng vai trò trung tâm trong hoạt động dạy – học đang “khát”đọc thì nhu cầu này hầu như chưa được đáp ứng, thậm chí là còn rất “đói”, mặc dù trên địa bàn tỉnh  đã có một số hiệu sách tự chọn, một số thư viện, một số phòng văn hóa huyện và các trung tâm ,các điểm văn hóa xã mọc lên nhưng nhìn chung các địa chỉ này chưa thể đáp ứng được nhu cầu dọc của con em nhân dân…  Tủ sách ở các điểm Bưu điện văn hóa xã  còn nghèo, chưa thu hút được bạn đọc. Thế nên có một thực trạng là các tủ sách này còn bị “đóng cửa” chưa tương xứng với tên gọi của nó.

Người viết bài này có lần đem vấn đề “xây dựng phòng thư viện đọc cho HS" thì nhận được sự hăm hở, đồng tình hưởng ứng cao của đối tượng này, bởi hầu hết các em đếu có chung một nhận định, chung một nguyện vọng được đọc, được học, vì việc học, việc đọc ở nhà của các em còn thiếu thốn về nguồn tư liệu, sách, báo, tạp chí… thế nên thời gian thấm thoắt trôi qua, ở các bậc từ tiểu học cho đến THPT và kể cả Sinh viên nói chung thường xuyên xẩy ra tình trạng “đói thông tin”, HS ở các vùng thị trấn, thành phố thường có điều kiện hơn  một chút nhưng  việc nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách thì lại cầm chừng. Thường họ lao vào các trò chơi hiện đại, game, bạo lực hay số ít khác đọc sách không hợp lứa tuổi.

Ngược lại HS ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hay vùng đồng bào thiểu số thì việc thiếu sách báo diễn ra triền miên. Thậm chí đến sách giáo khoa cũng chưa hẳn đã được trang bị đầy đủ,  mà chưa nói đến các loại sách báo khác. Đó là cả một thiệt thòi rất lớn do lịch sử để lại mà hiện nay chúng ta không dễ gì san lấp.. Đến đây, tôi lại một lần nữa thấm thía lời Bác Hồ muôn vàn kính yêu, răng: “ Suốt đời tôi chỉ có một ham  muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đông bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Điệp khúc “ ai cũng”, “ai cũng” khiến chúng ta không khỏi  trằn trở, băn khoăn??? Ngày nay, tri thức loài người càng phong phú, được đúc kết thành sách (Bao gồm cả sách điện tử), để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của  mọi người. cứ như thế, vô hình trung việc đọc sách đã tạo ra một dòng chảy ngầm trong xã hội, một trào lưu không bao giờ xưa cũ với thời gian. Qua đó có thể giữ gìn, phát huy, truyền bá văn minh,văn hóa cho cả loài người từ Đông chí Tây, từ kim chí cổ, cho mọi người và cho mọi nhà.

Tất nhiên, không chỉ có HS_SV, mà theo chúng tôi, nhân dân nói chung cũng cần phải tự học thông qua con đường đọc sách để thực hiện phương châm học tập suốt đời, nếu không muốn mình bị lạc hậu và tụt hậu. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhà giáo, muốn trở thành những “ Tấm gương về  đạo đức tự học và sáng tạo” không thể không chăm đọc sách để không ngừng ngừng nâng cao kiến thức và trau dồi phẩm chất, nhân cách. Không chỉ đọc các loài sách, báo, tài liệu liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của bộ môn mình phụ trách mà còn cần phải tham khảo các tài liệu  khác để “ làm giàu” kiến thức nhiều mặt và nâng cao trình độ văn hóa nói chung, chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu cảu sự nghiệp giáo dục trong chặng đường mới.

Tôi rất tâm đắc với một điều răn của phật là “Mỗi ngày con nên tìm đọc một cuốn sách, nên nói lời làm ơn và xin lối càng nhiều càng tốt” bởi  ẩn chứa trong lời răn ấy là cả một ý nghĩa nhân văn, mang nội dung giáo dục to lớn để hướng con người đến cái chân – thiện – mỹ, hướng đến các giá trị cao thượng nhất trong cuộc sống của mỗ con người. Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành giáo dục cần khẩn trương vào cuộc để có kế hoạch nhanh chóng xây dựng  hệ thống thư viện đáp ứng người đọc, các nhà trường cũng cần tham mưu cho cấp ủy đảng chính quyền ưu tiên xây dựng một hệ thống thư viện đủ lượng và chất phục vụ cho không chỉ đôi ngũ cán bộ giáo viên mà cả HS. Bộ GD&ĐT cũng cần coi đây là một trong những tiêu chí quan trong để đánh giá và xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Phan Anh Tú
Trường THPT Hà Huy Tập-Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh 
 
LTS Dân trí - Không như các phương tiện thông tin khác tuy nhanh nhạy và  kịp thời, nhưng  sách báo lại tạo điều kiện cho người đọc hiểu cặn kỳ và sâu sắc hơn về nội dung thông tin. Chính vì vậy, dù ngày nay có nhiều phương tiện thông tin hiện đại nhưng không thể thay thế được các loại sách báo rất phong phú đa dạng về mọi lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội.
 
Sách báo (bao gồm cả sách báo điện tử) luôn là nguồn bổ sung kiến thức không thể thiếu của nhà trường. Cùng với nội dung học trong chương trình chính khóa, học sinh cần được bổ xung kiến thức qua việc đọc sách báo, làm cho vốn hiểu biết rộng hơn và chắc chắn hơn. Vì vậy, ngành giáo dục cũng như mỗi nhà trường cần coi trọng việc xây dựng thư viện có đầy đủ số sách báo cần thiết phục vụ cho đội ngũ giáo viên cũng như học sinh. Bộ GD-ĐT và Chính quyền các cấp nên quan tâm tạo điều kiện kinh phí cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng thư viện cho mọi cấp học và bậc học.